APEC 2020 tại Malaysia: Hội nghị đặc biệt diễn ra giữa đại dịch Covid-19

Ngày 20/11, các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), diễn ra theo hình thức trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO APEC) ngày 19/11, các nhà lãnh đạo, bao gồm Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thảo luận với các lãnh đạo doanh nghiệp về các thách thức sau đại dịch Covid-19.

Hội nghị thượng đỉnh APEC sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến dưới sự điều phối của nước chủ nhà Malaysia. (Nguồn: Nikkei Asia Review)

Hội nghị thượng đỉnh APEC sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến dưới sự điều phối của nước chủ nhà Malaysia. (Nguồn: Nikkei Asia Review)

Tầm nhìn sau năm 2020

Trước khi Covid-19 làm đảo lộn thế giới, mục tiêu chính của Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Kuala Lumpur (Malaysia) là quyết định tầm nhìn thay thế Mục tiêu Bogor của nhóm. Mục tiêu Bogor được thông qua năm 1994, xác định APEC là một khu vực tự do và mở cửa về thương mại - đầu tư.

Mục tiêu này đã trở thành định hướng cho hợp tác APEC trong suốt hơn 2 thập niên qua và trở thành kim chỉ nam cho việc xây dựng một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2020, trên cơ sở những thành tựu của Mục tiêu Bogor, các nhà lãnh đạo APEC sẽ hoàn thành xây dựng một tầm nhìn xa hơn, phù hợp với tình hình mới hiện nay.

Bộ trưởng Thương mại Malaysia Azmin Ali, người chủ trì một cuộc họp trực tuyến cấp Bộ trưởng của APEC vào tối ngày 16/11 cho biết, tài liệu sau năm 2020 sẽ "dựa trên sự thành công của các Mục tiêu Bogor, và sẽ vạch ra định hướng chiến lược dài hạn cho khu vực... ít nhất là đối với 2 thập kỷ tiếp theo". Ông Azmin nhấn mạnh rằng, châu Á đã và sẽ tiếp tục "chống lại các hình thức của chủ nghĩa bảo hộ" và ưu tiên cho "sự thịnh vượng chung".

Tổng thống Mỹ Donald Trump có tham dự?

Một câu hỏi trong quá trình chuẩn bị APEC là liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump có tham dự hay không?Có thể, đây sẽ là một trong những cơ hội cuối cùng của ông Trump nhằm để lại dấu ấn trên trường quốc tế trước khi cuộc bầu cử Mỹ có kết quả chính thức vào tháng Một năm sau.

Ngay trước Hội nghị thượng đỉnh, một quan chức Mỹ giấu tên nói với Reuters rằng, Tổng thống Trump có ý định tham gia.

Cuối tuần trước, các quan chức Mỹ cho biết, họ vẫn đang xác định ai sẽ đại diện cho đất nước tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo. Tổng thống Trump tham dự Hội nghị cấp cao APEC tại Việt Nam năm 2017, nhưng đã cử Phó Tổng thống Mike Pence đến Papua New Guinea năm 2018.

Tổng thống cũng được dự kiến sẽ tham dự Diễn đàn năm 2019 tại Chile trước khi các hội nghị bị hoãn lại.

Hợp tác chống đại dịch Covid-19

Hội nghị cấp cao APEC 2020 diễn ra khi thế giới đạt mốc 55 triệu ca nhiễm và 1,33 triệu ca tử vong vì Covid-19.

Các quan chức cấp cao của 21 thành viên, vốn đã nhóm họp tuần trước để chuẩn bị cho sự kiện chính, thừa nhận rằng các chính sách được các nền kinh tế APEC áp dụng chung sẽ có ý nghĩa quyết định trong cuộc chiến chống đại dịch. 21 thành viên APEC chiếm khoảng 40% dân số thế giới, một nửa thương mại toàn cầu và 60% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.

Các quan chức APEC cho biết, công việc trong những tháng gần đây đã cho phép vận chuyển các mặt hàng thiết yếu, như thuốc và thiết bị y tế, đồng thời đề xuất xem xét các biện pháp di chuyển của người dân trong bối cảnh hạn chế đi lại.

Bà Rebecca Fatima Sta Maria, Giám đốc điều hành của Ban Thư ký APEC cho biết: “Trước đây, chúng ta từng phải đối mặt với sự bất ổn kinh tế và những thách thức khác đe dọa sự thịnh vượng và ổn định trong khu vực nhưng chưa từng có thách thức nào giống như mối đe dọa từ đại dịch Covid-19. Đại dịch đang chi phối cuộc sống, hoạt động kinh tế và các quyết định chính sách của chúng ta".

(theo Nikkei Asia Review)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/apec-2020-tai-malaysia-hoi-nghi-dac-biet-dien-ra-giua-dai-dich-covid-19-129560.html