Áp thuế tiêu thụ với điện thoại: Sai lý lẽ, trái thông lệ và tận thu?

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại di động theo chuyên gia kinh tế là vừa trái với thông lệ, trái với phân tích về đặc tính của hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với một loạt mặt hàng trong đó đặc biệt là điện thoại đi động theo đánh giá là không hợp lý và trái với thông lệ quốc tế.

Thậm chí, những đề xuất này, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thanh Bình về bản chất chỉ là tận thu.

Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trò chuyện cụ thể hơn với tiến sỹ Nguyễn Thanh Bình, Học viện Chính sách và Phát triển về vấn đề này.

- Thành phố Hồ Chí Minh vừa đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số hàng hóa, dịch vụ như: điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ. Ông nghĩ sao về đề xuất này?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Thuế tiêu thụ đặc biệt phải đánh vào hàng hóa xa xỉ, không khuyến khích tiêu dùng, những hàng tiêu tốn ngoại tệ nhập khẩu hoặc ảnh hưởng xấu tới môi trường. Ví dụ, nhiều nước đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô vì đây là mặt hàng vừa xa xỉ vừa ảnh hưởng tới môi trường.

Tuy nhiên, khi áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, ta phải phân tích chỉ rõ được tác động xấu. Ví dụ như rượu bia, thuốc lá tác động xấu tới sức khỏe, cộng đồng cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ngoài ra, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cũng cần phù hợp với thông lệ các nước trên thế giới. Ví dụ một dãy mặt hàng sau khi thế giới đã làm thì nước nào cũng áp thuế như là rượu, bia thuốc lá,... thì không ai bàn cả. Thế nhưng khi đánh thuế một mặt hàng mới, đơn cử như điện thoại di động thì phải xem xét.

Ta đặt câu hỏi điện thoại di động là hàng thiết yếu hay xa xỉ, có ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe không? Theo tôi đây là hàng tiêu dùng bình thường, có ích cho cộng đồng và không thể đánh thuế tiêu thụ đặc biệt được.

Chỉ khi người ta chứng minh đây là hàng xa xỉ, đắt đỏ, nhà nước không khuyến khích sử dụng điện thoại thì mới có cơ sở áp thuế. Trong khi ấy, với điện thoại di động, Nhà nước cung cấp tần số, sóng cho các thuê bao sử dụng mà lại đánh thuế tiêu thụ đặc là không hợp lý.

Thông lệ trên thế giới có ai đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào điện thoại di động không thì tôi cũng chưa thấy.

Thế nên đề xuất trên vừa trái với thông lệ, lại trái với phân tích về đặc tính của hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Bình, Học viện Chính sách và Phát triển.

- Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh lại nêu quan điểm, điện thoại di động tuy là hàng hóa thiết yếu nhưng cần áp thuế để điều tiết thu nhập một số người từ có thu nhập từ khá trở lên. Ông đánh giá gì về cách phân tích này?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Điều này là sai. Điều tiết thu nhập thì ta phải dùng thuế thu nhập cá nhân.

Thuế tiêu thụ đặc biệt được lập ra để hạn chế tiêu dùng một mặt hàng nào đó gây ảnh hưởng xấu tới môi trường sống hay sự phát triển kinh tế xã hội.

Theo tôi, động cơ ở đây là tăng ngân sách. Ta phải nhìn vào bản chất vấn đề và có thể Thành phố Hồ Chí Minh đang thiếu ngân sách, không đủ tiền phát triển. Tuy nhiên, với đề xuất này thì tôi lại không đồng ý với cách đánh thuế tràn lan.

- Với những mặt hàng khác thì sao thưa ông, như là nước hoa hay dịch vụ thẩm mỹ. Liệu đề xuất với những mặt hàng này có lý lẽ không?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Nước hoa cũng có một số nước áp thuế.Thực tế, nước hoa không phải là hàng thiết yếu. Hàng thiết yếu là nếu không có sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, ví dụ như không có điện thoại di động là ảnh hưởng lớn tới hoạt động sống, dân sinh của nhiều người.

Bởi vậy, nước hoa là hàng hóa có cơ sở để áp thuế. Thế nhưng, cũng có vấn đề nhạy cảm là với nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, đây được coi như sản phẩm không thể thiếu được.

Còn với dịch vụ thẩm mỹ, theo tôi cũng không nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Các bệnh viện đều có hoạt động đó, chả lẽ phải khai thuế hết. Theo tôi, các dịch vụ thẩm mỹ phải quy định điều kiện hành nghề kỹ càng và quản lý nghiêm. Khi các cơ sở thẩm mỹ cần đóng thuế giá trị gia tăng đầy đủ là ta đã thu được nhiều ngân sách rồi. Thế nhưng thực tế còn nhiều cơ sở thẩm mỹ vẫn "tiền mặt trao tay" và ta chưa quản lý được.

Chưa kể, xem xét thu thuế với các cơ sở khám chữa bệnh chỉnh hình cần thận trọng vì vấn đề này còn liên quan tới yếu tố nhân đạo. Ví dụ một người bị tai nạn và tới các trung tâm để phục hồi chức năng, thẩm mỹ. Nếu ta áp thuế tiêu thụ đặc biệt thì liệu có đúng không?

- Vậy nếu muốn mở rộng cơ sở thuế, theo ông đâu là sắc thuế có dư địa?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Hiện nay, các mức thuế ở Việt Nam là phù hợp với thông lệ quốc tế, các mức thuế suất không hề nhỏ so với các nước như thuế giá trị gia tăng ở mức 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp 20%,...

Vấn đề bây giờ là sự quản lý lỏng lẻo, thậm chí yếu kém. Có nhiều khoản thu hiện ta chưa đưa vào khuôn khổ. Ví dụ như rất nhiều nhà hàng hiện không xuất hóa đơn, nếu khách hỏi thì mới viết hóa đơn, không thì thôi. Đây là việc chưa quản lý được trong khi nguồn thu từ thuế giá trị gia tăng là rất lớn.

Ta cần làm chặt được những vấn đề này chứ không nên tận thu.

- Xin cảm ơn ông!

Xuân Dũng (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ap-thue-tieu-thu-voi-dien-thoai-sai-ly-le-trai-thong-le-va-tan-thu/567869.vnp