Áp lực ngầm khi nhập bán iPhone 14

Các đại lý ủy quyền của Apple tại Việt Nam đang liên tục phải nhập iPhone và MacBook theo dạng 'bia kèm lạc' vì sự thiếu hụt iPhone 14 trên thị trường.

 Các chuỗi AAR tại Việt Nam đang phải nhập thêm một lượng "lạc" lớn kèm theo iPhone 14. Ảnh: DĐV.

Các chuỗi AAR tại Việt Nam đang phải nhập thêm một lượng "lạc" lớn kèm theo iPhone 14. Ảnh: DĐV.

Đại diện các chuỗi bán lẻ ủy quyền của Apple (AAR) giấu tên tại Việt Nam, chia sẻ tỷ lệ "lạc" đối với dòng iPhone 14 năm nay quá cao.

Cụ thể, với đơn hàng muốn nhập được 10 chiếc iPhone 14 Pro/Pro Max chuỗi phải nhập kèm theo 200 chiếc AirPods, 100 chiếc Apple Watch, 50 chiếc Apple Pencil, 200 chiếc ốp chính hãng.

Áp lực đảm bảo chỉ số

Tiết lộ với Zing, đại diện các chuỗi bán lẻ cho biết tình trạng nhập iPhone kèm "lạc" đã xuất hiện từ năm ngoái, tuy nhiên tỷ lệ nhập kèm không đáng kể. Thị trường năm ngoái tiêu thụ tốt nên các chuỗi không xem đó là "lạc", nhiều chuỗi còn muốn nhập thêm iPad và MacBook.

"Vào năm 2021, nguồn cung iPhone 13 series ổn định nên không bị áp lực tỷ lệ nhập hàng cùng phụ kiện. Chuỗi anh còn phải xin được nhập thêm phụ kiện và các sản phẩm khác của Apple vì doanh số bán ra tốt", đại diện một AAR khác cho hay.

Nhiều chuỗi AAR đã phải kích hoạt điện tử các mẫu iPhone khó bán để đảm bảo chỉ số. Ảnh: Thúy Hạnh.

Nguồn cung iPhone 14 trong năm 2022 bị gián đoạn trên toàn thế giới do "nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới" phải tạm dừng hoạt động. Điều này khiến lượng iPhone 14 series được phân phối về Việt Nam chỉ bằng 30% so với kỳ vọng.

Vì vậy để có thể nhận được các mẫu bán chạy như iPhone 14 Pro/Pro Max, các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam bắt buộc phải nhập hàng theo dạng "bia kèm lạc".

Ngoài áp lực về số lượng phụ kiện và các sản phẩm phải nhập kèm, các chuỗi còn phải chịu áp lực về chỉ số velocity. Để đáp ứng đủ chỉ số này, nhiều chuỗi AAR đã phải kích hoạt điện tử và bán giá rẻ các mẫu iPhone có doanh số bán ra thấp.

Việc có tỷ lệ máy kích hoạt cao, ở mức 80-90% trên số máy được nhận, chuỗi sẽ được ưu tiên nhận lô hàng tiếp theo sớm và nhiều máy hơn. Xu hướng cạnh tranh này không chỉ xảy ra tại các chuỗi AAR mà còn ở các nhà phân phối để có thể nhận được nguồn hàng tốt từ Apple.

Đại diện một chuỗi AAR giấu tên chia sẻ các nhà phân phối đang chia iPhone 14 theo 2 loại. Loại thứ nhất có yêu cầu thời gian kích hoạt, loại thứ hai không yêu cầu thời gian kích hoạt. Giá nhập vào từ nhà phân phối đối với 2 loại này sẽ chênh nhau 1-2 triệu đồng.

Điều này đồng nghĩa với việc các cửa hàng nhỏ khi nhập hàng từ AAR cũng phải chịu áp lực kích hoạt máy.

"Khi giao máy tới các cửa hàng nhỏ, chuỗi sẽ có nhân viên giám sát việc kích hoạt máy. Nhân viên có trách nhiệm đảm bảo máy phải được kích hoạt thành công", vị này chia sẻ thêm.

