Áp lực đại học ở Ấn Độ: Học sinh tự tử, cha mẹ mạo hiểm mạng sống

Bên cạnh các quốc gia khác ở châu Á nổi tiếng với kỳ thi khốc liệt, 'cuộc đua' vào đại học ở Ấn Độ cũng chứng kiến không ít căng thẳng, thậm chí nhiều học sinh tìm đến cái chết.

Sadvi Konchada vẫn nhớ những gì mình từng trải qua vào kỳ thi đại học cách đây gần 10 năm. Cô nữ sinh trung học Sadvi năm ấy phải làm tới 22 bài kiểm tra lớn nhỏ khác nhau để bước chân vào ngôi trường mơ ước.

Những năm tháng ôn thi đại học trong ký ức của Sadvi là chuỗi ngày học hành liên tục, ngày nào cũng có một hướng dẫn cụ thể phải học như thế nào do gia sư riêng soạn. Nghĩ lại, cô gái cảm thấy việc học thi có phần hơi thái quá.

Cô nộp đơn vào hai trường hàng đầu về kiến trúc và thiết kế. Nhằm chắc suất, Sadvi cũng đăng ký vào 6 trường đại học khác, mỗi trường có bài kiểm tra tuyển sinh riêng.

Để chuẩn bị cho kỳ thi, Sadvi ngày nào cũng vùi mặt vào hàng chồng bài vở môn toán và khoa học. Kể cả ngày chủ nhật, cô cũng học phụ đạo với gia sư. Buổi học được đánh giá là “tăng cường khả năng sáng tạo”.

Việc học hành nhồi nhét ở Ấn Độ không phải là câu chuyện hiếm hoi ở đất nước tỷ dân này. Các bài kiểm tra là thứ ám ảnh đối với gia đình có con cái đang trong độ tuổi đi học.

Điểm số trở thành vấn đề được bàn tán, tranh luận không dứt. Cha mẹ đau đáu không kém gì con cái và dành thời gian cầu nguyện cho con điểm cao mỗi ngày.

Giống với nhiều kỳ thi đại học nổi tiếng khác tại châu Á, việc "vượt vũ môn" ở Ấn Độ cũng mang nặng tính "sống còn", quyết định tương lai học sinh. Ảnh: New York Times.

Giống với nhiều kỳ thi đại học nổi tiếng khác tại châu Á, việc "vượt vũ môn" ở Ấn Độ cũng mang nặng tính "sống còn", quyết định tương lai học sinh. Ảnh: New York Times.

Nhà trường công khai kết quả các bài kiểm tra và cập nhập liên tục cho phụ huynh, thậm chí còn so sánh cụ thể số điểm giữa các học sinh. Còn về phía những sĩ tử, họ dành hàng tháng trời để ôn luyện, chuẩn bị cho kỳ thi cùng với tâm trạng lo lắng.

“Chúng tôi phải đặt chúng dưới áp lực cao. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác” - một người mẹ tên Jaya Samaddar, có con gái từng trải qua kỳ thi cam go - cho hay.

Zing.vn tổng hợp bài viết trên các tờ New York Times, Washington Post, Telegraph về câu chuyện thi đại học ở Ấn Độ.

Không kém phần khốc liệt như các kỳ thi quan trọng tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, việc “vượt vũ môn” ở Ấn Độ cũng là “cuộc chiến sinh tử” của cả thí sinh và phụ huynh.

Làm hàng chục bài kiểm tra để vào đại học

Như bao đứa trẻ khác tại Ấn Độ, con gái của cô Samaddar cũng bị cuốn vào vòng xoáy không lối thoát của áp lực thi cử.

“Con bé không có khái niệm xem phim trong thời gian dài. Thỉnh thoảng, tôi chứng kiến con mình nhắc nhở bạn bè đi ngủ để ngày mai còn làm 3 bài kiểm tra. Thật lòng, tôi cảm thấy buồn khi nghe thế” - cô Samaddar bày tỏ.

Tại Ấn Độ, học sinh cuối cấp phải vượt qua kỳ thi chung quốc gia để tốt nghiệp trung học trước khi thi đại học. Nhiều trường lại có hình thức thi khác nhau nên chuyện thí sinh ở nước này phải trải qua hàng chục bài kiểm tra trước khi đặt chân vào đại học đã không còn là chuyện lạ.

Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 20 triệu học sinh bước vào năm cuối cấp tại Ấn Độ. Song, số lượng sinh viên có cơ hội nhập học vào các trường vô cùng ít ỏi. Tỷ lệ chọi ở một số đại học top đầu ở mức 1/121, cao hơn nhiều so với cả những trường đại học danh tiếng nhất thế giới như Oxford và Cambridge (Anh).

Áp lực phải thành công, phải đỗ đại học quá lớn đẩy không ít học sinh Ấn Độ vào bế tắc, tuyệt vọng. Ảnh: Indiaeducation.

