Áp kịch trần thuế bảo vệ môi trường sẽ tạo áp lực lớn lên lạm phát năm 2019

Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III/2018 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng: Trong bối cảnh giá năng lượng thế giới liên tục hồi phục thời gian qua, việc áp kịch trần thuế bảo vệ môi trường từ năm 2019 sẽ tạo áp lực lớn lên lạm phát. Mức lạm phát có thể vượt xa mức mục tiêu 4% mà Chính phủ và Quốc hội đặt ra cho những năm gần đây.

Toàn cảnh Tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý III - 2018

Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III/2018 của Viện VEPR vừa được công bố sáng 10/10 nhấn mạnh chỉ tiêu lạm phát bình quân dưới 4% sẽ chỉ đạt được nếu không có cú sốc lớn nào về giá năng lượng.

“Mặc dù lạm phát trong năm nay được đánh giá vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhưng chúng tôi lo ngại về lạm phát trong năm 2019 nếu như giá nhiên liệu thế giới tiếp tục ở mức cao đồng thời Việt Nam áp kịch trần thuế môi trường đối với xăng dầu (từ 3000 lên 4000 đồng/lít) kể từ 1/1/2019. Những tính toán sơ bộ của chúng tôi cho thấy chỉ riêng sự thay đổi này có thể làm tỉ lệ lạm phát trong vòng 1 năm tới tăng thêm 1,6 điểm phần trăm. Điều này đòi hỏi NHNN cần rất thận trọng với việc điều tiết cung tiền và tín dụng trong thời gian tới nếu không muốn lạm phát vượt khỏi kiểm soát”, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR nói.

Lạm phát đang cao hơn cùng kỳ và lạm phát lõi tăng

Theo nghiên cứu của Viện VEPR, nối tiếp đà tăng của quý II, lạm phát vẫn ở mức cao trong quý III/2018: “Sau khi tăng cao lên 4,67% vào tháng Sáu, lạm phát toàn phần đã suy giảm nhẹ trong quý III và duy trì ở mức 3,98%. Tuy nhiên, mức lạm phát này cũng đã cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2017 khi lạm phát chỉ tăng lần lượt 2,52%; 3,35%; 3,40% trong ba tháng quý III/2017. Quý cuối cùng của năm 2018 khi không còn các yếu tố thuận lợi hỗ trợ như năm 2017, lạm phát các tháng có khả năng sẽ vượt quá mốc 4%. Một tín hiệu cho thấy khả năng này là giá xăng đã tiếp tục tăng mạnh từ chiều ngày 06/10/2018”.

Tính chung 9 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 3,57%, VEPR chỉ rõ. Trong đó, một nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự gia tăng của CPI trong năm nay là giá lương thực, thực phẩm phục hồi mạnh so với năm 2017. Sau khi chạm mức đáy trong vòng 30 năm, giá thịt lợn trong năm 2018 đã phục hồi rất mạnh do mất cân đối cung-cầu khi nhiều hộ chăn nuôi đã bỏ nuôi lợn sau khủng hoảng dư cung thịt lợn năm ngoái.

Cục chế biến và Phát triển thị trường cho biết, nông sản, giá lợn hơi quý III đã tăng 200% so với cùng kỳ năm 2017. Với mức giá hồi phục liên tục từ tháng Ba dẫn tới việc chăn nuôi có lãi trở lại, giá thịt lợn trong quý cuối năm được kỳ vọng không tăng nhiều khi nguồn cung trở nên dồi dào hơn.

Bên cạnh đó, các dịch vụ công đóng góp lớn cho sự gia tăng CPI trong 9 tháng đầu năm 2018. Cụ thể,việc các địa phương điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 02/2017/TT-BHYT của Bộ Y tế đã làm cho giá mặt hàng này tăng tới 18,26% và làm CPI chung tăng 0,71%. Trong khi đó, việc các địa phương thực hiện lộ trình tăng học phí cũng làm CPI nhóm hàng giáo dục tăng 7,02% và tăng CPI tổng 0,36%.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, các chuyên gia tham dự Tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý III - 2018 cũng cho rằng, cách đánh giá việc tăng thuế bảo vệ môi trường chỉ ảnh hưởng tới lạm phát của năm 2019 tăng khoảng 0,07-0,09 điểm phần trăm của cơ quan quản lý là quá thấp và chưa chính xác.

Đó là chưa kể đến, biết giá xăng dầu tăng còn kéo theo các tác động khác, ảnh hưởng đến giá nguyên vật liệu, làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp vào thời gian tới. Lạm phát vào thời điểm cuối năm thường có xu hướng tăng do các yếu tố thị trường, tín dụng và giải ngân đầu tư công tăng mạnh vào cuối năm, ảnh hưởng và lan rộng sang các năm sau.

Một nguyên nhân khác cũng đang tác động nhiều tới chỉ số lạm phát trong nước, đó là là chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Việc đồng USD tăng giá sẽ khiến đồng nội tệ của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam bị mất giá và các nước này sẽ đối mặt với nguy cơ “nhập khẩu” lạm phát.

Ngăn chặn lạm phát khi sức ép bắt đầu xuất hiện

Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cho rằng, NHNN nên chuyển hướng trọng tâm điều hành từ mục tiêu tăng trưởng kinh tế sang mục tiêu kiểm soát lạm phát. Vì tăng trưởng kinh tế đã nhiều khả năng đạt được mục tiêu, nên ngăn chặn lạm phát khi sức ép bắt đầu xuất hiện.

NHNN và các bộ ngành cần cập nhật đầy đủ thông tin về tình hình dự trữ ngoại tệ quốc gia, thông tin về điều chỉnh tỉ giá, các chính sách về thuế, phí. Chỉ khi có đầy đủ thông tin, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp trong nước, quốc tế mới có được cách ứng xử và đưa ra những quyết định chính xác nhất về đầu tư, phát triển doanh nghiệp, xuất nhập khẩu.

Nhật Tân

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/y-kien/ap-kich-tran-thue-bao-ve-moi-truong-se-tao-ap-luc-lon-len-lam-phat-nam-2019-3706.html