Áp lực kỳ thi chuyển cấp

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 – 2020 sẽ diễn ra sớm hơn 5 ngày so với năm 2018 và có thêm 2 môn thi theo hình thức mới.

Dù đã được thông tin về phương án này nhưng nhiều học sinh, phụ huynh rất lo lắng cho kỳ thi chuyển cấp.

Lo hơn thi đại học
Kỳ thi dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 2 và 3/6/2019 với 4 bài thi độc lập, bao gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và bài thi tự chọn được chọn ngẫu nhiên thuộc một trong 6 môn thi (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Giáo dục công dân, Địa lý). So với năm trước, thí sinh thi vào lớp 10 năm tới sẽ phải làm thêm hai bài thi, trong đó bài thi tự chọn đến tháng 3/2019 – chỉ được công bố trước thời gian thi hơn 2 tháng.

 Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại trường THPT Chu Văn An năm 2018. Ảnh: Chiến Công

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại trường THPT Chu Văn An năm 2018. Ảnh: Chiến Công

Đón nhận thông tin này, nhiều em học sinh lớp 9 vô cùng lo lắng, bởi hàng ngày việc học vốn đã rất nặng, bài tập nhiều không còn thời gian nghỉ ngơi, giải trí. Thêm 2 môn thi đồng nghĩa với việc các em phải học, ôn luyện nhiều hơn mới hy vọng giành được suất vé vào trường THPT công lập. Em Đỗ Phương Linh – học sinh lớp 9, trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Thi vào lớp 10 môn Toán, Ngữ văn đã rất khó, nay lại có thêm 2 môn nữa. Hàng ngày, nếu em làm hết bài tập về nhà thì đã 11 giờ đêm nên rất khó để xoay sang học ôn. Trong khi em đang học yếu môn Hóa và Tiếng Anh, rất cần ôn tập”.

Trường ngoài công lập được xét tuyển vào lớp 10
Theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 – 2020 được UBND TP Hà Nội thông qua, các trường ngoài công lập tuyển 20.300 học sinh, tương đương năm học 2018 - 2019.
Các trường THPT công lập tự chủ tài chính và THPT ngoài công lập được áp dụng phương thức “Xét tuyển” để tuyển sinh. Hội đồng nhà trường quyết định lựa chọn một trong hai phương án (PA). PA 1, xét tuyển căn cứ vào điểm xét tuyển của thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2019 – 2020. PA 2, xét tuyển dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của học sinh ở cấp THCS, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó. Các trường THPT công lập tự chủ tài chính và THPT ngoài công lập được tuyển sinh vào lớp 10 không phân biệt khu vực tuyển sinh.
Ngoài phương thức “Xét tuyển” theo một trong hai PA trên, các trường tuyệt đối không được tổ chức thi tuyển hay sử dụng một phương thức khác để tuyển sinh. Từ ngày 24/4/2019 đến hết ngày 17/6/2019, học sinh nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển tại trường. Học sinh trúng tuyển nộp hồ sơ nhập học tại trường THPT từ ngày 18/6/2019 đến ngày 15/7/2019.

Không chỉ học sinh, nhiều phụ huynh cũng lo lắng cho các con, thậm chí như ngồi trên đống lửa. Vào học trường công là niềm mong ước của nhiều người, nhưng tỷ lệ cạnh tranh khá căng thẳng hơn cả kỳ thi đại học. Bởi thế, nhiều học sinh dù điểm cao nhưng đành gác lại giấc mơ trường công, ngậm ngùi học trường tư. “Với việc thi 4 môn, các con sẽ vất vả hơn vì phải học đều các môn. Trong khi khối học sinh cuối cấp, thời gian còn lại không nhiều” – chị Nguyễn Hoa Mai, phụ huynh học sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam bộc bạch.
Học xong, thi ngay để đạt hiệu quả cao
Với phương án thi 4 bài độc lập, ngay từ đầu năm học mới 2018 – 2019, nhiều trường THCS đã xây dựng kế hoạch học tập cho học sinh học đều tất cả các môn nhưng sẽ dành thời gian nhiều hơn cho Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Những năm trước đây, thí sinh chỉ làm bài thi tự luận, năm tới có bài trắc nghiệm và trắc nghiệm kết hợp tự luận. Vì vậy, giáo viên sẽ phải hướng dẫn học sinh làm bài theo hình thức này. Hiệu trưởng một trường THCS cho rằng, khi Sở GD&ĐT Hà Nội ra đề thi trắc nghiệm, phương pháp dạy học ở các trường cũng phải điều chỉnh theo, luyện cho học sinh trong quá trình làm bài thi sao cho đạt kết quả tốt nhất. Bên cạnh việc nắm vững kiến thức, học sinh phải có tư duy, quyết định nhanh.
Nhiều phụ huynh và học sinh lo ngại, ngày 2/6 thi tuyển sinh vào lớp 10 là quá gấp, không có thời gian để ôn tập và củng cố kiến thức như những năm trước. Tuy nhiên, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, tổ chức thi sớm sẽ giúp cho học sinh sử dụng được ngay những kiến thức, kỹ năng vừa học. Nếu để lâu, các em sẽ quên kiến thức, phải ôn tập lại, rất mất thời gian. “Kỳ thi này để tuyển đầu vào cho các trường THPT. Điều quan trọng nhất là đảm bảo công bằng cho học sinh về coi thi, chấm thi, thời gian công bố. Việc thi sớm là khó khăn chung cho học sinh, nhưng không phải quá căng thẳng” – Phó Hiệu trưởng trường THPT Đoàn Thị Điểm Vũ Thị Phương Anh nêu quan điểm. Không chỉ thế, thi sớm sẽ không còn chuyện học sinh đổ ra trung tâm ôn luyện sẽ càng mệt mỏi, căng thẳng và mất công bằng với những em không có điều kiện ôn luyện. Đồng quan điểm, Hiệu trưởng trường THCS & THPT Lê Quý Đôn Nguyễn Quốc Bình cho rằng, lựa chọn thời điểm thi phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, các em vừa học xong, điểm phong độ ở mức cao nhất và có độ chín nhất thì thi ngay là hoàn toàn phù hợp.

Thủy Trúc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ap-luc-ky-thi-chuyen-cap-327193.html