Áp lực giải ngân rất lớn!

Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội phục vụ phiên họp 23, Chính phủ đã thông tin sơ bộ về tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Số liệu cho thấy, áp lực giải ngân Chương trình vô cùng lớn, nhất là trong kế hoạch năm 2023.

Đã giải ngân hơn 86,8 nghìn tỷ đồng các chính sách hỗ trợ

Báo cáo đánh giá bổ sung về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và tình hình triển khai kế hoạch năm 2023 đã được Chính phủ gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình), Chính phủ cho biết Chương trình đã được triển khai quyết liệt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển.

Áp lực giải ngân Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội rất lớn. Ảnh: Huy Hùng

Áp lực giải ngân Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội rất lớn. Ảnh: Huy Hùng

Trong đó, hết tháng 4.2023, đã giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình hơn 86,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,8% tổng nguồn lực của Chương trình (301 nghìn tỷ đồng).

Cụ thể,Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giải ngân 5/5 chương trình tín dụng chính sách đạt dư nợ 16,9 nghìn tỷ đồng cho 332 nghìn lượt khách hàng, đạt 42,7% tổng quy mô chính sách được Quốc hội quyết nghị. Trong đó, cho vay 829 tỷ đồng mua hơn 86 nghìn máy vi tính và thiết bị học tập trực tuyến; cho vay nhà ở xã hội 4.781 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ việc làm 10 nghìn tỷ đồng; cho vay cơ sở giáo mục mầm non, tiểu học ngoài công lập 185 tỷ đồng; cho vay Chương trình đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 1.163 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hỗ trợ lãi suất cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác với khoản vay có lãi suất trên 6%/năm là 1.347 tỷ đồng.

Đối với chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, các địa phương đã giải ngân hơn 3.757 tỷ đồng cho gần 5,3 triệu lượt người lao động. Số tiền đã giải ngân chỉ chiếm 57,2% nguồn lực bố trí để thực hiện trong khi chính sách này đã hết hiệu lực.

Chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho các khoản vay thông qua ngân hàng thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, đến cuối tháng 3.2023 mới giải ngân khoảng 327 tỷ đồng, tương đương 0,82% tổng nguồn lực (40 nghìn tỷ đồng). Áp lực giải ngân chính sách này rất lớn. Chính phủ dự kiến hết năm 2023 chỉ giải ngân được khoảng 2.570 tỷ đồng, số vốn dự kiến không sử dụng hết còn khoảng 37,4 nghìn tỷ đồng. Lý do làcó khoảng 67% khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ và đủ điều kiện thụ hưởng nhưng không có nhu cầu được hỗ trợ. Đồng thời, khoảng 87% khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ nhưng không đáp ứng điều kiện được hỗ trợ.

Đối với các chính sách hỗ trợ liên quan đến thuế, tính đến tháng 3.2023, tổng số thuế đã miễn, giảm là 57 nghìn tỷ đồng. Đã gia hạn thời gian nộp các loại thuế, tiền thuê đất là 110,6 nghìn tỷ đồng. Chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7.400 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, các chính sách miễn, giảm các loại thuế, phí đã hết thời hạn thực hiện.

Còn 14,1 nghìn tỷ đồng chi đầu tư chưa giao kế hoạch vốn

Về tình hình phân bổ vốn chi đầu tư phát triển thuộc Chương trình, Chính phủ cho biết, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng đã giao chi tiết 161,8 nghìn tỷ đồng kế hoạch vốn của Chương trình để thực hiện 223 nhiệm vụ, dự án.

Về số vốn chưa giao kế hoạch cho các nhiệm vụ, dự án của Chương trình là 14,1 nghìn tỷ đồng, Chính phủ đã có Tờ trình số 92/TTr-CP ngày 31.3.2023, đề ngh Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với phương án phân bổ 13,3 nghìn tỷ đồng đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao vốn.

Với 782,2 tỷ đồng còn lại (gồm 773 tỷ đồng dự kiến cho 5 dự án của TP. Hồ Chí Minh, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Đồng Nai chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư và 9,2 tỷ đồng còn dư do một số dự án phê duyệt tổng mức đầu tư thấp hơn mức vốn Thủ tướng thông báo), Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội không phân bổ tiếp theo Nghị quyết số 69/2022/QH15. (Theo Nghị quyết này, Chính phủ phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án phân bổ vốn trước ngày 31.3.2023, sau thời điểm trên, số vốn còn lại của Chương trình phục hồi không thực hiện phân bổ tiếp).

Trong một báo cáo gửi tới Kỳ họp thứ Năm sắp tới của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, với năm 2023, Thủ tướng đã giao kế hoạch vốn cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 134,4 nghìn tỷ đồng. Đến ngày 4.5.2023, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã giao chi tiết 109,6 nghìn tỷ đồng cho các nhiệm vụ, dự án từ nguồn vốn nêu trên, còn lại 24,7 nghìn tỷ đồng chưa giao chi tiết.

“Việc phân bổ, hoàn thiện thủ tục giải ngân nguồn vốn của Chương trình cho các nhiệm vụ, dự án còn chậm, tạo áp lực giải ngân lớn, nhất là trong kế hoạch năm 2023”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/ap-luc-giai-ngan-rat-lon-i326974/