Áp lực của phụ nữ sau sinh

'Ngày xưa tao nuôi anh em thằng Thành nhẹ như không, tháng thứ 3, thứ 4 đã nhai cơm cho ăn mà có sao đâu, vẫn to lớn khỏe mạnh, học hành đến nơi đến chốn. Giờ chúng mày kỹ quá rồi con cái lại đẹn nghét', bà Nguyễn Thị Thanh (ngụ quận Gò Vấp) vừa bón cháo cho cháu vừa lầm bầm với cô con dâu.

Khoảng cách thế hệ

Chuyện là bà Thanh muốn cho cháu ăn dặm khi thằng bé vừa tròn 4 tháng tuổi để nhanh cứng cáp, trong khi quan điểm của chị Hoàng Oanh (con dâu bà Thanh) là trẻ nhỏ ngoài 5 tháng tuổi mới cho ăn dặm để tốt cho đường tiêu hóa.

Chị Oanh sinh lần đầu, có mẹ chồng ở sát bên chăm sóc, ai cũng khen chị tốt phước nhưng bản thân chị lại luôn rơi vào căng thẳng, bởi gần như chuyện gì cũng nhất nhất theo ý bà, từ chuyện ăn uống của người lớn lẫn trẻ nhỏ, ngủ nghỉ ra sao, dù cho phương pháp ấy đã quá lỗi thời và phản khoa học. Song, nói lý thì bà không nghe, nói thẳng thì ngại chuyện mẹ chồng - nàng dâu, chia sẻ với chồng thì bị gạt đi và cho chị là “được voi đòi tiên”. Chị Oanh nhìn con trai sinh ra ở thời hiện đại nhưng được nuôi dưỡng như thời của mấy chục năm về trước mà bất lực. Chị không vượt qua khỏi chứng trầm cảm sau sinh, có những lúc, chị nhìn mẹ chồng ghét cay ghét đắng.

Trên các diễn đàn dành cho mẹ bỉm sữa, không ít lời khuyên, thà chịu cực nhưng con mình - mình nuôi, không nên nhờ ông bà để rồi mất lòng.

Chị Vũ Quỳnh Hoa (ngụ quận 10) chia sẻ, tiếng là có bà nội chăm dâu, chăm cháu nhưng không đơn giản như vậy. “Phật ý chuyện gì là bà giận lẫy, “bắn tin” về quê nói con dâu thế này thế khác. Bản thân mình mới vượt cạn, vừa mệt mỏi, vừa áp lực vì phải làm quen với giờ giấc sinh hoạt thất thường của con, lại phải chiều theo tính khí thất thường của mẹ chồng khiến không khí trong nhà nặng như chì”, Quỳnh Hoa tâm sự.

Chưa hết, chuyện trẻ còi, trẻ ốm thì người phụ nữ cũng bị lên án. Không chỉ người nhà trách móc mà cả hàng xóm cũng có quyền quở trách. Những câu kiểu “mẹ vụng nên con còi” đã làm tổn thương bao người mẹ. Như con gái chị Lê Thị Thu Hảo (ngụ quận Thủ Đức) sinh thiếu tháng nên chậm lớn hơn đám trẻ bình thường, dù chị đưa con đi khắp nơi để tư vấn dinh dưỡng. Chồng chị Hảo nghe mấy bà, mấy chị trong chung cư xì xào nhiều cũng mệt mỏi, sáng ra khỏi nhà từ sớm tới khuya mới về.

Thi thoảng, chị rủ chồng cho con ra ngoài chơi thì anh đều viện lý do con còi nên mắc cỡ. “Con tôi còi, tôi xót hơn ai hết. Vậy mà mọi người không chia sẻ, lại liên tục chỉ trích mẹ con tôi, như thể tôi có lỗi với cả thế giới”, chị Hảo nói. Sau đợt chị gào khóc giữa hành lang bởi những lời dị nghị ấy, hàng xóm không còn nhỏ to trước mặt chị, nhưng cũng từ đấy, người mẹ trẻ trở nên trái tính trái nết, dễ cáu bẳn và liên tục rơi vào trạng thái hoảng loạn, buồn bực.

Thấu hiểu và sẻ chia

Theo các chuyên gia tâm lý, phụ nữ sau sinh sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Từ chuyện thiếu ngủ vì chăm con; sự thiếu quan tâm của gia đình, nhất là người chồng; bị phụ thuộc kinh tế; con quấy khóc; cơ thể không còn thon gọn… đều có thể trở thành những áp lực khiến phụ nữ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm. Có trường hợp người mẹ ra tay sát hại chính con mình hoặc có hành vi làm tổn thương bản thân và con.

Mới đây, tại phòng khám tâm lý trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TPHCM), bác sĩ phải mất nhiều giờ dò hỏi, người phụ nữ với vẻ mặt mệt phờ, đôi mắt vô hồn mới chịu chia sẻ. Điều khiến chị buồn là chồng chị viện cớ con khóc đêm, rồi mùi của phòng có con nít khiến anh không chịu được nên dọn sang phòng khác ngủ. Uất hận vì chồng thờ ơ, một mình vật lộn với bỉm sữa, với những đêm con khóc ngằn ngặt nên chị rơi vào chứng trầm cảm rồi ghẻ lạnh con, coi đứa trẻ như gánh nặng, như nguyên nhân khiến anh chê chị. Đến khi gia đình phát hiện thì đứa trẻ hơn 3 tháng tuổi đã bị mẹ ngắt nhéo đến tím người.

Đó chỉ là một vụ việc mà hậu quả để lại quá đau đớn cho gia đình và xã hội liên quan đến bệnh trầm cảm. Song, thực tế xã hội vẫn còn thờ ơ với chứng trầm cảm sau sinh của phụ nữ. Theo một thống kê, tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm sau sinh của thế giới chiếm từ 10% - 20%, riêng ở Việt Nam lên tới 33%. Theo thống kê của Bệnh viện Từ Dũ, tỷ lệ phụ nữ trầm cảm sau sinh chiếm 5,1%, chiếm 0,5% số phụ nữ sinh đẻ.

Theo các bác sĩ, phụ nữ rất dễ bị trầm cảm sau sinh, nhưng triệu chứng của nó lại không dễ nhận biết và có thể kéo dài cả năm sau khi sinh. Trầm cảm tùy mức độ mà có những hành vi khác nhau, nhưng chung quy lại đều rất nguy hiểm đến sức khỏe tâm thần của người mẹ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và bé nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, các bác sĩ khuyên, để giúp phụ nữ tránh mắc các chứng trầm cảm sau sinh, cần có sự đồng hành của người thân và gia đình. Ngoài việc quan tâm đến chế độ ăn uống, nghỉ ngơi thì rất cần sự sẻ chia trong việc chăm sóc trẻ nhỏ và được tạo môi trường sống thoải mái, vui vẻ cho người mẹ.

THANH LY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ap-luc-cua-phu-nu-sau-sinh-627653.html