Ấp 'trả sổ hộ nghèo'

Toàn ấp An Đông (xã An Hảo, Tịnh Biên) có hơn 200 hộ dân, ngót nghét phân nửa là hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn. Vậy mà mấy năm gần đây, chuyện chủ động xin trả sổ hộ nghèo ở ấp lại khá phổ biến. Không phải theo phong trào, không phải vì danh tiếng, mà họ hành động vì khát khao được gỡ chữ 'nghèo' ra khỏi cuộc đời mình.

Cả đời cha mẹ lam lũ, không tích cóp được đất cát gì, nên khi ra ở riêng, vợ chồng anh Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1984), chị Nguyễn Thị A (sinh năm 1982, ngụ tổ 7) chỉ có thể sống tạm bợ trên bờ kênh, nối nghiệp làm thuê, làm mướn “gia truyền”: cấy lúa, xịt thuốc, sạ phân, làm cỏ..., chẳng dám từ chối chuyện gì.

Cái khó nối tiếp nhau khi họ không có thu nhập ổn định, 5 cô con gái lần lượt ra đời. Năm 2008, họ đã có tên trong danh sách hộ nghèo của xã. Bất đắc dĩ thôi, chứ nào có ai muốn gánh cái nghèo trên lưng?

Năm 2016, anh chị được xét cho mua nền nhà ở khu dân cư Tây Trà Sư. Tuy khu vực này còn thưa nhà, nằm sâu trong đồng ruộng, chỗ ở mới vẫn tạm bợ xiêu vẹo... nhưng họ mừng lắm, vì ít ra cũng đã có tài sản thuộc về riêng mình.

Bước ngoặt lớn tiếp theo là họ được xét vay 30 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2018. Họ mua 1 con bò cái hết 20 triệu đồng, còn 10 triệu đồng thuê 7 công đất làm ruộng. Tích cóp thêm một chút, họ mua 1 con bò nữa. Khi chúng tôi đến thăm, anh chị đã làm hẳn 1 chuồng bò to, với 2 con bò mẹ và 2 con bò con.

Anh Cường nhẩm tính, tổng giá trị đàn bò đã 60 triệu đồng, nhưng anh chưa vội bán đâu. Anh muốn gầy dựng để bò ngày càng nhiều hơn, chuồng trại ngày càng mở rộng hơn.

Gia đình anh Cường xin thoát nghèo sau khi được vay vốn chăn nuôi

Các con đều được đi học, hưởng đầy đủ ưu đãi, chính sách của địa phương. Cuộc sống không còn quá khó khăn như trước nữa. Vợ chồng anh quyết định xin thoát nghèo ngay trong năm 2018.

“Những lúc khó khăn cùng cực, vợ chồng tôi tự nhủ phải kiên trì, phải cố gắng vượt qua, tìm cách xoay sở để chèo chống cả nhà. Giờ đây, mọi thứ ổn ổn rồi, chúng tôi tự nguyện ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã, để dành suất xét chọn cho người khác khó khăn hơn. Tôi không thấy tiếc gì cả. Khi đã thoát nghèo, chúng tôi càng phải cố gắng làm ăn, ngày càng khá lên, như vậy mới không phụ lòng chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ nhiều năm nay” - anh Cường chia sẻ.

Gương mặt vợ chồng anh Cường vẫn đậm nét khắc khổ sau nhiều năm làm lụng vất vả; căn nhà của họ vẫn chưa thật sự kiên cố, khang trang; tiền ăn hàng ngày vẫn trông chờ vào việc làm thuê. Nhưng họ đã có đàn bò phía sau nhà, có đất để làm ruộng, có sự hỗ trợ nhiệt tình từ địa phương. Và đây là cái Tết thứ 2, họ không còn là hộ nghèo nữa!

Ở trong ấp, còn mấy hộ dân khác quyết tâm trả sổ hộ nghèo, dù họ đã lớn tuổi, mất sức lao động. Ông Lê Văn Tài (sinh năm 1927, ngụ tổ 4), nhà có 8 người trong hộ khẩu, chính thức “nghèo có sổ” từ năm 2002. Gần đây, các con ông đi làm ăn xa, thu nhập ổn định nên gửi tiền về lo cho ông. Hàng tháng, ông được hưởng chế độ dành cho người cao tuổi, hộ nghèo.

Bản thân ông còn minh mẫn, khỏe mạnh, sống "mình ên" vậy là đủ đầy lắm rồi. Vậy nên, ông nói với ban ấp: “Cho tôi được thoát nghèo. Tôi muốn dành suất hộ nghèo của mình cho tụi trẻ. Tụi nó đang vất vả lao động, cần hỗ trợ nhiều để làm ăn vươn lên”. Bà Hà Thị Hà (sinh năm 1957, ngụ tổ 5) mắc bệnh tim, được xét cho vay nhiều nguồn để chăn nuôi bò. Cộng thêm việc con bà đã có công ăn việc làm, nên bà không muốn mang danh hộ nghèo nữa, nhường lại cho bà con khác khổ hơn... Cách nghĩ của họ bình dị, chẳng hoa mỹ, nhưng đầy trách nhiệm với xã hội, với địa phương. Và trên hết, họ có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình!

Bà Nguyễn Thị Rõ (Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, Phó Trưởng ban Nhân dân ấp An Đông) cho biết: “Toàn ấp hiện có 13 hộ nghèo, 24 hộ cận nghèo và 50 hộ thuộc diện khó khăn. Năm 2019, chúng tôi vừa họp bình xét với UBND xã, có 5 hộ nghèo và 3 hộ cận nghèo được ra khỏi danh sách. Trong ấp, có 4 hộ tự nguyện xin thoát nghèo.

Tuy nhiên, sau khi rà soát, cân nhắc các quy định, tiêu chí có liên quan, chỉ có 2 hộ được cho thoát nghèo. Muốn thoát nghèo, hộ gia đình phải có đất ở, nhà ở ổn định, sức lao động, có phương tiện sinh hoạt như: tivi, xe gắn máy, điện thoại di động, đảm bảo mức thu nhập bình quân đầu người theo quy định... Không thể vì chạy theo số lượng mà cho hộ chưa đủ điều kiện thoát nghèo, tránh tình trạng họ “tái nghèo”.

Còn đối với những hộ đã được đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo, chúng tôi thường xuyên quan tâm thăm hỏi, hỗ trợ, tặng quà cho họ thường xuyên. Chúng tôi rất vui mừng khi bà con có ý thức, ý chí thoát nghèo bền vững, cố gắng làm ăn, không muốn cam chịu phận nghèo”.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ap-tra-so-ho-ngheo--a261755.html