Áp lực huy động nguồn vốn

Sau khi được công nhận là thành phố, thị xã, thị trấn hoặc nâng cấp xã thành phường, bước tiếp theo là các địa phương sẽ tiếp tục huy động nguồn vốn để đầu tư nâng cấp đô thị. Mục tiêu vẫn nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn.

Với lợi thế có đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đi qua, huyện Long Thành dự kiến thu hút nhiều nguồn lực đầu tư để năm 2020 có thể thành thị xã. Ảnh: H.GIANG

Không chỉ các nơi như: TX.Long Khánh, TP.Biên Hòa, các huyện Thống Nhất, Nhơn Trạch và Long Thành mà các huyện còn lại cũng đang huy động nguồn vốn từ ngân sách, xã hội hóa để nâng tầm đô thị của địa phương.

* Mỗi địa phương cần vài ngàn tỷ đồng

Theo UBND tỉnh, dự kiến nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn 2018-2020 của Đồng Nai là hơn 55,4 ngàn tỷ đồng. Trong đó, bình quân mỗi địa phương cần hơn 5 ngàn tỷ đồng.

TX.Long Khánh đã là đô thị loại III, khi trở thành thành phố vẫn cần nguồn vốn vài ngàn tỷ đồng để tiếp tục đầu tư nâng cấp mở rộng đường giao thông, các công trình công cộng, trung tâm thương mại... Nguồn vốn này nếu chỉ trông vào vốn ngân sách sẽ rất khó khăn, vì thế sẽ phải huy động từ nhiều nguồn khác nhau như: doanh nghiệp, người dân, vay ODA, BT... Tuy nhiên, khi hạ tầng phát triển tốt, cơ hội thu hút đầu tư cũng sẽ thuận lợi hơn.

Ông Trần Văn Giỏi, người dân ở xã Bảo Vinh (TX.Long Khánh) kỳ vọng: “Khi Bảo Vinh chính thức trở thành phường, tôi và người dân ở đây mong thị xã sẽ đầu tư làm mới, nâng cấp mở rộng nhiều con đường. Đường sá tốt sẽ giúp cho việc sản xuất - kinh doanh, giao thương hàng hóa tiện lợi, giá cả nông sản cũng tăng lên. Thu nhập của người dân cao thì sẽ không ngại việc đóng góp xây dựng xã hội”.

Thực tế, trong những năm qua, Đồng Nai luôn dẫn đầu cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nguyên nhân chính là do phát huy sức mạnh từ dân. Người dân đã hiến đất, góp sức, góp tiền để làm đường và các công trình công cộng. Nếu trong xây dựng đô thị các địa phương cũng phát huy được sức mạnh từ dân thì sẽ đạt được những thành tựu đáng kể.

Bà Dương Thị Hoài (xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) bày tỏ: “Tôi rất mong Hiệp Phước thành thị trấn, đường sá được đầu tư mở rộng để nơi này thành trung tâm kinh tế sầm uất. Người dân có thể mở rộng sản xuất, kinh doanh để tăng thu nhập”.

* Tìm cách tạo vốn

Một số doanh nghiệp trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ chia sẻ, những khu vực lên thị trấn, đất đai dễ tiếp cận và thủ tục đầu tư đơn giản, họ sẽ đầu tư các trung tâm thương mại, siêu thị mini... Tuy nhiên, muốn doanh nghiệp rót vốn thì các thị trấn, khu đô thị phải có hạ tầng hoàn chỉnh và kết nối giao thông thuận lợi. Việc huy động cả ngàn tỷ đồng trong 1-2 năm với các địa phương trên không phải là dễ. Nhiều địa phương đang tính đến việc triển khai các dự án làm đường theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) hoặc đấu giá đất công để lấy tiền đầu tư những công trình trọng điểm cho đô thị.

Ông Trần Mộng Thành, Phó chủ tịch UBND TX.Long Khánh chia sẻ: “Do ngân sách có hạn nên một số tuyến đường thành phố dự tính sẽ phải đầu tư theo hình thức BT hoặc tìm những vị trí đất công có giá trị cao đưa ra đấu giá để lấy tiền làm. Có những tuyến đường giao thông trọng điểm việc thu hút đầu tư sẽ dễ dàng hơn”. Các huyện Long Thành, Nhơn Trạch cũng dự tính huy động vốn từ các nguồn: doanh nghiệp, người dân, đấu giá đất công hoặc làm theo hình thức BT… nhằm phục vụ cho việc nâng tầm đô thị.

Uyển Nhi

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201812/ap-luc-huy-dong-nguon-von-2923888/