Áp lực của nàng dâu 'gái quê'

Tôi vốn là gái quê, lên thành phố học, may mắn gặp và được anh yêu thương. Tôi càng mặc cảm với bản thân thì anh càng quyết tâm cưới tôi bằng được.

Bố mẹ chồng tôi điều kiện khá giả, nhà ngay mặt phố, ông bà đều làm công chức nhà nước. Nhà tôi ở quê thuần nông, quanh năm suốt tháng không có ngày nào ngơi nghỉ.

Ngày tôi sinh đứa đầu lòng, mẹ đẻ tôi lên thăm. Vốn nhà nông, thật thà chân chất, bà mang cả mấy con gà lên cho cháu, cân bột sắn cho bên thông gia. Nhưng khổ cái đồ đạc mang lên lóc nhóc, gà qué tung tóe. Mẹ chồng tôi lại ưa sạch sẽ, liền móc nhiếc xa gần. Phải nghe những lời lẽ chê bai, chuyện giàu nghèo, tôi tủi thân vô cùng.

Không biết bao lần tôi khổ sợ vì chuyện quà cáp qua lại giữa 2 gia đình, kể cả trước khi kết hôn. Tôi biết bố mẹ chồng từng cấm con trai lấy tôi chỉ vì họ chê nhà tôi nghèo. Nhưng hai đứa nhất quyết lấy nhau, rồi bố mẹ anh cũng phải xuôi theo.

Lần đầu tôi về ra mắt nhà anh, mẹ tôi chuẩn bị rất nhiều quà, phần lớn là những món ăn đậm chất thôn quê dân dã, tôi gàn mẹ: “Nhà người ta không ăn mấy thứ này đâu mẹ ơi”, mẹ tôi liền mắng té tát. Ngay từ đầu hai bên gia đình đã không vừa lòng nhau, lườm ngược nguýt xuôi khiến vợ chồng tôi đau đầu, mệt mỏi khi phải đứng ở giữa đề dung hòa.

Nhà chồng tôi lại có 2 dâu, tôi là dâu thứ, tôi bị đẩy vào thế khổ sở không sao nói hết. Chị dâu lại là người có hoàn cảnh khá tốt. Bố mẹ chị giàu có, bản thân chị cũng là người tháo vát, giỏi kiếm tiền. Chị và chồng ra ở riêng, lần nào về nhà chơi, bố mẹ chồng cũng quý chị như vàng.

Tôi chưa một lần được mẹ chồng mua cho cái này cái kia. Nhưng lần nào chị dâu về là mẹ chồng tôi đi chợ, nấu nướng đủ các thứ trên đời. Bà còn bày ra bao nhiêu món. Nhưng mọi việc lại đến tay tôi. Bà bắt tôi dậy thật sớm, dọn dẹp, nấu nướng. Cả ngày chủ nhật tưởng được nghỉ lại phải nấu hết món này đến món khác, mệt đứt hơi.

Ăn uống xong, cả nhà ngồi nói chuyện, mẹ chồng sai tôi làm đủ thứ. Nào dọn dẹp, rửa bát, pha nước. Tôi cảm thấy chị dâu như khách, được quan tâm chiều chuộng, còn tôi thì không khác gì người giúp việc.

Mẹ chồng tôi nhiều lần khẳng định, với bà, con dâu nào cũng như con dâu nào nhưng tôi thừa hiểu rằng, trong lòng bà chỉ có chị dâu thôi. Còn tôi là người để bà sai khiến, để bà trút giận và soi mói.

Tôi không có tiếng nói trong ngôi nhà này. Ngay cả những việc lớn nhỏ, mẹ chồng đều gọi điện nói với chị dâu, thông báo và hỏi ý kiến chị. Còn tôi, có việc cả nhà biết thì tôi cũng không biết gì.

Thế nhưng trong mắt hàng xóm, tôi là một cô gái may mắn khi xuất thân từ nhà nghèo lại lấy được chồng khá giả và được cả bố mẹ chồng thương yêu. Bố mẹ chồng không chê tôi nghèo hèn, không hề ý kiến khi tôi về nhà chồng mà không có hồi môn.

Tôi không thể chịu cảnh ấm ức thêm được nữa. Nhân dịp mừng thọ mẹ chồng 70, tôi về nhà mẹ đẻ, gợi ý bà về chuyện quà cáp cho thông gia. Tôi muốn bố mẹ mình có dịp nở mày nở mặt và tôi cũng không bị nhà chồng coi thường nữa.

Tranh thủ lúc mẹ tôi hoàn thành việc đồng áng, tôi gợi ý: “Mẹ ơi, mẹ đã nghĩ ra món quà tặng mẹ chồng con chưa? Hay lần này mình đầu tư một chút mẹ nhỉ, con cũng tiết kiệm được kha khá… Con thấy những món quà có giá trị vật chất như tiền, vàng, trang sức, vật phẩm phong thủy hay sơn hào hải vị… chắc chắn không có ai chê, bố mẹ chồng con cũng thế. Con không muốn họ xem thường nhà mình như những lần trước”.

Tôi mới nói đến đấy, mẹ mắng tôi thậm tệ hơn cả lần trước. Bà còn nói: “Tại sao con lại có suy nghĩ lệch lạc như vậy? Con phải hiểu rằng thành ý không tỷ lệ thuận với vẻ xa xỉ, sang trọng của món quà. Chưa kể một món quà vật chất cũng không thể khẳng định đẳng cấp, độ “chịu chi” của người tặng.

Mẹ nói con nghe, sẽ không có ranh giới đúng – sai cho vấn đề này, tuy nhiên một khi con quyết định chọn quà tặng theo khuynh hướng vật chất, có thể con đang vô tình đặt lên vai người nhận một trách nhiệm hay nghĩa vụ nào đó khiến họ cảm thấy khó xử.

Chưa kể với tâm lý “không ai cho không ai cái gì” nên dù có thể tâm ý của con rất đơn thuần, nhưng đôi khi món quà có thể bị bóp méo rằng con đang có mục đích khác…

Con à, con đừng đặt nặng chuyện quà cáp nữa nhé, con ở với nhà chồng cả đời cơ mà, con tốt hay xấu, rồi thời gian sẽ cho họ câu trả lời. Mẹ nghĩ, món quà lớn nhất và ý nghĩa nhất con dành cho bà thông gia không phải là những bó hoa, những món đồ đắt tiền mà chính là sự thấu hiểu, luôn bên họ, gánh vác mọi việc gia đình và chia sẻ mọi lo lắng, vui buồn trong cuộc sống…”.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/ap-luc-cua-nang-dau-gai-que-6W5ec1AMR.html