Như nhiều bậc phụ huynh châu Á coi tấm bằng đại học quyết định tất cả, những người làm cha mẹ ở Ấn Độ cũng không phải là ngoại lệ. Không chỉ đặt kỳ vọng cao, họ gần như ép buộc con cái phải đạt thứ hạng, bằng cấp cao - điều không dễ gì đạt được ở đất nước này.

Sự lo lắng xuất phát không chỉ từ nỗi sợ kết quả thi tệ sẽ ảnh hưởng đến tương lai đứa trẻ mà còn từ quan niệm điểm số thể hiện năng lực của từng người.

“Số điểm của con cái đại diện cho bộ mặt của cha mẹ. Nếu người lớn gặp nhau ở bữa tiệc, mọi người sẽ chẳng bao giờ hỏi thăm về tình hình sức khỏe của nhau. Thay vào đó là các câu hỏi xoay quanh việc học hành của con cái”, cô Samaddar nói.

Trước áp lực thi cử của toàn xã hội, các trung tâm gia sư tư nhân tại nước này cũng nhờ vậy mà mọc lên như nấm và làm ăn phát đạt. Những giáo viên này hỗ trợ học sinh hàng ngày, nhận kèm tất cả các môn thi.

“Tuy nhiên, áp lực không chỉ giới hạn ở phụ huynh và học sinh”, Rinky Awashi, người từng có thâm niên hơn 10 năm ôn luyện các sĩ tử Ấn Độ, cho hay.

Mỗi ngày, cô Awashi lại đăng dán kết quả bài kiểm tra thực hành bên ngoài căn hộ của mình và nhắn tin cho cha mẹ học sinh để họ có thể nắm rõ tình hình con mình đang xếp hạng thứ mấy.

Cha mẹ trèo tường 'tuồn' đáp án, học sinh tự tử vì bế tắc

Đại học được coi là tấm vé vàng quyết định tương lai, song không ít hệ lụy nảy sinh từ quan niệm này của xã hội Ấn Độ.

Trong bối cảnh cơ hội bước vào đại học lẫn việc làm tại nước này đều ở mức thấp, nhiều phụ huynh quyết định làm tất cả mọi cách để giúp con cái làm bài thi trót lọt.

Mỗi mùa thi ở Ấn Độ, mạng lưới có tên gọi “mafia gian lận” hoạt động hết công suất, giúp các thí sinh quay cóp thành công. Cha mẹ thí sinh sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn, thuê lực lượng này thực hiện các mánh khóe tinh vi.

Sunita, người mẹ sẵn sàng chi 16.000 rupee (264 USD) cho đội ngũ gian lận gửi đáp án vào phòng thi cho con trai, gọi đó là “lối thoát” duy nhất để đảm bảo tương lai cho con cái.

Năm 2015, hình ảnh các phụ huynh sẵn sàng mạo hiểm cả mạng sống của mình, leo trèo, đứng kín các bờ tường xung quanh địa điểm thi nhằm “tuồn” lời giải vào bên trong cho con được lan truyền rộng rãi.

Năm ngoái, nước này mới cho lắp đặt hệ thống camera theo dõi để đảm bảo tính trung thực cho kỳ thi, đồng thời yêu cầu mọi thí sinh phải cởi bỏ tất và giày khi vào phòng thi.

Hình ảnh phụ huynh đứng chật kín bờ tường cạnh trường, cố gắng "tuồn" đáp án vào phòng thi cho con. Ảnh: AP.

Áp lực học hành, thi cử cao khiến nhiều học sinh Ấn Độ rơi vào trạng thái gò bó, bức bối.

Năm 2010, một phòng khám bệnh tiểu đường ở thủ đô New Delhi báo cáo số lượng bệnh nhân thanh thiếu niên tăng đột biến. Các kết quả xét nghiệm chỉ ra bệnh nhân có lượng đường trong máu cùng huyết áp tăng bởi những căng thẳng trong quá trình ôn thi gây ra.

Nghiêm trọng hơn, không ít người trẻ nước này cảm thấy bế tắc, lựa chọn tìm đến cái chết để giải thoát. Nhiều chuyên gia đã phải lên lên tiếng phản đối hệ thống giáo dục Ấn Độ khiến học sinh chịu quá nhiều gánh nặng.

Cũng trong năm 2010, một học sinh 18 tuổi treo cổ sau khi để lại lá thư tuyệt mệnh nói rõ lý do lo lắng rằng mình đã không làm tốt bài kiểm tra.

Thống kê cho thấy 9.000 thiếu niên chết năm 2015, chiếm 6,7% tổng số vụ tự tử. Năm 2017, hơn 50 em ở 2 bang Andhra Pradesh và Telangana lựa chọn chấm dứt cuộc đời trong vòng 2 tháng.

Tháng 4 vừa qua, 20 học sinh nước này tự tử do thất vọng bản thân thất bại trong kỳ thi đại học. Điều đáng nói, nguyên nhân dẫn đến các cái chết thương tâm là do hệ thống chấm bài bằng máy tính đã xảy ra lỗi, khiến số điểm không chính xác.

Trà My

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ap-luc-dai-hoc-o-an-do-hoc-sinh-tu-tu-cha-me-mao-hiem-mang-song-post959727.html