Áp lực truyền thông, góc nhìn của người trong cuộc

Bản chất của truyền thông chống tiêu cực, tham nhũng đang ở giữa hai luồng áp lực.áp lực thuận chiều do truyền thông tạo nên đối với vụ việc tiêu cực bị xã hội lên án vaà́p lực ngược chiều vây ráp truyền thông đến từ vụ việc tiêu cực đó.

Tổ công tác của UBND huyện Quỳnh Lưu đang lập biên bản vụ “chạy lậu” lần hai Trạm trộn xả khói (Ảnh bạn đọc cung cấp)

Tổ công tác của UBND huyện Quỳnh Lưu đang lập biên bản vụ “chạy lậu” lần hai Trạm trộn xả khói (Ảnh bạn đọc cung cấp)

Áp lực do truyền thông phản ánh

Khi bài báo chống tiêu cực xuất hiện trên báo giấy hoặc báo điện tử, ngay tức khắc những thông tin truyền thông lan tỏa. Thông tin này gây áp lực nhất định đối với công ty, doanh nghiệp - nơi để xảy ra vụ việc. Tại đây, tất cả những gì sai trái họ từng che đậy, giờ được báo chí phân tích thấu đáo đến từng chi tiết. Họ không những không thể chối cãi mà phải chấp nhận việc mình làm trái. Đây là áp lực đầu tiên đối với người làm trái, do truyền thông mang lại.

Áp lực tiếp theo, những cơ quan chức năng liên quan đến việc làm trái giờ không thể “ngó lơ” như khi chưa bị báo chí phát hiện. Vì thế, họ phải thực thi công vụ nhà nước theo đúng quy định của pháp luật để ngăn chặn việc làm trái có thể tiếp diễn.

Áp lực thứ ba, khi cơ quan liên quan không thể ngó lơ vụ việc thì nơi làm trái phải ngừng hoạt động, bị xử lí hình sự hay xử phạt hành chính hoặc bị cưỡng chế tùy theo mức độ vi phạm. Theo đó, họ gánh chịu hậu quả nặng nề về vốn liếng đã bỏ ra nay bỗng chốc tiêu tan. Trong khi đó, dư luận bức xúc lâu nay trong xã hội được giải tỏa. Người dân lấy lại niềm tin vào chính quyền địa phương.

Đây là áp lực thuận chiều, biểu thị sức mạnh của truyền thông - nét nổi bật của hệ thống báo chí cả nước trong công cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng đang diễn ra từng ngày Áp lực vây ráp truyền thông Đây là một áp lực ngược. Áp lực của nơi làm trái tìm mọi cách để “chạy án”. Áp lực này tác động trở lại không kém phần căng thẳng đối với truyền thông.

Người đầu tiên chịu áp lực “chạy án” chính là tác giả bài báo. Liên tiếp các cuộc gọi “xin gặp”, “xin đến nhà”, mời “cafe” hoặc cuộc gọi “làm quen”... và những tin nhắn “mùi mẫn” của nơi làm trái gửi đến dồn dập. Không ngoại trừ, còn có những cuộc gọi của một số người vốn có quan hệ với tác giả bài báo nhằm tạo thêm tác động ủng hộ áp lực ngược chiều. Những người do nơi làm trái nhờ vả như thế này cũng tạo nên một áp lực khác về quan hệ xã hội, khiến tác giả bài báo đứng giữa “ma trận” áp lực. Lúc đó, nhà báo phải kiên quyết lắm mới thoát ra khỏi những sự ràng buộc mà họ biết đích xác là “đối tượng bị bài báo phản ánh đang tìm mọi cách chạy án để tiếp tục làm trái”.

Áp lực ngược tiếp theo, khi không “lay chuyển” được bản lĩnh của nhà báo thì nơi làm trái lại chuyển hướng “xin không viết gì thêm nữa”. Sau đó, họ có thể gọi điện nhờ người xin Tòa soạn gỡ bài với “chiêu” muốn liên kết làm quảng cáo, có thể là dưới dạng PR lâu dài... Áp lực ngược nguy hiểm hơn, đó chính là người bị phản ánh lên tiếng đe dọa “nóng” và khủng bố “nóng”. Có khi, tác giả bài báo phải báo cáo vụ việc đến Cơ quan Công an.

Trạm trộn bê tông không phép nằm giữa khu dân cư gây ô nhiễm môi trường

Thực tế diễn ra

Một thực trạng đang diễn ra, có một số vụ việc làm trái, bị dư luận xã hội bức xúc, không ít nhà báo biết, đến tìm hiểu nhưng tìm hiểu xong thì có nhà báo “quay lưng”, có nhà báo không “mặn mà”, thậm chí có nhà báo chịu sự tác động của tiêu cực rồi ngó lơ.

Thực trạng đó khiến vụ việc làm trái có cơ hội làm trái nữa. Hệ quả của nó càng khiến người dân bức xúc. Bức xúc không được giải tỏa sẽ sinh ra điểm nóng. Điểm cuối của điểm nóng là người dân mất niềm tin đối với người liên quan, trong đó có cả phóng viên báo chí.