Apple dùng thuật ngữ "velocity" để chỉ lượng máy kích hoạt trên tổng sản phẩm tồn kho mà công ty cung ứng cho đối tác. Chỉ số này được dùng để đánh giá hiệu quả vận hành của một đại lý Apple. Đây được xem là cơ sở quan trọng để nhà phân phối chia máy cho các đợt hàng tiếp theo, năm tiếp theo.

"Lạc" quá nhiều

Đại diện các chuỗi bán lẻ cho biết việc nguồn hàng iPhone 14 hạn chế đang khiến các chuỗi phải nhập lượng "lạc", vượt quá khả năng bán hàng của chuỗi.

"Bên chị vừa bị ép nhập 100 chiếc MacBook Air M1 cùng 20 chiếc Magic Mouse mới được phép nhận 10 cây iPhone 14 Pro/Pro Max", đại diện một chuỗi AAR giấu tên cho hay.

Một chuỗi AAR khác cũng xác nhận tình trạng này. Đại diện chuỗi này cho biết, hiện chuỗi đang phải "ôm" hơn 1.000 chiếc iMac mà chưa có phương án bán ra hợp lý.

Năm 2022 ghi nhận chính sách "lạc" kèm theo iPhone 14 cao bất thường. Ảnh: Quỳnh Danh.

Hiện không có công thức "lạc" chung cho các AAR, tỷ lệ "lạc" kèm theo mỗi lô iPhone 14 đang phổ biến ở mức 10-20% giá trị lô hàng. Ngoài ra, nó còn tùy vào các nhà phân phối và từng giai đoạn thị trường.

Đa phần lạc kèm theo sẽ là các sản phẩm "non-iPhone" (những sản phẩm không phải iPhone) như MacBook, iPad, Apple Watch, Apple Pencil, ốp, phụ kiện chính hãng khác và thậm chí là cả những mẫu iPhone khó bán.

Muốn bán ra được các sản phẩm này đại lý bắt buộc phải cắt lỗ rất sâu 20-30% giá trị máy, nhiều sản phẩm phải cắt lỗ đến cả chục triệu đồng.

MacBook Air M1 đang là loại "lạc" chính trong những lô iPhone 14 gần đây. Đại diện mỗi chuỗi bán lẻ tiết lộ chỉ riêng trong giai đoạn tháng 9-11/2022, Việt Nam đã nhập khẩu gần 60.000 MacBook Air trong khi sức tiêu thụ của thị trường chỉ dao động 7.000-8.000 máy/tháng, chưa kể lượng tồn kho trước đó.

Mẫu laptop này tồn lượng lớn hàng còn đến từ việc các nhà phân phối dự đoán sai nhu cầu của thị trường Việt Nam trong giai đoạn cuối năm. Hiện sức mua MacBook Air M1 nói riêng tại thị trường trong nước đã giảm khoảng một nửa so với đỉnh năm 2021.

Đại diện các chuỗi bán lẻ nhận định chính sách bán hàng "bia kèm lạc" trong năm 2022 có nhiều yếu tố mới so với 2021. Trước đây tỷ lệ "non-iPhone" được giao cho các nhà phân phối không quá cao, bên cạnh đó lượng iPhone cũng dồi dào nên không đặt nặng tỷ lệ hàng hóa nhập kèm.

Năm 2021 thị trường ghi nhận nhu cầu mua sắm cao đối với iPad, MacBook. Vì vậy các đại lý và nhà phân phối đều nhận được chỉ tiêu bán nhóm máy này với số lượng lớn trong năm 2022 và 2023, dựa trên diễn biến thị trường năm 2021.

"Sự kết hợp giữa hai yếu tố là đứt gãy chuỗi cung ứng của Apple tại Trung Quốc và lượng hàng nhập kèm không phù hợp đang khiến thị trường hỗn loạn chưa từng có trong giai đoạn cuối năm 2022. Các nhà bán lẻ đang phải nghiến răng nhập bia kèm lạc với tỷ lệ rất cao", đại diện một chuỗi AAR lớn nhận định.

Thúy Hạnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ap-luc-khi-nhap-iphone-14-cua-cac-chuoi-ban-le-viet-nam-post1389729.html