Áp lực cạnh tranh 'chèn ép' BMP

Rủi ro yếu tố đầu vào cao, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn có thể sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) trong thời gian tới.

Chốt phiên giao dịch ngày 24/11, cổ phiếu BMP đóng cửa tại mức 91.300đ/CP.

Theo báo cáo tài chính quý 3/2017, lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của BMP đạt 2.619 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, hệ số giá vốn hàng bán trên doanh thu thuần của BMP lại tăng lên mức 75,5%, so với mức 65,2% của cùng kỳ năm ngoái, cho thấy hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp này đã giảm sút do giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Hơn nữa, việc chấp nhận giữ nguyên mức chiết khấu thấp hơn hẳn so với các đối thủ như HSG, NTP cũng khiến cho doanh số của BMP khó tăng mạnh khi các nhà phân phối hạn chế cung cấp hàng hóa của BMP. Điều này đã làm cho biên lãi gộp của BMP giảm xuống mức 24,3% so với mức 34,6% của cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, doanh thu tài chính của BMP đã giảm gần 50% so với cùng k\ỳ khi chỉ đạt khoảng 12,9 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính của BMP tăng lên mức hơn 63 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ, do chiết khấu thanh toán tăng mạnh.

Sau 9 tháng, lợi nhuận sau thuế của BMP đạt 348 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, doanh nghiệp này đã hoàn thành được khoảng 69% kế hoạch doanh thu và 61% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

Đáng lưu ý, tiềm lực tài chính của BMP khá tốt khi nợ phải trả của doanh nghiệp này đến cuối tháng 9 chỉ ở mức 451 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu ở mức 2.455 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này chỉ ở mức 18,3%.

Theo lộ trình dự kiến, từ ngày 08- 13/12/2017, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ tiến hành thoái vốn tại BMP. Trong khi đó, BMP đã hoàn tất thủ tục nới room ngoại lên 100%. Đó là một trong những lý do chính giúp BMP thu hút dòng tiền trong thời gian qua.

Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp này đang đối mặt với một số rủi ro. Thứ nhất là biến động giá nguyên vật liệu đầu vào. Hiện nay BMP đang phải nhập khẩu phần lớn nguồn nguyên liệu đầu. Do đó, biến động giá nguyên liệu và tỷ giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm của BMP. Để hạn chế rủi ro, BMP phải duy trì hàng tồn kho lớn. Tính đến 30/9, giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp này là hơn 502 tỷ đồng, chiếm khoảng 25% tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp.

Thứ hai, ngành nhựa không phải là ngành kinh doanh có điều kiện, nên những đối thủ mới có thể gia nhập ngành một cách dễ dàng. Điều này khiến BMP phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt. Trong đó, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã gia nhập ngành thời gian qua với tỉ lệ chiết khấu cao, đang trở thành đối thủ nặng ký của BMP.

Thứ ba, ngoài việc phải cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước, BMP còn phải chịu sự canh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp ngoại với tiềm lực tài chính mạnh mẽ và máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn doanh nghiệp nội.

Trong 1 tháng qua, cổ phiếu BMP đã tăng 18,51% với khối lượng giao dịch đạt bình quân khoảng 623.000 đơn vị. Chốt phiên giao dịch ngày 24/11, cổ phiếu BMP đóng cửa tại mức 91.300đ/CP. Hiện cổ phiếu này đang cao hơn khá nhiều mức định giá (khoảng 79.000đ/CP). Theo phân tích kỹ thuật, hiện cổ phiếu này đã nằm trong vùng vượt mua. Do đó, việc điều chỉnh của cổ phiếu này là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, thông tin thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này có thể sẽ hỗ trợ cho BMP khó giảm sâu.

Thanh Thiên

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/ap-luc-canh-tranh-chen-ep-bmp-120794.html