Áp lực ngành năng lượng từ xung đột Mỹ - Iran

Theo các nhà phân tích, căng thẳng giữa Mỹ và Iran có thể đe dọa đến các cơ sở dầu mỏ, ảnh hưởng đến nguồn cung cho nhiều quốc gia châu Á.

Biến động dầu mỏ đang đe dọa an ninh năng lượng tại châu Á do căng thẳng Mỹ - Iran gia tăng

Biến động dầu mỏ đang đe dọa an ninh năng lượng tại châu Á do căng thẳng Mỹ - Iran gia tăng

Theo các nhà phân tích thị trường Moody’s nhận định, cuộc xung đột kéo dài giữa Mỹ và Iran có thể gây ra một cú sốc lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Một trong những hậu quả toàn cầu của cuộc xung đột là sự thay đổi giá dầu mỏ, với khả năng giá dầu thô tăng cao và các tuyến đường thương mại và dầu lửa ở Vịnh Persia bị phong tỏa.

Cụ thể, giá dầu có thể đẩy lên trên ngưỡng 80 - 100 USD/thùng nếu căng thẳng địa chính trị leo thang làm gián đoạn nguồn cung dầu thô ở Trung Đông, đặc biệt khi Iran quyết định đóng cửa eo biển Hormuz.

Bên cạnh đó, do lo ngại xung đột gia tăng, nhiều doanh nghiệp dầu mỏ ở Trung Đông đã thắt chặt an ninh khi nhiều dự đoán nói Iran có thể trả đũa vào cơ sở năng lượng của Mỹ tại khu vực và ngược lại. Nhiều chủ tàu dầu cũng bày tỏ lo ngại bị Iran tấn công hoặc chiếm giữ.

Nếu điều này xảy ra, có khả năng làm gián đoạn việc sản xuất của nhiều doanh nghiệp, dẫn tới nguy cơ sản lượng dầu tại khu vực Trung Đông sẽ giảm mạnh. Việc Trung Đông với trữ lượng dầu mỏ dồi dào đã khiến nhiều quốc gia châu Á phụ thuộc nhiều vào khu vực này khi nơi đây cung cấp gần 50% tổng nhu cầu dầu thô.

Vô hình dung, khi các quốc gia Trung Đông xảy ra những biến động địa chính trị, an ninh năng lượng tại châu Á nói chung và các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Philippines, Hàn Quốc... sẽ chịu tác động tiêu cực.

Thống kê cho thấy, nhập khẩu dầu của Trung Quốc đã tăng nhanh trong nhiều năm qua. Gần một nửa, khoảng 44%, lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Trung Đông.

Trong khi Mỹ trở nên tự chủ hơn nhờ vào cuộc cách mạng dầu đá phiến, thì Trung Quốc đặc biệt phụ thuộc vào nguồn cung dầu từ các nước Trung Đông. Tháng 6/2019, nước này nhập từ Saudi Arabia 1,88 triệu thùng mỗi ngày, gần gấp đôi so với một năm trước đó.

Do đó, nếu xuất khẩu dầu của Iran hoàn toàn bị cắt đứt bằng các lệnh trừng phạt hoặc bởi một cuộc xung đột vũ trang tại eo biển Hormuz thì Trung Quốc sẽ là một trong những nước đầu tiên bị tổn thương.

Tương tự, Trung Đông chiếm tới 70% nhập khẩu dầu thô của Hàn Quốc trong giai đoạn từ tháng 1-11/2019, trong khi con số tương ứng về khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) là 38%.

Mặc dù hiện không có tác động ngắn hạn nào đối với hoạt động nhập khẩu dầu của Hàn Quốc, song quốc gia này vẫn đang giám sát chặt chẽ tình hình và xem xét sử dụng dầu mỏ trong kho dự trữ chiến lược để hạn chế tác động.

Có thể thấy, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã thúc đẩy gia tăng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong 2 thập kỷ qua. Mặc dù nhiều nền kinh tế châu Á nỗ lực thúc đẩy việc phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng đã không ngừng làm tăng mức tiêu thụ năng lượng cho các ngành sản xuất, dẫn đến việc nhu cầu về dầu mỏ tăng cao. Trước tình hình đầy bất ổn hiện nay, đây cũng sẽ là cơ hội để các quốc gia châu Á giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ và gia tăng các nguồn cung trong nước.

Trên thực tế, chính phủ các nước châu Á đã tăng cường nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc dầu thông qua việc sử dụng khí đốt tự nhiên thay thế, nâng cao hơn sản lượng năng lượng tái tạo và thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và áp dụng nhanh chóng các công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Trong ngắn hạn, châu Á không nên quá lo lắng khi các nước ngoài OPEC như Mỹ và Nga đang còn dư địa mở rộng sản xuất, những biến động từ Iran cũng là lời nhắc nhở các nền kinh tế này phải chủ động trong việc bảo vệ nguồn cung cấp nhiên liệu trong trường hợp các cuộc tấn công tương tự hoặc tệ hơn có thể xảy ra.

Chính vì vậy, các nước châu Á phải có một cách nhìn mới về thị trường dầu mỏ vốn dễ bị tổn thương bởi các cú sốc từ bên ngoài.

Cẩm Anh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/ap-luc-nganh-nang-luong-tu-xung-dot-my-iran-164775.html