Mới đây, tôi đọc bản tin của một đồng nghiệp về vụ Trạm trộn bê tông nhựa nóng Asphalt không phép ở xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) thuộc Công ty CP Xây dựng - Đầu tư 289 đang gây bức xúc dư luận vì ô nhiễm đập nước đầu nguồn khiến cá chết; người dân phải chịu trận bụi khói và mùi khét nhựa đường... Đây là bản tin duy nhất sau khi không ít phóng viên ra tìm hiểu về trạm trộn. Đọc bản tin, có đầy đủ yếu tố để có thể xây dựng thành một phóng sự điều tra dài kỳ. Trong đó, điểm đắt giá nhất là có một chuyên viên của Sở Giao thông Vận tải Nghệ An bị nghi là “tác giả” của trạm trộn không phép. Chi tiết đắt giá ở chỗ, anh chuyên viên này thuộc Ban Quản lí dự án vốn sự nghiệp kinh tế - giao thông (trực thuộc Sở Giao thông Vận tải Nghệ An). Vậy, ngoài cái sai về quy định chuyên viên trực thuộc Sở Giao thông Vận tải không được phép lập công ty ngoài, nhất là dựng trạm trộn không phép ở Ban Quản lý vốn sự nghiệp kinh tế - giao thông (nơi cung cấp các gói thầu) và anh chuyên viên này có thông thầu với nhau hay không.

Trạm trộn bêtông nhựa nóng Asphalt không phép bị phát hiện “chạy lậu” lần hai

Ngày 22/6, dưới trời nắng nóng hơn 40 độ C, chúng tôi vất vả lắm mới tiếp cận được trạm trộn. Trong vai người đi mua bê tông nhựa đường, tôi được ông bảo vệ trạm trộn, tên Hạnh tiết lộ một số thông tin quan trọng: Khu đất cho thuê là vườn của ông Hạnh, rộng 5.000 m2 . Ông Hạnh cho thuê trong 5 năm. Giá 40 triệu đồng/năm. Ông cho biết: “Sếp Đức (Lê Đăng Đức, giám đốc Công ty 289) ra thường xuyên, có đêm ngủ lại. Sếp Điệp (chuyên viên thuộc Sở Giao thông Vận tải, người bị nghi là ông chủ trạm trộn) mỗi tháng ra một, vài lần. Sau Tết, trạm trộn chạy một mẻ khoảng 200 tấn. Các sếp vừa cho khởi động máy, có lẽ sắp chạy tiếp”.

Rời trạm trộn, chúng tôi trao đổi với ông Hoàng Văn Bộ - Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu về nội dung: Vì sao, khi báo chí phản ánh trạm trộn không phép, gây ảnh hưởng môi trường, huyện không xử phạt, cưỡng chế? Vì sao đã có văn bản cam kết giữa giám đốc Công ty CP Xây dựng - Đầu tư 289 với UBND huyện và UBND xã Quỳnh Tam nhưng trạm này vẫn chạy lậu 200 tấn?

Ông Bộ nói: “Phạt rồi chứ. Tí nữa gặp Phòng kinh tế-hạ tầng hỏi thêm. Còn chuyện “chạy lậu” cam kết cũng như muối bỏ biển”.

Tại Phòng kinh tế - hạ tầng huyện Quỳnh Lưu, ông Nguyễn Anh Tuấn gọi điện ông Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch xã Quỳnh Tam hỏi đã phạt hành chính trạm trộn chưa. Ông Quang cho biết “chưa phạt gì cả”.

Ngay chiều hôm đó, tôi đang trên đường về thì ông Lê Đăng Đức gọi điện. Ông Đức hỏi “anh ở ngoài Quỳnh Tam về phải không. Cho em gặp tí”. Đó là cuộc gọi đầu tiên, mở đầu cho nhiều cuộc gọi, tin nhắn khác rất dồn dập. Có cuộc gọi của một phóng viên từ Hà Nội. Thậm chí, nhân viên truyền thông của công ty 289 còn gọi ra Tòa soạn để mong can thiệp phóng viên.

Sau đó, ngày 26/6, bài 1: “Trạm trộn bê tông nhựa nóng Asphalt không phép là của ai” xuất hiện trên báo Nông nghiệp Việt Nam. Ngay sau khi báo đăng, người của Công ty 289 nhắn tin tiếp “Việc thì anh cũng viết rồi nà. Dừ em đến gặp anh có được không”. Trớ trêu thay, ngay sau khi báo đăng hai ngày, lúc 5g30 ngày 28/6 người dân Quỳnh Tam gọi báo “trạm trộn đang hoạt động trở lại”.

Chúng tôi lại lên đường. Trên đường đi, chúng tôi gọi điện ông Bộ không được nên gọi báo tin cho Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu Hoàng Danh Lai. Sau hơn một giờ, chúng tôi có mặt tại trạm trộn thì đoàn cán bộ huyện đang lập biên bản. Tại đây, chúng tôi bị một vài người dáng “anh chị” lên tiếng mạt sát. Sau đó ông Hạnh (bảo vệ) đến yêu cầu chúng tôi rời khỏi trạm trộn. Từ đây, các cuộc gọi, tin nhắn lại tiếp tục vây ráp tác giả bài báo. Nhưng ngày 30/6, Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng tiếp bài hai “Chuyên viên Sở Giao thông Vận tải Nghệ An xin nương nhẹ cho trạm trộn bê tông không phép”.

Câu chuyện nêu trên đã xảy ra nhiều nơi. Hễ có vụ việc làm sai là xuất hiện áp lực ngược chiều truyền thông. Chúng tôi nghiệm rằng: Có phải do chủ thể làm trái đã “khống chế” được một phần nào đó về truyền thông do phóng viên thường trú ở địa phương thực hiện nên bây giờ hễ bị báo chí phát hiện làm trái là ngay lập tức có áp lực đối với truyền thông ở cấp cao hơn. Nhưng thực tế cho thấy, không phải tờ báo nào cũng bị quy phục bởi áp lực ngược chiều truyền thông như vậy./.

Vũ Toàn

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/ap-luc-truyen-thong-goc-nhin-cua-nguoi-trong-cuoc-n21003.html