Áp lực chốt lời trong phiên giao dịch cuối tuần có thể sẽ gia tăng

Theo các chuyên gia, áp lực chốt lời trong phiên giao dịch hôm nay (12/3) có thể sẽ gia tăng. Nhà đầu tư với tầm nhìn trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng tăng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

Thị trường trong nước tiếp tục có phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp, một phần do thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt tăng điểm sau khi gói 1.900 tỷ USD qua “cửa”. Phiên tăng điểm ngày 11/3 đã mang lại hy vọng cho thị trường với độ lan tỏa tích cực.

Thị trường tăng điểm trong toàn bộ thời gian phiên giao dịch ngày 11/3 nhờ lực cầu xuất hiện từ đầu phiên và được duy trì cho đến hết phiên trong bối cảnh hệ thống khớp lệnh trên HOSE tiếp tục bị nghẽn về cuối phiên. Nhóm ngân hàng có phiên giao dịch sôi động với nhiều mã tăng như: BID (+3,1%), CTG (+1,7%), MBB (+1,1%), SHB (+6,1%), VPB (+4,2%), HDB (+1,1%), TCB (+2,2%)… Bên cạnh đó, các Bluechips như BVH (+1,5%), FPT (+0,5%), MWG (+1,5%), HPG (+1,8%), VNM (+1,7%), SAB (+1,6%), MWG (+1,5%), VHM (+0,1%)… cũng đồng thuận tăng điểm giúp sắc xanh thị trường được củng cố. Đà tăng không chỉ tập trung ở nhóm vốn hóa lớn mà có sự lan tỏa khá tốt. Các cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, xây dựng, dầu khí, khu công nghiệp… hầu hết đều tăng trong phiên 11/3.

Sắc xanh bao phủ toàn thị trường chứng khoán Việt.

Sắc xanh bao phủ toàn thị trường chứng khoán Việt.

Chốt phiên giao dịch ngày 11/3, sàn HOSE có 297 mã tăng và 165 mã giảm, VN-Index tăng 11,65 điểm (+1,00%), lên 1.181,73 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 629,1 triệu đơn vị, giá trị 15.111 tỷ đồng, giảm 13% về khối lượng và 16% về giá trị so với phiên 10/3.

Trên sàn HNX, việc SHB cùng một số mã lớn nhích thêm đôi chút đã tiếp tục kéo HNX-Index đi lên và đóng cửa ở mức cao nhất ngày. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/3, sàn HNX có 104 mã tăng và 85 mã giảm, HNX-Index tăng 6,42 điểm (+2,4%), lên 273,52 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 158,6 triệu đơn vị, giá trị 2.572,33 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index sau phiên sáng lùi xuống dưới tham chiếu đã nhích dần trở lại và tìm được sắc xanh trong những phút cuối. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/3, UpCoM-Index tăng 0,1 điểm (+0,12%), lên 80,34 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 54 triệu đơn vị, giá trị 940,36 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3 triệu đơn vị, giá trị 31 tỷ đồng.

Phiên giao dịch ngày 11/3, khối ngoại tiếp tục bán ròng với tổng giá trị bán ròng trên HOSE là 267,36 tỷ đồng, trong đó: tổng mua 1.067,52 tỷ đồng; tổng bán 1.334,88 tỷ đồng

Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường tăng điểm tốt trong phiên thứ hai liên tiếp với thanh khoản khớp lệnh gia tăng so với phiên trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy bên mua đang tỏ ra khá tự tin trước xu hướng tăng ngắn hạn hiện tại. Việc thị trường Mỹ tăng mạnh trong đêm qua và Dow Jones thiết lập đỉnh lịch sử mới cũng hỗ trợ cho tâm lý nhà đầu tư trong nước.

“Trên góc nhìn kỹ thuật, xu hướng trung hạn là tích cực với việc thị trường đang trong sóng tăng 5 và chưa có dấu hiệu kết thúc (sóng tăng 5 chỉ xác nhận là kết thúc khi nó đạt đến target quanh ngưỡng 1.250 điểm hoặc điều chỉnh thủng ngưỡng tâm lý 1.000 điểm - đáy của sóng điều chỉnh 4). Trong ngắn hạn, cụ thể là phiên cuối tuần, đà tăng có thể tiếp diễn để chỉ số VN-Index tiệm cận gần hơn với ngưỡng tâm lý 1.200 điểm”, SHS phân tích.

Tuy nhiên, các chuyên gia của SHS cho rằng, áp lực chốt lời trong phiên tiếp theo có thể sẽ gia tăng. Nhà đầu tư với tầm nhìn trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng tăng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

“Nhà đầu tư ngắn hạn đã mua vào trong phiên 9/3 trong vùng hỗ trợ 1.140-1.155 điểm (MA20-50) quan sát thị trường trong phiên tới và có thể canh chốt lời nếu thị trường tiến đến ngưỡng kháng cự tâm lý 1.200 điểm”, SHS nhận định.

Theo ông Trần Xuân Bách, chuyên viên Phòng Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index dự báo sẽ tiếp tục thử thách vùng kháng cự 1.185-1.200 điểm trong phiên cuối tuần.

“Đây vẫn là vùng kháng cự mạnh về cả mặt tâm lý và kỹ thuật đối với chỉ số. Do đó, chúng tôi cho rằng, thị trường có thể vấp phải áp lực điều chỉnh trở lại khi tiếp cận vùng cản này. Về tổng thể, thị trường vẫn sẽ dao động trong vùng được giới hạn bởi cận trên là vùng cản 1.185-1.200 điểm và cận dưới 1.150-1.155 điểm. Diễn biến của thị trường sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu”, ông Trần Xuân Bách nhận định.

Ông Trần Xuân Bách cho rằng, áp lực rung lắc mạnh có thể xảy ra khi chỉ số tiến vào vùng kháng cự 1.185-1.200 điểm trong phiên cuối tuần. Diễn biến thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục có sự giằng co và phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu.

“Về chiến lược đầu tư, nên duy trì tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong danh mục ở mức 50% cổ phiếu. Sau khi thực hiện mua trading tại vùng hỗ trợ 1.150-1.155 điểm, các nhà đầu tư có thể xem xét mở các vị thế bán trading giảm tỷ trọng khi thị trường tiếp cận vùng kháng cự mạnh 1.185-1.200 điểm”, chuyên gia của BVSC khuyến cáo./.

Cẩm Tú/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/ap-luc-chot-loi-trong-phien-giao-dich-cuoi-tuan-co-the-se-gia-tang-842549.vov