Áp lực và 'bệnh thành tích' trong ngành giáo dục

Liên quan đến sự việc em Hoàng Long Nhật, học sinh lớp 6.2, Trường THCS xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình phải nhập viện vì bị phạt 231 cái tát hôm 24/11 do nói tục, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án về hành vi hành hạ người khác.

Đằng sau vụ việc cũng là lời cảnh tỉnh đối với áp lực và “bệnh thành tích” trong ngành giáo dục.

Chưa khởi tố bị can

Ngay sau khi thông tin khởi tố vụ án được đưa ra, trên các diễn đàn mạng, cộng đồng cư dân tỏ ra vô cùng bức xúc với cách hành xử của cô giáo đối với học sinh của mình. Nhiều ý kiến đồng tình và cho rằng, cô giáo Thủy cần phải bị xử lý hình sự để đảm bảo tính răn đe.

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cũng cho biết, dù nguyên nhân gì thì việc cô giáo phạt học sinh với hình phạt cho các bạn cùng lớp tát 231 cái là sai và hoàn toàn không chấp nhận được. Vì vậy, nhà trường cần xem xét và xử lý thật nghiêm hành vi của cô giáo. Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cũng đã có văn bản đề nghị Sở GD&ĐT Quảng Bình xác minh, phối hợp xử lý nghiêm cô giáo xử phạt học sinh ở Trường THCS Duy Ninh. Văn bản cũng khẳng định, hành vi của giáo viên cho tất cả học sinh trong lớp tát em H. L.N. đến mức nhập viện là hành vi hết sức sai trái, vi phạm đạo đức nghề nghiệp nghiêm trọng, khiến dư luận bất bình, gây ảnh hưởng xấu đến ngành.

Cũng theo Thứ trưởng Nghĩa, liên quan đến vấn đề đạo đức nhà giáo, trước đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT về việc tăng cường quản lý, nâng cao đạo đức nhà giáo. Để chấn chỉnh tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo, Bộ GD&ĐT cũng đã nhiều lần đề cập tới quan điểm, sẽ kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo.

Trả lời Báo Công lý, ông Đoàn Công Minh, Viện trưởng VKSND huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cũng xác nhận: Vụ án đã được khởi tố ngày 26/11 về hành vi hành hạ người khác theo Điều 140 BLHS. Còn việc có khởi tố bị can hay không phải chờ kết quả điều tra ban đầu của CQĐT.

Đánh giá về yếu tố hình sự trong vụ việc này, một số ý kiến luật sư cho rằng, khởi tố vụ án về hành vi hành hạ người khác trong trường hợp này là đúng theo quy định của pháp luật. Theo Luật sư Nguyễn Quang Anh, Đoàn LS TP Hà Nội, với hành vi cho học sinh tát 231 cái vào mặt cháu Hoàng Long Nhật không chỉ cấu thành tội hình sự, mà các Luật liên quan đến bảo vệ trẻ em cũng đều vi phạm. Ai cũng biết, mục đích của cô giáo trong trường hợp này là kỷ luật để học sinh tiến bộ hơn, tốt hơn lên, nhưng đó chỉ được xem xét như một tình tiết giảm nhẹ, chứ không phải cấu thành tội hay không.

Áp lực và bệnh thành tích

Tuy nhiên, dù phẫn nộ với hành vi của cô giáo đối xử với một đứa trẻ không có khả năng chống cự, nhưng cũng có những luồng ý kiến cảm thông, chia sẻ. Những ý kiến này cho rằng các thế hệ trước, hồi còn nhỏ đi học, nếu nói bậy học sinh chịu phạt của cô giáo bằng cách tự vả vào mồm mình; nhiều học sinh vi phạm lỗi bị thầy cô lấy cây thước to đánh vào mông, có khi bầm tím…Những người từng trải qua như vậy nói rằng họ trưởng thành từ sự dạy dỗ đó và biết ơn các thầy cô của mình vô cùng. Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, ở cương vị thầy cô giáo, điều tích cực đầu tiên mục đích phạt là muốn cho em học sinh kia tốt hơn…

Giáo dục phải vì nhân cách học sinh chứ không thể vì thành tích hay điểm số

Khi trần tình về việc phạt học sinh như vậy, cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy cũng đã nhận thấy mình ‘đã quá sai trong việc này”, một phần vì do nóng giận và một phần vì áp lực thi đua. Bởi vì lớp học mà cô phụ trách “không có thành tích tốt về cả học tập lẫn thi đua”. Trong khi, lớp có 27 học sinh nhưng chỉ có một học sinh học lực khá, điểm thi đua toàn trường lớp thường đứng cuối bảng. Bên cạnh đó, trường cũng có quy định học sinh lớp nào bị phát hiện nói tục thì lớp sẽ bị trừ điểm thi đua. Chính vì áp lực này mà chính cô Thủy đã đặt ra quy định nếu ai vi phạm sẽ bị mỗi bạn trong lớp tát 10 cái vào má. Bạn nào không tát hoặc tát nhẹ sẽ phạt tát ngược lại 10 cái.

