Áp lực giảm phát đe dọa kinh tế Trung Quốc

Áp lực giảm phát quay trở lại do giá dầu giảm và nhu cầu tiêu dùng trong nước chững lại đang đe dọa tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2019 giữa lúc các rủi ro từ cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ vẫn chưa được giải tỏa.

Khách hàng mua rau quả tại một siêu thị ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Nguy cơ giảm phát

Tờ South China Morning Post đưa tin hôm 9-12, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) thông báo trong tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc giảm 0,3% so với tháng 10 và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất trong bốn tháng qua. Trong khi đó, chỉ số giá bán của nhà sản xuất (PPI) của nước này trong tháng 11 giảm 0,2% so với tháng trước đó, là lần giảm đầu tiên trong bảy tháng qua. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, PPI trong tháng 11 chỉ tăng 2,7%, mức thấp nhất trong hai năm qua.

NBS lý giải rằng CPI và PPI giảm so với tháng trước là do giá dầu thô và giá than đá giảm sâu. Giới phân tích nhận định CPI và PPI của Trung Quốc cùng giảm là do nhu cầu yếu đi của người tiêu dùng lẫn nhà đầu tư và điều này cho thấy họ ngần ngại chi tiêu khi niềm tin về triển vọng tăng trưởng trong tương lai đang bị xói mòn do cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.

Giới phân tích cho rằng áp lực giảm phát sẽ tiếp tục kéo dài khi các hoạt động kinh tế ở Trung Quốc suy yếu.
Jiang Chao, nhà phân tích ở Công ty chứng khoán Haitong Securities, dự báo chỉ số PPI sẽ giảm về mức 0 trong tháng 12 và rơi vào vùng âm trong năm 2019, chính thức đặt nước này vào vùng giảm phát.

Theo Ngân hàng Goldman Sachs, chỉ số CPI của nước này yếu đi trong tháng 11 chủ yếu do giá năng lượng và rau quả hạ nhiệt. Dù rủi ro giảm phát chắc chắn là cơn đau đầu đối với Bắc Kinh, Goldman Sachs tin rằng CPI có khả năng tăng nhẹ trở lại trong những tháng tới với giá rau quả và thịt heo tăng lên khi Trung Quốc chuẩn bị đón Tết cổ truyền.

Tuy vậy, giá cả hàng hóa bao gồm năng lượng tiếp tục giảm sâu có thể lấn át bất cứ mức tăng nào của giá rau quả, thịt heo và chắc chắn sẽ đẩy PPI của Trung Quốc vào vùng âm trong những tháng tới, kéo theo CPI sẽ giảm về dưới mức 0.

Gia tăng thách thức cho giới lãnh đạo Trung Quốc

Các con số CPI và PPI ảm đạm làm gia tăng thách thức cho giới lãnh đạo Trung Quốc trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế theo đúng hướng trước thềm hội nghị công tác kinh tế trung ương hàng năm vào ngày 18-12 để quyết định các quyết sách kinh tế cho năm 2019.

Sự quay lại của các rủi ro giảm phát thường liên quan đến sự suy giảm các hoạt động kinh tế, là bằng chứng mới nhất cho thấy nền kinh tế 12.000 tỉ đô la của Trung Quốc đang tiến vào thời kỳ bất ổn dù Bắc Kinh và Washington vừa đồng ý đình chiến thương mại trong vòng 90 ngày để đàm phán giải quyết các bất đồng.

Chỉ số giá nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc rơi về 50 điểm trong tháng 11 giảm so với 50,2 điểm trong tháng 10. Mốc 50 điểm của PMI cho thấy các hoạt động trong ngành sản xuất có quy mô khổng lồ của Trung Quốc đứng im so với tháng trước đó do các đơn hàng mới ở trong nước và từ nước ngoài sụt giảm. Đây là lần đầu tiên chỉ số PMI của Trung Quốc rơi về 50 điểm trong hơn hai năm qua.

Xuất khẩu của Trung Quốc cũng đã giảm tốc nhanh trong tháng trước mặc dù thặng dư thương mại với Mỹ được nới rộng lên mức kỷ lục mới 35,5 tỉ đô la. Theo số liệu của Tổng Cục hải quan Trung Quốc, xuất khẩu trong tháng 11 tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 10% của giới phân tích.

Kể từ mùa hè vừa qua, chính phủ nước này đã nỗ lực củng cố niềm tin về các triển vọng kinh tế của đất nước và thay đổi chính sách từ đẩy mạnh giảm nợ trong nền kinh tế sang thúc đẩy tăng trưởng. Song các dấu hiệu căng thẳng đang ngày một lan rộng trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/282751/ap-luc-giam-phat-de-doa-kinh-te-trung-quoc.html