Ấp ủ than hồng thành ngọn lửa

Có không ít nhận xét rằng, các bạn trẻ ngày nay ít 'chất lửa', sống thiếu lý tưởng, thiếu ý thức dấn thân. Nhưng thực ra, tuổi trẻ thời nào cũng đầy lửa nhiệt tình, vấn đề còn lại là phải có chất xúc tác để họ thể hiện.

Phong trào hoạt động hoạt động Đoàn, Đội trong các cơ sở giáo dục có vai trò không nhỏ cùng với nhà trường giáo dục toàn diện cho HS, SV, giúp cho các em lĩnh hội thêm các kiến thức xã hội, kỹ năng sống, hiểu thêm về lịch sử, làm giàu thêm lòng yêu nước...

Tinh thần vì cộng đồng

Đều đặn 5 năm nay, dù vào đợt cao điểm ôn thi hay làm đồ án thực tập, tốt nghiệp… lớp dạy kèm cho những HS khiếm thị tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng do đội Công tác xã hội (CTXH), Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đảm nhiệm vẫn duy trì được 3 buổi tối/tuần.

Mỗi buổi tối có 15 SV trong đội CTXH cùng học bài với những HS khiếm thị của trung tâm theo hình thức một kèm một, vừa đọc bài trên SGK để các bạn chuyển tải thành chữ nổi, hướng dẫn cách làm bài tập, ôn lại kiến thức cũ…

Trong hành trình 5 năm ấy, những thành viên của đội CTXH cũng tự vượt qua không ít những khó khăn, thử thách, để hỗ trợ tốt nhất có thể cho những HS khiếm thị, từ cả những kiến thức sách vở cũng như sẻ chia những băn khoăn, thắc mắc riêng tư.

Đảm nhận công việc hỗ trợ kiến thức tại trung tâm khi vừa là SV năm thứ nhất, Đoàn Thị Thanh Thảo kể: “HS của em là một anh đang học lớp 12 nhưng hơn em đến 6 tuổi, chuẩn bị thi vào ĐH, lúc đầu em khá lúng túng vì chưa biết phương pháp nào thì thích hợp để hướng dẫn cho anh ấy nắm vững kiến thức tốt nhất.

Như với chương Sóng trong chương trình Vật lý lớp 12, thường thì để ghi nhớ kiến thức, cũng phải vẽ ra thì mới hình dung được các bước giải.

Nhưng “HS” của em thì không thể áp dụng theo cách này, em phải dùng chính đôi tay của anh ấy để làm vòng tròn lượng giác và giảng cho anh hiểu. Cứ nghĩ cả hai đều khó tìm được kết quả như ý muốn nhưng không ngờ anh tiếp thu rất nhanh và ghi nhớ rất tốt”.

Niềm vui của những “thầy cô giáo SV” như Thảo, là giúp các bạn HS khiếm thị tìm thấy được niềm vui trong học tập, thành tích học tập ngày càng tốt lên và hầu như năm nào cũng có bạn đỗ ĐH, CĐ.

Cuối tháng 7 vừa qua, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên ĐH Đà Nẵng đã tổ chức Lễ bàn giao công trình thanh niên là 300m bích họa bờ kè chắn sóng tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Công trình là công sức của 45 tình nguyện viên với 10 ngày miệt mài sáng tạo dưới cái nắng, gió biển mặt chát của Lý Sơn đã góp phần giảm thiểu hiện tượng bê tông hóa các đê chắn sóng quanh đảo, là một điểm nhấn ấn tượng cho du khách trong và ngoài nước khi đến với đảo tiền tiêu, góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường biển.

Thắp lửa và giữ lửa trong tim

Từng có thời gian dài gắn bó với công tác Đoàn trong trường học, thầy Phan Văn Tánh - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng) cho rằng: “Bất kỳ thời đại nào, thanh niên cũng có lý tưởng sống. Tuy nhiên, tùy tình hình cụ thể mà lý tưởng sống của thanh niên ở mỗi thời đại cũng khác nhau. Trước đây, khi đất nước còn chiến tranh, lý tưởng sống của thế hệ thanh niên thời ấy là sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc.

Ngày nay, khi đất nước hòa bình, mục tiêu, lý tưởng sống của thế hệ thanh niên là phải chiến đấu và chiến thắng với nghèo nàn, lạc hậu. Mà muốn chiến thắng đòi nghèo, lạc hậu thì không còn cách nào khác là phải ra sức học tập, có kiến thức, kỹ năng, trau dồi đạo đức để có thể cống hiến hết sức mình trong công việc. Và cũng không thể đòi hỏi thế hệ thanh niên ngày nay phải giống như thế hệ thanh niên ngày trước. Tùy tình hình, điều kiện để thanh niên biểu hiện “chất lửa” của mình. Tuổi trẻ ngày nay không thiếu “chất lửa”, chỉ cần có chất xúc tác, họ sẽ thể hiện được nó”.

Một nhóm 5 SV Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã có một Mùa hè xanh 2018 đáng nhớ với việc “ăn dầm nằm dề” ở trang trại gia súc, giữa nồng nặc mùi phân và rác thải để lắp đặt và nghiên cứu, “chuyển giao” cách thức nuôi trùn quế với hệ thống giám sát thông minh, có công nghệ phun tưới tự động và giám sát độ ẩm ổn định thay vì cách thức nuôi truyền thống dựa trên kinh nghiệm như trước đây.

Bác Lê Ngọc Anh (xã Hòa Bắc, Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho biết: “Các cháu thực sự rất say mê và có trách nhiệm, sự kết hợp giữa kiến thức của SV và kinh nghiệm làm nông của chúng tôi sẽ giúp cho cách làm mới này thực sự hiệu quả và hy vọng là có thể ứng dụng trên diện rộng, giúp nhà nông đảm bảo được năng suất và giảm bớt công sức lao động”.

Để tạo động lực, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo trong sinh viên và nâng cao chất lượng về NCKH, công bố quốc tế, Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên ĐH Đà Nẵng đã tham mưu cho ĐH Đà Nẵng có cơ chế để cho các sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh có cơ hội đề xuất và thực hiện các công trình NCKH, các ý tưởng về khởi nghiệp và sáng tạo với đầu ra là sản phẩm cụ thể theo quy định ĐH Đà Nẵng được đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học cấp ĐH Đà Nẵng.

Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cũng đã triển khai áp dụng chuẩn hoạt động ngoại khóa cho sinh viên; đây là cách giúp đoàn viên, sinh viên nâng cao hơn nữa nhận thức về trách nhiệm xã hội; trang bị kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cho sinh viên có thể thực hiện tốt các hoạt động xã hội, hoạt động ngoại khóa; rèn luyện đoàn viên, sinh viên tính năng động, chủ động trong việc hợp tác, tổ chức và dẫn dắt các hoạt động xã hội ngoại khóa; giúp các sinh viên phát triển các kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp; nhằm thực hiện mục tiêu đào tạo toàn diện, đảm bảo tương lai nghề nghiệp lâu dài cho sinh viên.

Hà Nguyên

Hà Nguyên

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/ap-u-than-hong-thanh-ngon-lua-3974901-b.html