Áp trần lãi vay 20%: EVN, Vietcombank... lo lắng!

Xung quanh Nghị định 20 về giới hạn chi phí lãi vay 20%, khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ từ lãi thành lỗ, sau EVN, giờ tới Vietcombank và một tập đoàn lớn tiếp tục bày tỏ sự lo lắng. Đồng thời, gửi kiến nghị tới Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, đề nghị tạm chưa áp dụng quy định của Nghị định 20/2017/NĐ-CP.

Sáng 27.11, Bộ Tài chính và VCCI đã tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2018. Bảo lưu quan điểm đối với Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, Nghị định 20 đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, khiến họ đứng trước nguy cơ từ lãi thành lỗ.

Đại diện một Tập đoàn lớn cho rằng, mục tiêu của Nghị định 20 là chống thất thu thuế ở Việt Nam do tác động của chuyển giá giữa các quốc gia. Song thực tế, khoản 3 điều 8 của Nghị định 20 lại có ảnh hưởng nhiều đến DN trong nước, đặc biệt là các tập đoàn hoạt động theo mô hình mẹ con.

“Chúng tôi đầu tư vào nhiều lĩnh vực cần nhiều vốn như nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục, y tế, sản xuất công nghiệp nặng... Trong giai đoạn đầu không thể phát sinh được lợi nhuận hay Ebitda lớn hơn 0 (Lợi nhuận trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay và chi phí khấu hao - PV). Do đó, vô hình chung, toàn bộ chi phí lãi vay sẽ không được trừ cho mục đích tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đồng thời, do đánh giá về khả năng thu hút huy động tín dụng, thời gian đầu, các dự án không thể trực tiếp vay vốn ngân hàng mà phải công ty mẹ - Tập đoàn. Vậy nên, chi phí lãi vay của Tập đoàn rất lớn. Việc khống chế chi phí lãi vay ở mức 20% sẽ gây ảnh hưởng, bởi rất nhiều chi phí lãi vay sẽ không được trừ cho mục đích thuế", đại diện Tập đoàn này cho biết.

Trích dẫn nội dung Chương trình hành động Chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) của OECD, đại diện Tập đoàn này cho biết, khi khống chế trần lãi vay phải cân nhắc các yếu tố như doanh nghiệp cần thời gian tái cơ cấu vốn, không đánh vào khoản vay nợ của bên thứ ba, hạn chế khấu trừ lãi vay thuần của công ty. Ngược lại, so sánh với khoản 3 điều 8 của Nghị định 20 lại điều chỉnh cả với chi phí lãi vay từ bên độc lập và không tính tới các yếu tố như hoạt động của công ty mẹ gồm cả đi vay và cho vay nên sẽ phát sinh thu nhập.

Từ đây, doanh nghiệp đưa ra 2 đề xuất. Đối với chi phí lãi vay, tiếp tục thực hiện tính toán chi phí không được trừ theo luật hiện hành, tạm chưa áp dụng quy định của Nghị định 20, đề xuất sửa Nghị định 20 phù hợp tình hình hoạt động của Việt Nam.

Trong giai đoạn chưa sửa được Nghị định 20, đề xuất tạm thời chưa áp dụng khoản 3 điều 8 của nghị định này, vì điều này ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp.

Trong khi đó, đại diện Vietcombank cũng cho rằng Nghị định 20 không phù hợp, tạo sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Theo đó, công ty chứng khVietcombank chỉ phát sinh giao dịch liên kết trong hoạt động đi thuê văn phòng với công ty mẹ, không hề phát sinh lãi vay với các doanh nghiệp liên kết.

“Thuế suất thuế TNDN của công ty mẹ, công ty liên kết cũng như công ty chứng khoán Vietcombank đều là 20%. Tôi đánh giá mục tiêu và động lực để các công ty thực hiện hoạt động chuyển giá gần như không có. Nhưng trao đổi với Cục thuế Hà Nội, Tổng cục Thuế, chúng tôi vẫn phải chịu khống chế trần chi phí lãi vay 20%. Tính ra, phải kê khai và nộp thuế bổ sung với phần chi phí vượt quá giới hạn này, đây là quy định không phù hợp, hạn chế hoạt động doanh nghiệp, tạo sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp có giao dịch liên kết và không có giao dịch liên kết”, đại diện Vietcombank nhận xét.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam (VTCA). (Ảnh minh họa)

Còn bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cho rằng, Nghị định 20 có khống chế trần chi phí lãi vay 20% là hoàn toàn hợp lý, phù hợp thông lệ quốc tế. Thậm chí, một số quốc gia đưa mức trần lên 25 - 30%.

Tuy nhiên, bà Cúc cho rằng, đối với Việt Nam, quy định thuế phải phù hợp với điều kiện quốc tế, nhưng cũng phải thích hợp với điều kiện Việt Nam.

Với doanh nghiệp mới, vốn thấp thì cần vay để phát triển sản xuất kinh doanh, ta khống chế lãi vay trong khi quy định chưa khống chế vốn vay, nhưng với các bên liên kết vay thì khống chế thì dẫn tới khó khăn với doanh nghiệp Việt Nam. Với doanh nghiệp FDI thì họ chấp nhận những điều kiện cụ thể thì cần xem xét lại để vừa phù hợp thông lệ quốc tế vừa phù hợp Việt Nam, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển.

Nguyên Phương

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/ap-tran-lai-vay-20-evn-vietcombank-lo-lang-934133.html