Áp lực con riêng

Nhiều người phụ nữ và nam giới khi khuyết thiếu người bạn đời của mình, đã từng có nhiều cơ duyên để tìm được người tri kỷ tiến tới tái hôn… Thế nhưng, họ hay gặp cảnh loay hoay giữa ngã ba đường, không thể đi tiếp chỉ vì không dám vượt qua những áp lực… từ phía con riêng của đối tác…

Mong cùng nhau xây tổ ấm

Anh Đức Thắng (ngõ 93 - phố Thái Thịnh - quận Đống Đa - Hà Nội) một kỹ sư xây dựng góa vợ đã 5 năm nay. Qua một người họ hàng giới thiệu anh quen chị Hằng, một kỹ sư ngành Hóa dược. Họ dễ dàng có được sự đồng cảm vì cùng có hoàn cảnh đơn thân giống nhau. Chị Hằng cũng đã ly hôn với chồng từ bảy năm trước.

Anh Thắng có hai đứa con thì cậu con trai đã lớn, đang học năm cuối đại học, còn cô con gái út thì đang học năm cuối cấp THCS. Còn chị Hằng thì có cậu con trai lớn bằng tuổi đứa thứ hai nhà anh Thắng; cô con gái sau mới học lớp 3.

Tuy đã hiểu biết về hoàn cảnh và cảm mến tính tình lời ăn nết ở của nhau nhưng cả anh và chị đều rất ngại đến nhà nhau. Chị Hằng thì chưa muốn tiếp xúc với các con anh Thắng vì cũng chưa rõ các con anh có dễ dàng thoải mái chấp nhận mình không?

Bản thân anh Thắng cũng ngại công khai xuất hiện ở nhà bạn gái. Cả hai cùng chung một tâm lý là “rổ rá cạp lại”, đã không còn trẻ, nên rất ngại mọi người để ý đàm tiếu và các con phản đối, xáo trộn suy nghĩ, dẫn đến chuyện bất hòa trong gia đình. Nhưng những người thân của anh Thắng và chị Hằng thì cho rằng, anh chị không thể kéo dài tình trạng độc thân nửa vời mãi được, cần cùng nhau nỗ lực vun vén, vượt qua khó khăn để tạo dựng lại sự ấm áp cho ngôi nhà và chia sẻ, bù đắp tình cảm trống vắng cho con cái..

Anh Thắng và chị Hằng không hẹn mà nên cùng đem những canh cánh trong lòng chia sẻ với “bà mối” của mình va đều lo lắng về chuyện nếu không có cách giải quyết hợp lý mọi vấn đề thì sẽ để mất đối tác mà mình đã ưng ý về cả hình thức lẫn tính cách…

Cần quyết tâm và nhiều nỗ lực

Vấn đề khúc mắc giữa hai người, chính là vì họ có “nhiều” con riêng quá. Ai cũng sợ là mình không cáng đáng nổi việc chăm lo cho tương lai những đứa trẻ. Ở từng gia đình vấn đề “con anh, con em” vốn dĩ đã quá nhiều phức tạp. Chuyên gia tư vấn tâm lý và đào tạo kỹ năng Kim Thành (Dự án “Vì 1 triệu gia đình Việt Nam hạnh phúc”) chia sẻ: Đã từng tư vấn và “gỡ bí” nhiều phụ nữ gặp những hoàn cảnh khó khăn và éo le, mình rất cảm thông và thấy phụ nữ Việt mình gặp nhiều trở lực lớn và gặp quá nhiều thiệt thòi trên bước đường mưu cầu hạnh phúc.

Nhiều người phụ nữ lỡ dở, đứt gánh giữa đường càng chông chênh khi kiếm tìm hạnh phúc mới. Bên họ là bao nhiêu ràng buộc về tư tưởng chưa được khai thông, cởi trói, vì gánh nặng con cái còn nhỏ dại. Rồi nỗi lo lắng trong bản năng làm mẹ nữa cũng chi phối họ, làm sao chinh phục được con chồng bởi cái dư luận “mấy đời bánh đúc có xương”?

Theo lời chuyên gia Kim Thành: Trong vấn đề tái hôn, phụ nữ thường không quyết đoán mạnh mẽ được như những người đàn ông. Nếu đã cảm thấy yêu thương thực sự, cảm thấy cần thiết được sống bên nhau thì các anh hãy dấn bước xóa đi những khoảng cách đó. Hãy dành sự độ lượng, nhân hậu và tình cảm yêu thương chân thành để chinh phục người phụ nữ và những đứa con của bạn gái.

Các chuyên gia tâm lý khuyên những người đang có ý định tái thiết tổ ấm mới: Cố gắng hiểu và nhận ra cảm giác của người khác. Những đứa con riêng có tâm lý sợ mất đi tình cảm của cha hay mẹ chúng khi chào đón “người mới” vào trong gia đình và bản thân chúng đã làm mai một tình cảm gia đình cũ.

Chính vì thế người bố mới hoặc người mẹ mới nên tôn trọng vị trí người cũ trong cuộc đời đứa con riêng, không nên nôn nóng tạo một tình cảm gượng ép mà hãy để mối quan hệ mới nảy sinh và phát triển tự nhiên. Ngay cả khi bị những đứa con riêng đối xử hoặc phản ứng bằng thái độ gay gắt, thiếu tôn trọng cũng không nên bộc lộ rõ cảm xúc hay nói ra những nhận xét của mình mà nên tâm sự với người hôn phối và lắng nghe ý kiến của họ.

“Trong sự nỗ lực cố gắng hiểu nhau hơn để tạo ra một sự đồng tâm hiệp lực, càng không nên ép bạn đời mới của mình trong vấn đề phải nghiêm khắc áp dụng kỷ luật nghiêm ngặt với con riêng của họ... để hạn chế việc gây mâu thuẫn và làm tổn thương các con”. Chuyên gia tư vấn Kim Thành

Quỳnh Chi

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/ap-luc-con-rieng-3909779-l.html