Áp lực chồng áp lực

Cuộc khủng hoảng quanh thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn chưa hề có dấu hiệu giảm nhiệt, nhất là sau khi Tehran khẳng định, cấp độ làm giàu uranium của họ đã vượt mức 4,5% vào ngày 8-7, vượt xa mức cho phép đề ra trong Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), còn gọi là thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với các nước P5+1 năm 2015.

Cuộc khủng hoảng quanh thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn chưa hề có dấu hiệu giảm nhiệt, nhất là sau khi Tehran khẳng định, cấp độ làm giàu uranium của họ đã vượt mức 4,5% vào ngày 8-7, vượt xa mức cho phép đề ra trong Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), còn gọi là thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với các nước P5+1 năm 2015.

Tình hình hiện nay thậm chí cho thấy mọi việc sẽ tồi tệ hơn nữa bởi sức ép đối với Iran từ Israel, Saudi Arabia và Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng sức ép bất công đối với Tehran. Thực tế, Ngoại trưởng Israel Katz đã cảnh báo, đất nước của ông sẽ thực hiện các cuộc không kích phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cáo buộc Iran dường như chưa bao giờ thực hiện thỏa thuận hạt nhân mặc dù IAEA (Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế) trong thời gian này đã khẳng định Iran tuân thủ thỏa thuận.

Trong khi đó, tình hình chính trị trong nước ở Iran sẽ chứng kiến những thay đổi khi nước này chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội sắp tới, sẽ diễn ra vào tháng 2-2020. Giờ đây, quyền lực nằm trong tay các nhà cải cách. Và vấn đề là những nhân vật bảo thủ luôn chống lại thỏa thuận hạt nhân, nói rằng, Iran sẽ không được gì từ thỏa thuận. Giờ đây, họ có thể nói với cả nước rằng: chúng ta có thỏa thuận nhưng không hưởng lợi ích gì từ đó. Đây sẽ là một yếu tố khác không có lợi cho việc duy trì JCPOA.

Bất chấp thực tế là Iran đã vượt qua giới hạn làm giàu uranium, nhưng Tehran cũng tuyên bố mở cánh cửa đối thoại và sẵn sàng quay trở lại thỏa thuận nếu Anh, Pháp và Đức thực hiện các cam kết của họ. Có thể dự đoán nếu “Cơ chế hỗ trợ trao đổi thương mại toàn cầu” (INSTEX) đang hoạt động và Iran có thể xuất khẩu dầu và nhận doanh thu, Tehran sẽ quay lại thỏa thuận. Nếu không, phía Iran sẽ giảm dần các cam kết của nước này trong thỏa thuận hạt nhân. Bởi một thực tế rõ ràng là Iran quan tâm đến doanh thu từ buôn bán dầu hơn là các khoản đầu tư hoặc công nghệ.

INSTEX là kênh thanh toán đặc biệt của EU với Iran, được liên minh này giới thiệu từ hồi tháng 1 nhằm đảm bảo thương mại với Tehran và tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống Iran sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 lịch sử từ tháng 5-2018.

THANH VĂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_209214_ap-luc-chong-ap-luc.aspx