Áp trần lãi suất: Không chống được chuyển giá, lại gây khó doanh nghiệp

Nên bỏ Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP về áp trần lãi suất. Hoãn, lùi thời hạn thực hiện, hoặc quy định giao dịch liên kết là chỉ tính cho giao dịch xuyên biên giới.

Đó là 2 trong số các kiến nghị của các chuyên gia tại Hội thảo “Nghị định số 20/2017/NĐ-CP: Một số vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức sáng nay (14/12), tại Hà Nội.

Các doanh nghiệp nước ngoài không có ý kiến gì nhưng các doanh nghiệp trong nước lại đang ý kiến rất nhiều, vì họ bị ảnh hưởng lớn

Theo lý giải của giới chuyên gia, Nghị định 20 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết là một bước tiến của Việt Nam, tuân thủ theo thông lệ quốc tế về chống chuyển giá.

Tuy nhiên, theo khoản 3 điều 8 của Nghị định 20 tổng chi phí lãi vay được khấu trừ cho mục đích tính thuế không được vượt quá 20% EBITDA (lợi nhuận trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay và chi phí khấu hao) được đánh giá là không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2014. Thậm chí là mâu thuẫn với các quy định trong Luật Thuế hiện hành và có nhiều vấn đề không phù hợp với thực tế, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của doanh nghiệp.

Cụ thể, trong bối cảnh hiện tại, hiếm có doanh nghiệp nào lại không phát sinh giao dịch liên kết bởi điều này nhằm mục tiêu mở rộng quy mô hoạt động, tối ưu hóa nguồn vốn để phát triển lâu dài.

Về phía cộng đồng DN, ông Trường Anh Tuấn - DN địa ốc Hoàng Quân cho hay, Nghị định 20 tác động lớn tới đối tượng là các DN làm nhà ở xã hội, nhất là sau khi gói 30.000 tỷ đồng hết, các DN phải vay với lãi suất thương mại nhưng lại bị khống chế trần lãi vay 20%, khống chế mức lợi nhuận 10%. Điều này vô tình sẽ làm hạn chế sự phát triển đầu tư dự án nhà ở xã hội. Hơn nữa, hầu hết các tập đoàn về bất động sản đều có công ty liên kết. Việc liên kết này còn diễn ra ở cá nhân, ở một dự án hay một sản phẩm. Vì vậy, các cá nhân cũng bị ảnh hưởng bởi Nghị định này.

Là DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đại diện Tập đoàn Masan – chia sẻ, chúng tôi hoạt động theo mô hình tập đoàn, quản lý tập trung. Sau đó, phân bổ nguồn vốn xuống cho các công ty con. Với Nghị định 20, các chuyên gia chỉ đề xuất miễn trừ cho DN cùng thuế suất, nhưng khi công ty mẹ huy động vốn cho công ty con hoạt động, công ty con đang được ưu đãi thuế thu nhập DN, vậy là đã có khác biệt giữa công ty mẹ và công ty con. Với trường hợp như vậy thì sao?

Nhìn trên góc độ tập đoàn, vốn đó là vốn vay của công ty mẹ. Do đó, Khoản 3, điều 8 của Nghị định 20 là bất hợp lý. Nghị định 20 nếu áp dụng thì hầu hết chi phí lãi vay của công ty mẹ vay để đầu tư nông nghiệp đã bị loại bỏ. Vị đại diện DN này cho rằng cần xem xét bản chất khoản vay có từ bên thứ 3 không và chi phí đó có hợp lý hay không, mang lại doanh thu hay không?

Vướng mắc thứ 2 ở chỗ, Nghị định 20 có nói đến phạm vi, đối tượng, nguyên tắc áp dụng. Vậy nên chăng các DN nên căn cứ vào nguyên tắc áp dụng, DN phải cân nhắc tôi có nằm trong phạm vi áp dụng hay không. Sau đấy, nên quy định nếu nằm trong phạm vi, mới bị điều chỉnh theo Nghị định 20. Nếu không nằm trong phạm vi đó, tại sao lại áp dụng? Nếu chúng tôi có giao dịch liên kết nhưng không có bất kỳ biểu hiện nào chuyển giá thì sao lại áp dụng?

