Áp lực và niềm tin đối với 'khâu then chốt'

Một ngày sau khi được Quốc hội phê chuẩn giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (8-4-2021), PGS, TS Nguyễn Kim Sơn đã có thư gửi toàn thể nhà giáo trong cả nước, với tiêu đề 'Ngành và nghề của chúng ta'.

Bức thư dài khoảng 950 từ, hàm chứa nhiều thông điệp ý nghĩa mà tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn gửi gắm, động viên, thúc giục đội ngũ nhà giáo, công chức, viên chức, người lao động trong ngành phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới xứng đáng với vị thế, sứ mệnh của mình. Ngay trong những lời đầu tiên, tân Bộ trưởng đã cảm thấy rõ nhiệm vụ nặng nề, nhiều khó khăn, thách thức đối với lĩnh vực giáo dục mà ông được giao trọng trách là người đứng mũi chịu sào.

 Tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: moet.gov.vn

Tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: moet.gov.vn

Một vấn đề xuyên suốt được nhấn mạnh trong thư của tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng, đặc biệt vinh dự của những người gắn bó với nghề giáo: “Ngành giáo dục, nghề làm thầy của chúng ta là một nghề vinh quang. Nhiệm vụ càng lớn, trách nhiệm càng nặng nề, yêu cầu càng cao thì vinh quang đó càng lớn”. Từ suy nghĩ đó, tân Bộ trưởng cho rằng, muốn đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, thì việc đổi mới phải được bắt đầu từ chính người thầy và phát triển người thầy. Muốn vậy, đòi hỏi mỗi nhà giáo “Chỉ có thể bằng sự cố gắng, gương mẫu, bằng trí tuệ và tấm lòng yêu nghề, yêu trò, yêu tri thức và lẽ phải, bằng sự tự trọng và tự tôn, chúng ta mới dần làm cho nghề giáo của chúng ta tôn nghiêm thêm”. Thật cảm động khi người đứng đầu ngành giáo dục khích lệ, đồng thời cũng là nhắc nhớ các thầy cô: “Khi mỗi bài giảng, cuốn sách mà chúng ta soạn đều hướng tới học sinh, mỗi đổi mới chúng ta thực hiện đều vì những điều mà phụ huynh học sinh kỳ vọng và phụng sự cho sự phát triển của đất nước, thì không có lý do gì để chúng ta không có vị thế xứng đáng trong xã hội”.

Không ngẫu nhiên mà vị tân tư lệnh ngành giáo dục ngay sau khi ngồi “ghế nóng” chỉ một ngày đã có những lời lẽ chân thành, tâm huyết với mong muốn truyền cảm hứng năng lượng tinh thần tích cực cho đội ngũ nhà giáo. Bởi vì thành công hay thấy bại của sự nghiệp đổi mới giáo dục không phải là đổi mới chiến lược, mục tiêu, chương trình, sách giáo khoa như có người lầm tưởng, mà trước hết phải đổi mới từ suy nghĩ và hành động từ bản thân những người thiết kế, vận hành, thực thi chiến lược, mục tiêu, chương trình giáo dục-đó chính là đội ngũ giáo viên.

Một trong những điểm mới trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là đội ngũ nhà giáo được xác định là “khâu then chốt” của tiến trình đổi mới giáo dục. Theo từ điển tiếng Việt giải thích, “then chốt” có nghĩa là “cái quan trọng nhất, có tác dụng quyết định đối với toàn bộ”. Với ý nghĩa đó, đội ngũ nhà giáo từ bậc mầm non đến bậc sau đại học là người giữ vai trò quyết định đến sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Đặt đúng vị trí, vai trò của nhà giáo cũng như đề ra yêu cầu, đòi hỏi cao đối với đội ngũ này chính là trở lại vấn đề muôn thuở của giáo dục, đó là không có nhà giáo trọng nghiệp, giỏi nghề, hết lòng phụng sự học sinh, phụng sự xã hội thì vấn đề “quốc sách hàng đầu” không bao giờ được xây dựng, vun trồng vững mạnh từ gốc rễ.

Nhà giáo thời nào cũng được coi trọng, nghề giáo thời nào cũng được xã hội tôn vinh. Vấn đề là ở chỗ, cả ở tầm vĩ mô và vi mô phải có những cơ chế, chính sách, giải pháp, việc làm căn cơ, hữu hiệu để bảo đảm cho “khâu then chốt” của ngành giáo dục thực sự trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự nghiệp “trồng người” tiếp tục ươm tạo những trái ngọt cho mai sau. Nhưng ngay từ ngày hôm nay, bản thân mỗi thầy, cô giáo phải có trách nhiệm vun trồng, chăm sóc để cho “xã hội đã phải nhìn thấy những cây chắc khỏe và cành lá xanh tươi”, như lời tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn và cam kết.

PHÚC NỘI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/ap-luc-va-niem-tin-doi-voi-khau-then-chot-656583