APEC CEO Summit: Bàn về tương lai kinh tế số hóa và người lao động

Tạo việc làm mới, tăng cường kết nối và tự do hóa thương mại trong kỷ nguyên số hóa là những vấn đề được thảo luận trong Hội nghị CEO Summit 2017.

Ngày 9/11, là ngày đáng chú ý nhất trong 3 ngày diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017 (CEO Summit) với lịch thảo luận dày đặc về nhiều chủ đề khá hấp dẫn. Tạo việc làm mới, tăng cường kết nối và tự do hóa thương mại trong kỷ nguyên số hóa là những vấn đề được thảo luận trong cả 4 phiên thảo luận với sự tham gia của Lãnh đạo các tập đoàn kinh tế hàng đầu khu vực và thế giới cùng nhiều nhà hoạch định chính sách.

Chủ đề tương lai việc làm và khả năng con người bị thay thế bởi máy móc đã thu hút được nhiều ý kiến thảo luận. Những chia sẻ về câu chuyện tương lai việc làm và những chú robot có khả năng thay thế con người đã nhận được sự quan tâm không chỉ của các diễn giả mà còn nhận được nhiều câu hỏi từ các doanh nghiệp tham gia phiên đối thoại.

Đại biểu các nền kinh tế tham dự hội nghị. Ảnh: TTXVN

Những câu hỏi về tương lai việc làm được đề cập trực diện: Đâu sẽ là những nhân tố và ngành nghề giúp tạo ra nhiều việc làm hơn trong tương lai? Các diễn giả cho rằng, công nghệ số có thể làm mất đi nhiều việc làm song cũng sẽ là cơ hội cho ngành nghề khác phát triển, và đó cũng là cơ hội cho những việc làm mới, ví dụ như là thương mại điện tử...

Ông Scott Price, Phó Tổng Giám đốc điều hành tập đoàn WallMart International chia sẻ: "Chúng tôi nghĩ nền kinh tế dịch vụ đang phát triển. Khi thương mại điện tử phát triển, chúng ta cũng nhận thấy cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy thương mại như thế nào. Các chuỗi cung ứng sẽ thay đổi. Và ở đây chúng ta thấy nếu trong 10 năm tới, chúng ta đầu tư khoảng 57.000 tỉ USD vào cơ sở hạ tầng thương mại điện tử thì liệu có rào cản nào hay không?

Việc đầu tư trực tuyến, bán hàng xuyên quốc gia có thể đạt được hàng ngàn tỉ USD trong nhiều năm tới. Chúng ta cũng cần có hệ thống thanh toán tự động. Đó cũng chính là cơ hội tạo ra những việc làm mới".

Ông Nathan Blecharczyk, Nhà sáng lập và Giám đốc chiến lược, công ty Airbnb thì cho rằng, cuộc cách mạng công nghệ số sẽ có ảnh hưởng đến nền kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Các nền kinh tế, thậm chí là mỗi doanh nghiệp có thể khai thác những lợi ích từ quá trình này, ví dụ như là ngành du lịch.

"Công nghệ làm cho thu nhập bình quân đầu người tăng lên. Các quốc gia cũng tranh thủ công nghệ để phát triển du lịch. Trước những thách thức về kỹ năng của người lao động, cũng như hạ tầng… thì công nghệ giúp giải quyết việc tiếp đón hàng triệu khách du lịch. Khi du lịch tăng lên thì thu nhập của người dân tăng lên. Khi đi du lịch người ta không chỉ bỏ tiền đi đến nơi đó mà còn tiền chi tiêu vào dịch vụ giải trí ở địa phương" - ông Nathan Blecharczyk chia sẻ.

Yếu tố công nghệ có thể sẽ tiếp tục được đề cập tới trong bức tranh kinh tế tổng thể của khu vực trong nhiều năm tới. Bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến việc làm, mà còn ảnh hưởng tới quy mô mỗi nền kinh tế, đến các yếu tố kết nối thương mại trong khu vực.

