Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, chiều 27-7, vùng áp thấp trên khu vực bắc Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 18,5 độ vĩ bắc, 116,0 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 440km về phía đông đông bắc; sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 (40 đến 50km/giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển chậm theo hướng đông bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 28-7, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 19,0 độ vĩ bắc, 116,5 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 500km về phía đông đông bắc; sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9.

* Do ảnh hưởng của ATNĐ kết hợp với hoạt động của gió mùa tây nam nên khu vực phía đông vùng biển bắc Biển Đông, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái-lan có mưa rào và dông; khu vực Bình Thuận đến Cà Mau, vùng biển phía tây khu vực quần đảo Trường Sa có gió tây nam mạnh cấp 6, giật cấp 7, đến cấp 9. Trên đất liền khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ ngày có mưa rào và rải rác có dông, chiều tối và đêm có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông mạnh; trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật.

Chiều 27-7, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai (PCTT) - Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn (TKCN) có Công điện số 33, đề nghị Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Định, các bộ, ngành liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, kịp thời thông báo, hướng dẫn cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Tổ chức theo dõi, nắm bắt tình hình tàu thuyền đang hoạt động trên biển, quản lý tàu thuyền ra khơi, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để kịp thời xử lý tình huống xấu có thể xảy ra.

* Ngày 27-7, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT có Công điện số 32 gửi Công ty Thủy điện Hòa Bình, yêu cầu đóng một cửa xả đáy cuối cùng hồ Hòa Bình vào lúc 12 giờ ngày 27-7; tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến lưu lượng nước đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu đập, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT và các cơ quan liên quan để có quyết định điều hành phù hợp tình hình thực tế.

* UBND xã Hương Lâm (Hương Khê, Hà Tĩnh) cho biết, mưa lớn kéo dài trong những ngày qua khiến nhiều đoạn trên tuyến đường độc đạo vào địa phương bị sạt lở nghiêm trọng. Tại khu vực dốc Mục Bài (thuộc thôn 12), hàng trăm khối đất đá bất ngờ đổ sập xuống đường khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn.

* Nhiều ngày qua, tại một số địa phương trong tỉnh Đác Nông xuất hiện mưa lớn kéo dài, làm ngập úng hàng trăm héc-ta lúa, rau màu. Tại huyện Krông Nô, hơn 150 ha lúa, cây ngắn ngày tại các xã Đác Đrô, Nam Đà, Nâm N’Đir bị ngập sâu trong nước. Bên cạnh đó, hàng chục héc-ta lúa nước, rau màu của người dân tại hai xã Quảng Tân, Đác R’Tih (huyện Tuy Đức) cũng bị ngập sâu. Chi cục Thủy lợi và PCLB tỉnh đang phối hợp chính quyền các địa phương thống kê cụ thể thiệt hại và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

* Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, thời tiết diễn biến bất thường trên địa bàn như mưa lớn kéo dài kèm dông lốc những ngày qua đã gây thiệt hại lớn đối với diện tích lúa hè thu năm 2017. Theo đó, diện tích lúa chuẩn bị thu hoạch bị ngập, đổ ngã là 19.458 ha, tập trung tại huyện Phú Tân là 25 ha, huyện Châu Phú ngập cục bộ hơn 1.815 ha, TP Châu Đốc là 89 ha, huyện Châu Thành ngập nặng với 17.529 ha…

* UBND tỉnh Bắc Cạn vừa công bố dịch châu chấu tre lưng vàng gây hại gần một nghìn héc-ta hoa màu và rừng mới trồng tại hai huyện Ngân Sơn và Na Rì. Để dập dịch, UBND tỉnh bố trí ngân sách, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND hai huyện nêu trên thực hiện các biện pháp cấp bách, cử cán bộ kỹ thuật tham gia chỉ đạo, hướng dẫn biện pháp kỹ thuật dập dịch, thống kê diện tích thiệt hại để hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất.

* Chiều 27-7, UBND xã Bình Sơn (Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) cho biết, vào khoảng 21 giờ 30 phút ngày 26-7, mưa dông kèm lốc xoáy dữ dội xuất hiện tại ấp Cả Cội, xã Bình Sơn làm sập hoàn toàn 10 căn nhà, làm bung vách và tốc mái 16 căn nhà khác. Các lực lượng chức năng đã nhanh chóng dọn dẹp hiện trường, giúp dân dựng nhà ở tạm, đưa người già và trẻ nhỏ đến nơi an toàn. Trước mắt, UBND huyện Hòn Đất hỗ trợ mỗi gia đình có nhà bị sập sáu triệu đồng, nhà bị tốc mái ba triệu đồng.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/33605902-ap-thap-nhiet-doi-tren-bien-dong.html