Áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm sẽ không quá lớn?

TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính nhận định, áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm sẽ không quá lớn do kinh tế thế giới chưa thể phục hồi hoàn toàn trong nửa cuối năm 2020.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI tháng 6 tăng 0,66% so với tháng 5/2020, đây là mức tăng cao nhất trong cùng kỳ giai đoạn 2016-2020. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng 4,19% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Lạm phát cơ bản tháng 6/2020 tăng 0,07% so với tháng 5/2020 và tăng 2,45% so với cùng kỳ năm 2019. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm tăng 2,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức dưới 4% trong năm 2020 sẽ đạt được nếu CPI trong các tháng còn lại của năm tăng trung bình dưới 0,6%/tháng

Mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức dưới 4% trong năm 2020 sẽ đạt được nếu CPI trong các tháng còn lại của năm tăng trung bình dưới 0,6%/tháng

Các yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI 6 tháng đầu năm 2020 theo nhiều chuyên gia kinh tế là do Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành giá; Các chính sách về tài khóa, tiền tệ được triển khai đồng bộ, toàn diện; Giá thuê nhà ở giảm do nhiều hộ gia đình giảm giá thuê nhà ở để hỗ trợ người tiêu dùng trong tình hình dịch Covid-19; Chính sách về giảm giá điện cho tất cả các hộ tiêu dùng trong quý II/2020 đã phần nào làm giảm áp lực về mức chi trả tiền điện tiêu thụ trong mùa nắng nóng…

Tại Hội thảo “Diễn biến thị trường giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2020” do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) vừa tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính nhận định, mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức dưới 4% trong năm 2020 sẽ đạt được nếu CPI trong các tháng còn lại của năm tăng trung bình dưới 0,6%/tháng.

“Điều này hoàn toàn khả thi, bởi áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm sẽ không quá lớn do kinh tế thế giới chưa thể phục hồi hoàn toàn trong nửa cuối năm 2020, nên giá dầu sẽ khó tăng mạnh. Nhiều khả năng giá dầu (WTI) sẽ xoay quanh mức 40 USD/thùng trong thời gian tới, nếu dịch bệnh Covid-19 được các nước khống chế thành công”, TS. Nguyễn Đức Độ dự báo.

Mặt khác, giá thịt lợn sẽ chưa thể giảm mạnh như mong đợi, nhưng cũng sẽ khó tăng mạnh trong thời gian tới khi Chính phủ cho phép nhập khẩu thịt lợn hơi, lợn giống, đồng thời khuyến khích người nông dân đẩy mạnh việc tái đàn.

Từ những phân tích trên, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính dự báo, lạm phát trung bình năm 2020 sẽ xoay quanh mức 3,5% (+/- 0,5%) như đã đưa ra từ đầu năm 2020.

Đồng quan điểm, ông Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế cho rằng, việc điều hành giá cả nói riêng, kiểm soát lạm phát 2020 nói chung sẽ phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với các năm trước, do thế giới đang lâm vào cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có, “đòn” Covid-19 làm cho nền kinh tế không chuyển động.

P.V

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ap-luc-lam-phat-trong-nhung-thang-cuoi-nam-se-khong-qua-lon-573561.html