Sau sự việc, nhà trường đã họp, yêu cầu cô Thủy viết tường trình và lập biên bản. Phòng giáo dục huyện cũng có công văn yêu cầu đình chỉ công tác với cô Thủy 15 ngày để làm rõ vụ việc. Được biết, em H. L.N hiện đã ổn định sức khỏe và quay lại trường để học tập. Sau sự việc cô Thủy đã đến gặp gia đình để xin lỗi và gia đình cũng cho biết nếu cô giáo biết sai và sửa chữa sẽ cảm thông và bỏ qua...

Sự việc không chỉ là điều đáng tiếc mà là bài học đối với không chỉ giáo viên mà cả ngành giáo dục, những nhà quản lý. Trẻ em đang trong thời kỳ hình thành nhân cách, cách giáo dục của nhà trường, gia đình rất quan trọng để định hướng phát triển trí tuệ, nhận thức cho các em.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, nhiệm vụ của giáo dục ngoài cung cấp kiến thức thì nhiệm vụ cao cả, quan trọng là giúp học sinh tự đứng được trên đôi chân của mình khi đủ 18 tuổi. Cha mẹ, giáo viên phải dạy học sinh biết phân biệt đúng-sai, phải trái và dám đấu tranh trước cái sai, cái ác. Tư duy giáo dục theo kiểu áp đặt, quyền uy đã tồn tại quá lâu trong mỗi thầy cô, người làm quản lý giáo dục. Áp đặt lâu ngày làm cho đứa trẻ đánh mất chính mình, không dám từ chối khi bị cô giáo phạt uống nước bẩn, hay bị phạt bằng những cái tát, chịu ngược đãi, bị xâm phạm thân thể…là điều đáng tiếc. Vậy nên, trong lúc ngành giáo dục đang quan tâm bàn chuyện tìm triết lý cho giáo Việt Nam, thì nên bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhất là phải tôn trọng học sinh và bỏ lối giáo dục quyền uy, áp đặt. Thầy cô trước hết hãy làm cho học sinh biết mình được tôn trọng, dám bày tỏ chính kiến trước những điều sai.

Về trường hợp cô Thủy, ông Lâm cho rằng, bản thân giáo viên đó có những áp lực. Trong trường hợp này là bệnh thành tích từ chính Hiệu trưởng, nhà quản lý yêu cầu giáo viên phải có cách quản lý lớp để không bị trừ điểm thi đua. Đó là áp lực từ chính cơ chế của nhà trường tạo nên, họ đã áp lên vai giáo viên nên khi học sinh vi phạm cô đã xử lý theo cảm tính. Tuy nhiên, cách xử lý bằng bạo lực của cô đã vô tình làm hại đến cả lớp. Ở đây, học sinh sẽ hiểu rằng, mọi mâu thuẫn có thể được giải quyết bằng bạo lực. Cũng từ đó, giữa học sinh này và học sinh khác nảy sinh sự thù hận lẫn nhau và cuối cùng cũng có thể dẫn bạo lực vì chúng ngầm hiểu rằng, hành động “đánh bạn” đã được cô giáo cho phép.

Cũng theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, nếu muốn thay đổi, các trường học phải thay đổi quan điểm, khẩu hiệu. Giáo dục nhất thiết phải vì nhân cách học sinh chứ giáo dục không thể vì thành tích hay điểm số. Từ thực tế đã diễn ra tại ngôi trường này cho thấy, cả người quản lý cũng đang chạy theo thành tích, không hướng đến học sinh, không vì học sinh. Ngay cả khi sự việc nóng đang xảy ra, cả xã hội quan tâm, lên án thì những người trong cuộc vẫn chỉ quan tâm đến thành tích. Để không xảy ra những chuyện tương tự, TS Lâm cho rằng, Hiệu trưởng các trường nên đưa ra bộ quy tắc ứng xử và đề nghị giáo viên ký cam kết, nếu vi phạm sẽ có hình thức xử lý nghiêm để răn đe.

Nguyên Bình

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/xa-hoi/giao-duc/ap-luc-va-benh-thanh-tich-trong-nganh-giao-duc-278296.html