Áp lực lao động dệt may trong CMCN 4.0

DN dệt may cần xác định các công việc trong dây chuyền sản xuất, có thể tự động hóa theo phương châm vừa áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất góp phần cải thiện trình độ nguồn nhân lực của Việt Nam.

Một Phó tổng giám đốc CTCP quy mô lớn tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại công ty đang gấp rút chuẩn bị nguồn lực về con người, vốn, công nghệ... để có thể từng bước hiện đại hóa các khâu sản xuất.

Ảnh minh họa

Ngoài việc liên kết với đối tác, khách hàng để nắm bắt xu hướng, nhu cầu đối với các loại sản phẩm, sự di chuyển sản xuất về lại thị trường đang tiêu thụ. Công ty còn đề ra những phương án thích nghi với sự thay đổi trong thời đại công nghệ 4.0 nhằm phát triển bắt kịp tốc độ của khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, nhiều DN khác trong lĩnh vực dệt may lại không khỏi băn khoăn khi những thách thức đã trở nên hiện hữu trước mắt. Thực tế, dệt may là ngành có tính thời trang cao, nhiều công đoạn sản xuất theo dây chuyền khi thực hiện CMCN 4.0 khó có thể nhanh chóng thay thế đồng loạt lao động tay chân của con người trong thời gian ngắn.

Song điều này không có nghĩa, CMCN 4.0 không làm gia tăng nguy cơ mất việc đối với lao động dệt may, đặc biệt lao động có trình độ thấp và ở những công đoạn dễ thay thế bằng máy móc. Hơn nữa, với sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ, các công đoạn sản xuất sợi tự nhiên, vải không dệt và khâu nhuộm cũng có nhiều khả năng buộc phải thay thế lao động con người bằng máy móc để đạt năng suất cao hơn.

Mặt khác, dệt may Việt Nam trong CMCN 4.0 sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất đơn hàng từ các nước, như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… là các quốc gia có trình độ khoa học kỹ thuật phát triển và chiếm tới gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam.

Dự báo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) kim ngạch xuất khẩu của ngành có thể đạt khoảng 30,5 tỷ USD trong năm nay, cao hơn nhiều của năm ngoái. Tuy nhiên, trái ngược hoàn toàn với con số sự lạc quan này, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian tới kim ngạch và giá trị xuất khẩu đem lại từ những ngành nghệ, lĩnh vực hiện đang sử dụng lực lượng lao động lớn như dệt may, da giày, điện tử... nhiều khả năng sẽ bị tác động tiêu cực từ cuộc CMCN 4.0.

Nguyên nhân là do các ngành thâm dụng lao động sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức khi đầu tư thay đổi, trong bối cảnh tự động hóa ngày càng gia tăng. Một báo cáo mới đây của ILO đưa ra con số, công nghệ của CMCN 4.0 có thể thay thế 85% lao động dệt may của Việt Nam trong vài thập kỷ tới.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh cho biết, quá trình hội nhập ngày càng sâu và toàn diện đem đến các cơ hội phát triển thị trường, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị dệt may cho các DN dệt may Việt Nam, nhưng cũng tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn đối với các DN.

Mức độ cạnh tranh được dự báo sẽ gay gắt hơn trong bối cảnh tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực dệt may và công nghệ thông tin tạo ra những thay đổi nhanh chóng về phương thức sản xuất và cung ứng sản phẩm đến người tiêu dùng cuối cùng.

Vì vậy, DN muốn tồn tại được, thì không chỉ bằng cách tăng năng suất lao động, mà còn phải đầu tư theo chiều sâu. Đây cũng chính là cơ hội để các DN nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư vào kỹ thuật, công nghệ mới với năng suất cao hơn.

Do đó, để khuyến nghị giải pháp đối với các DN dệt may, chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cho rằng, DN cần có nhận thức đúng, tìm hiểu kỹ về CMCN 4.0, sự tác động của nó đến ngành dệt may bằng cái nhìn thực tế, khách quan phù hợp với đặc điểm của một ngành sản xuất hàng hóa theo xu hướng thời trang, phù hợp thị hiếu, giá cả hợp lý...

DN dệt may cần xác định các công việc trong dây chuyền sản xuất, có thể tự động hóa theo phương châm vừa áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất góp phần cải thiện trình độ nguồn nhân lực của Việt Nam.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu tuyển dụng của các DN trong 6 tháng cuối năm 2017 tăng 10% so với 6 tháng đầu năm 2017. Trong đó, đáng quan tâm thị trường lao động có sự gia tăng theo xu hướng nhân lực chất lượng cao, có tay nghề. Cụ thể, theo cơ cấu trình độ, xu hướng nhu cầu nhân lực có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm 19,33%, trung cấp chiếm 13,70%, sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật lành nghề chiếm 21,18%, lao động chưa qua đào tạo chiếm 27,30%.

Phương Nam

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/ap-luc-lao-dong-det-may-trong-cmcn-40-70028.html