APEC: Một mâu thuẫn không lối thoát?

Lần đầu tiên Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation - APEC) kết thúc vào chiều 19/11 mà không đưa ra được thỏa thuận chung. Bài viết sau đây của nhà báo Karishma Vaswani chuyên về mảng kinh tế của BBC News tại Asia đăng ngày 20/11:

Thông thường, những kỳ Hội nghị Thượng đỉnh APEC kết thúc bằng một thỏa thuận chung và một bức ảnh 'đại gia đình' APEC. Những hội nghị này thường là các sự kiện được dàn dựng kỹ lưỡng. Bạn thường không nhận được nhiều bất ngờ.

Năm nay, APEC vẫn có bức ảnh 'gia đình' - nhưng là một gia đình đầy căng thẳng và đối đầu. Trong khi mọi người đều mỉm cười trước máy ảnh, một trận chiến giành ảnh hưởng và quyền lực bùng nổ giữa hai cường quốc của thế giới: Mỹ và Trung Quốc.

21 nhà lãnh đạo của APEC 2018 chụp ảnh kỷ niệm (Ảnh: AFP)

Những tầm nhìn khác biệt

Báo giới lần đầu tiên nghi ngờ là có điều gì đó diễn ra không theo đúng kế hoạch khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau bước ra sân khấu và tuyên bố rằng APEC năm nay sẽ không có thỏa thuận chung. Sự khác biệt về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là nguyên nhân dẫn đến bế tắc này.

Đây là lần đầu tiên trong hơn 20 năm mà 21 thành viên APEC thất bại trong việc đạt được một thỏa thuận vào cuối cuộc họp.

Hãy suy nghĩ một chút về điều này.

Cuộc tranh luận giữa hai nước mạnh nhất thế giới là nguyên nhân khiến cộng đồng quốc tế không thể quyết định một số vấn đề thương mại và kinh tế quan trọng nhất lúc này.Việc hai nước bất đồng điều gì chưa được biết rõ một cách chính xác, nhưng các báo cáo trước APEC cho thấy đã có vấn đề giữa Washington và Bắc Kinh, đặc biệt trong định nghĩa về thương mại tự do và công bằng, và cách điều chỉnh và phân loại các hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước khi họ đầu tư vào những nước khác nhau.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (thay mặt Tổng thống Donald Trump) tại APEC 2018 (Ảnh: Reuters)

Mỹ nhìn các công ty nhà nước của Trung Quốc như là một phần mở rộng của chính phủ, mà Mỹ nói bảo vệ không công bằng các công ty trong nước gây bất lợi cho các công ty Mỹ. Mỹ cũng cho biết Trung Quốc sử dụng chương trình Vành đai Con đường như một cách để khuyến dụ các quốc gia vào "bẫy nợ".

Bắc Kinh phủ nhận điều này, nói rằng Washington đang tích cực ngăn cản Trung Quốc trở nên quá mạnh bằng cách hạn chế sự trỗi dậy của các công ty của Trung Quốc.

“Ngư ông đắc lợi”

Những căng thẳng giữa hai nước bao trùm toàn bộ hoạt động của APEC, nhưng chủ nhà Papua New Guinea (PNG) đã cố gắng để xoa dịu. Tuy nhiên, đó là do PNG được hưởng lợi nhiều nhất từ APEC.

Trong bối cảnh chiến tranh mậu dịch Mỹ-Trung nhằm giành ảnh hưởng trong khu vực, PNG nhận được một căn cứ hải quân mới được tái phát triển bởi Mỹ và Australia, và 1,7 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng điện. Tất cả điều này để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, như tôi đã viết trước đây.

Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị APEC (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp nhau vào cuối tháng này tại bên lề Hội nghị G20 ở Buenos Aires (Argentina), và thất bại tại APEC sẽ thúc đẩy hai nước phải đi đến một số thỏa thuận liên quan đến chiến tranh mậu dịch Mỹ-Trung.

Nhưng cuộc chiến giữa hai siêu cường của thế giới sẽ không sớm kết thúc. Nó đang nhanh chóng biến thành mối quan hệ mong manh nhất thế giới - với những hậu quả nguy hiểm cho phần còn lại của thế giới.

Ngoài PNG, còn ai “đắc lợi” nữa? Có thể là có vài nước không quá lệ thuộc vào hai siêu cường kinh tế số 1 và số 2 thế giới. Còn mâu thuẫn Mỹ - Trung có lối thoát không? Câu trả lời sẽ được hé lộ vào cuối tháng 11 tại Buenos Aires?

Lê Miên Tường

(Theo BBC News)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/apec-mot-mau-thuan-khong-loi-thoat-d72339.html