Theo khảo sát vừa công bố của hãng kiểm toán PWC, ngay tại Việt Nam, đã có hơn 50% doanh nghiệp hiện đang tiến hành tự động hóa một số chức năng, đồng nghĩa các công việc đó sẽ chuyển dần sang tự động hóa chứ không phải thực hiện bởi con người nữa. Do đó, việc chuẩn bị đón bắt xu thế này như thế nào sẽ luôn là mối quan tâm của cả doanh nghiệp và người lao động.

Chia sẻ quan điểm của các nhà hoạch định chính sách, bà Chrystia Freeland, Bộ trưởng Bộ ngoại giao New Zealand cho rằng, giáo dục là cách thức để thúc đẩy tăng trưởng bao trùm: "Chính phủ chú trọng đến giáo dục và đào tạo. Đó là việc quan trọng nhất. Giáo dục sẽ giúp mỗi cá nhân thích nghi được với những thay đổi, kể cả công nghệ hay bất cứ thách thức nào.

Ví dụ để thích ứng tạo ra động lực phát triển, Singapore có chương trình cho đào tạo lại cho người lao động. Tôi tin rằng để có một tương lai phát triển của khu vực trong 25 năm tới, thì ngay từ bây giờ phải có các chương trình đào tạo các công cụ tiếp cận việc làm, đào tạo cách đối phó với các khủng hoảng, tìm ra các động lực phát triển".

Bên cạnh đó, những chủ đề mới về việc thế giới đang gỡ bỏ những ranh giới và rào cản thương mại như thế nào trong bối cảnh toàn cầu hóa cũng sẽ được bàn tới. Những khái niệm xuất xứ quốc gia như: "Made in Vietnam" hay "Made in US" đang dần bị xóa nhòa bởi mỗi quốc gia hiện cũng chỉ là một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà thôi.

Thậm chí cũng xuất hiện những khái niệm mới như là hàng không tiêu dùng (comsumer ailine) như quan điểm của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietjetair (Việt Nam) trong quá trình kết nối thương mại thông qua liên kết toàn cầu, liên kết khu vực.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo: "Khi chúng tôi đầu tư máy bay cũng là nâng cao năng lực của ngành hàng không và nền kinh tế. Chúng tôi chú trọng xây dựng kết nối mối quan hệ interlight với các hãng quốc tế. Tới đây hành khách của Vietjetair sẽ khác với hành khách nhiều hãng hàng không khác.

Thông qua sự kết nối hàng không toàn cầu có thể bay đến bất cứ nơi nào trên thế giới. Chúng tôi còn cung cấp dịch vụ cho hàng không, từ dịch vụ thương mại đến dịch vụ bảo hiểm. Chúng tôi gọi là consumer airline. Chúng tôi dẫn đầu trong cuộc cách mạng 4.0".

Nội dung được quan tâm nhiều nhất trong sự kiện ngày hôm nay có thể không đơn thuần là câu chuyện công nghệ nữa mà cao hơn là nền kinh tế số. Có nhiều câu hỏi được đặt ra như vấn đề hành lang pháp lý của một nền kinh tế số sẽ hình thành như thế nào, hay các giải pháp từ các chính phủ nhằm thúc đẩy các dịch vụ liên quan đến kinh tế số, ví dụ như là dùng đồng tiền điện tử (hay còn gọi là tiền ảo) hay các dịch vụ vận tải số là Uber, Grab hiện nay ở Việt Nam…

Ngoài ra, trong cả 4 phiên thảo luận, các diễn giả cũng như các câu hỏi cũng đặt trọng tâm vào vấn đề làm thế nào để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà không phương hại đến môi trường. Đằng sau sự phát triển kinh tế của nhiều nền kinh tế thành viên APEC có những câu chuyện “trả giá” không nhỏ.

Sự chia sẻ của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu khu vực cho thấy một nhận thức lớn của cả APEC trong việc hướng tới tăng trưởng xanh. Bởi nó không còn chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi của các chính trị gia mà đang trở thành hiện thực khi chính doanh nghiệp, chủ thể của thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã chính thức tham gia vào quá trình “xanh sạch kinh tế” khu vực và toàn cầu./.

Nhóm PV/VOV

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/apec-ceo-summit-ban-ve-tuong-lai-kinh-te-so-hoa-va-nguoi-lao-dong-693599.vov