Cạnh đó, Nghị định 20 nói cơ quan thuế có trách nhiệm xác định giá giao dịch liên kết và không công nhận các yếu tố làm ảnh hưởng nghĩa vụ thuế. Nếu chúng tôi không có yếu tố làm ảnh hưởng đến nghĩa vụ thuế thì tại sao lại áp đặt với Nghị định 20?

Theo phân tích của ông Nguyễn Trần Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam: “Doanh nghiệp FDI chuyển giá bằng giá đầu vào và đầu ra. Họ tính khống giá trị của nguyên vật liệu, trang thiết bị, phí chuyên gia… Ngay từ lúc kí hợp đồng liên doanh họ đã lãi rồi. Họ cũng ăn vào vào chuyển giá sản phẩm. Sản phẩm công ty liên doanh bán cho công ty mẹ rất rẻ để công ty mẹ bán ra thị trường quốc tế với giá đúng, từ đó thu lãi.

Thế nên có thể nói Nghị định 20 không ảnh hưởng đến họ. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam lại hầu như phải hứng chịu hệ lụy từ quy định khống chế chi phí lãi vay này, đặc biệt là các công ty kinh doanh trong lĩnh vực có hệ số đòn bẩy lớn như bất động sản, các doanh nghiệp khởi nghiệp hay đang muốn mở rộng đầu tư.

Nhìn rộng ra, việc đặt quy định để chống chuyển giá, tăng thu thuế “nghe thì có vẻ thu được nhiều thuế hơn, nhưng doanh nghiệp bị quy định cản trở không phát triển được thì về trung – dài hạn, nguồn thu sẽ bị sụt giảm”.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự cũng thống nhất cao trong việc đề xuất sửa đổi, bổ sung lại Nghị định 20, trong đó kiến nghị bỏ Khoản 3, Điều 8, Nghị định 20 về áp trần lãi suất; hoãn, lùi thời hạn thực hiện, hoặc kiến nghị quy định giao dịch liên kết là chỉ tính cho giao dịch xuyên biên giới…

TS Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - nhận định: "Nghị định này, có 3 mục đích: Một là chống chuyển giá, hai là giảm rủi ro cho ngân hàng và ba là tạo cách "chơi", cách phát triển để thị trường minh bạch hơn. Thực tế, 2 mục đích đầu tiên gần như không đạt được. Nghị định đem lại rất nhiều khó khăn cho quá trình sản xuất của DN, đặc biệt DN nhỏ khó lớn lên. Theo vị chuyên gia này, cái khó gây ra nhiều hơn là cái lợi ích, rõ ràng chúng ta cần xem lại".

TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính quốc gia – nêu quan điểm: “Nhiều quốc gia phát triển đang khống chế chi phí lãi vay ở mức 30%. Tại ASEAN, Indonesia cũng đang dự kiến tỷ lệ này ở mứ 30%. Do đó, việc áp trần 20% của Việt Nam là không hợp lí. Nghị định cũng chưa phân biệt đối tượng áp dụng là công ty mẹ, tập đoàn, tổng công ty hay công ty riêng lẻ. Hiện nghị định đang áp dụng tỷ lệ 20% với mọi loại hình doanh nghiệp. Đây là điều không công bằng”.

Vị chuyên gia này kiến nghị, về phía cơ quan quản lý, cần sớm có báo cáo đánh giá kết quả triển khai, rà soát những vấn đề thực tiễn phát sinh trong thực tế, từ đó sớm đưa ra những cơ chế chính sách điều chỉnh phù hợp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, đảm bảo tính thực tế, khả thi hơn và vẫn đạt mục đích đề ra. Về phía DN, cần chủ động nghiên cứu các thông lệ quốc tế về chống chuyển giá BEPS để có định hướng kế hoạch hoạt động kinh doanh phù hợp.

LÊ HẬU

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/ap-tran-lai-suat-khong-chong-duoc-chuyen-gia-lai-gay-kho-doanh-nghiep-20392.html