Apple có thể 'bảo vệ môi trường' hơn nữa

Apple có thể giữ lại cáp sạc Lightning to USB-C một thời gian sau đó dần chuyển hoàn toàn sang cáp hai đầu USB-C để bảo vệ môi trường.

Việc iPhone 12 không bán kèm củ sạc và tai nghe mà chỉ có cáp sạc với một đầu cổng Lightning và đầu còn lại là cổng USB-C là để bảo vệ môi trường, theo tuyên bố của hãng.

Apple lý giải việc cắt giảm những phụ kiện “miễn phí” này sẽ giúp giảm bớt nguyên liệu sản xuất và việc vận chuyển cũng dễ dàng hơn.

Loại bỏ củ sạc và tai nghe trên mỗi chiếc điện thoại bán ra có thể chỉ là một thay đổi nhỏ đối với mỗi người mua iPhone.

Nhưng với 200 triệu chiếc iPhone bán ra trong năm 2019 thì tác động toàn cầu là không hề nhỏ. Đặc biệt, khi các hãng khác cũng đang bắt đầu đi theo Táo khuyết.

Theo trang Wired, một củ sạc chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng lượng rác thải công nghệ. Nhưng nếu tính trên quy mô toàn cầu sẽ là hàng chục nghìn tấn hàng năm.

 Cáp sạc Lightning to USB-C đi kèm trong iPhone 12. Ảnh: Wccftech

Cáp sạc Lightning to USB-C đi kèm trong iPhone 12. Ảnh: Wccftech

Hơn nữa, theo Apple, củ sạc là phụ kiện mà nhiều người dùng điện thoại thông minh đã có. Vì vậy sẽ là lãng phí nếu hãng tiếp tục trang bị củ sạc cho iPhone 12 của mình.

Apple ước tính có đến 2 tỷ củ sạc của hãng và hàng tỷ củ sạc của những hãng khác đang lưu hành trên thế giới.

Theo thống kê của trang IDC, Apple chỉ chiếm 13,9% thị trường smartphone năm 2019. Các hãng còn lại đóng góp hơn một tỷ điện thoại ra thị trường và hầu hết chúng đều sử dụng cổng USB-C.

Nghĩa là, trên lý thuyết, nếu tính riêng mảng điện thoại thông minh, rất nhiều người dùng đã có củ sạc và dây cáp để sạc một chiếc iPhone cổng USB-C. Dựa vào đó, Apple hoàn toàn có thể bán điện thoại không kèm củ sạc.

Bảo vệ môi trường hơn nữa

Apple có thể tiến xa hơn với mục tiêu “bảo vệ môi trường” của mình bằng cách chuyển đổi cáp sạc có một đầu là cổng Lightning sang cáp sạc cổng USB-C hai đầu.

Bởi vì kể từ năm 2020, USB-C đã trở thành chuẩn kết nối có dây được ứng dụng phổ biến cho nhiều thiết bị như tai nghe, tai nghe không dây, kính thực tế ảo, máy tính bảng, máy tính xách tay, bảng điều khiển trò chơi như Nintendo Switch, PS5 và Xbox Series X.

Các loại pin và bộ sạc USB-C cũng ngày càng nhỏ gọn nhưng công suất lên đến 100 Watt.

Một pin mạnh hoặc củ sạc có kích thước chỉ bằng bộ bài cũng có thể cung cấp năng lượng cho cả máy tính xách tay, máy tính bảng và điện thoại cùng một lúc.

Củ sạc và cáp sạc USB-C là phụ kiện có thể dùng cho hầu hết thiết bị điện tử. Ảnh: Amazon

Tuy nhiên, Apple chỉ mới bắt đầu cung cấp bộ sạc USB-C từ năm 2019 và giới hạn cho các mẫu iPhone Pro, phần lớn iPhone vẫn sử dụng bộ sạc Lightning.

Apple cho rằng việc chuyển hoàn toàn sang USB-C và bỏ đi tất cả phụ kiện cổng Lightning là không tốt cho môi trường, trong một tuyên bố gần đây của mình, đáp lại yêu cầu chuyển đổi sang cổng USB-C của thị trường Châu Âu.

“Hơn 1 tỷ thiết bị Apple đã xuất xưởng sử dụng đầu nối Lightning cùng với toàn bộ hệ sinh thái các nhà sản xuất phụ kiện và thiết bị khác cũng sử dụng cổng Lightning. Việc chuyển sang hoàn toàn cổng USB-C sẽ tạo ra một lượng rác thải điện tử chưa từng có và gây bất tiện lớn cho người dùng", theo hãng.

Cách làm cũ, hiệu quả mới

Nhiều ý kiến cho rằng, Apple vẫn có thể dần chuyển đổi sang USB-C như cách mà hãng đã làm khi chuyển từ cổng 30 pin sang Lightning, bằng cách duy trì dây cáp sạc Lightning to USB-C một thời gian sau đó chuyển sang dây sạc hai đầu USB-C.

Điều này có thể sẽ tạo ra một lượng lớn thiết bị và phụ kiện bị bỏ đi nhưng đó là cái giá ngắn hạn cho những lợi ích lâu dài của sự đồng nhất sang USB-C.

Hiện tại, thông điệp "bảo vệ môi trường" đi cùng với cáp sạc Lightning to USB-C của Táo khuyết chưa thực sự thuyết phục người tiêu dùng. Nhiều người vẫn nghĩ rằng, nếu đã giữ lại cổng Lightning độc quyền thì iPhone 12 vẫn nên bán kèm củ sạc.

Sang Trần
Theo The Verge

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/apple-co-the-bao-ve-moi-truong-hon-nua-post1143964.html