Áp dụng tiêu chuẩn mới, đo nồng độ cồn tài xế ngay trên buồng lái

Với quyết tâm kéo giảm TNGT, tuyên truyền, xử lí mạnh hơn nữa các vi phạm, Công an tỉnh Hải Dương đã đề nghị Cục CSGT tăng cường lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ để phát hiện và xử lí nghiêm các hành vi vi phạm nhằm lập lại TTAGTT trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn.

6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh Hải Dương xảy ra 123 vụ TNGT làm chết 112 người, bị thương 66 người. So với cùng kỳ năm 2017, tăng 38% số vụ, tăng 55,5 số người chết và 8% số người bị thương. Đây là con số đáng báo động, đặc biệt là TNTG trên các tuyến quốc lộ: 5, 17, 38, 38B... tăng đột biến.

Mặc dù lực lượng CSGT Công an Hải Dương đã tăng cường tuần tra kiểm soát (TTKS), xử lí nhưng các hành vi vi phạm TTATGT là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vẫn gia tăng.

Với quyết tâm kéo giảm TNGT, tuyên truyền, xử lí mạnh hơn nữa các vi phạm, Công an tỉnh Hải Dương đã đề nghị Cục CSGT tăng cường lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ để phát hiện và xử lí nghiêm các hành vi vi phạm nhằm lập lại TTAGTT trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn.

Cán bộ CSGT kiểm tra lái xe vi phạm nồng độ cồn.

Để phát hiện, xử lí các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, từ 11h đến 14h trưa, 18h đến 21h hằng ngày, lực lượng CSGT Công an Hải Dương và CBCS Phòng 10, Cục CSGT đã lập các chốt xử lí nồng độ cồn bởi thời điểm trên, các tài xế thường uống rượu bia, sau đó tham gia giao thông, gây nguy hiểm cho chính bản thân mình và người tham gia giao thông khác. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng còn tập trung xử lí các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông.

Có mặt trên QL 5 – một trong những điểm “nóng” về TNGT, chúng tôi chứng kiến những khó khăn, vất vả của lực lượng CSGT khi xử lí những người vi phạm nồng độ cồn. Sở dĩ như vậy bởi lái xe đã sử dụng rượu bia, nhận thức và hành động không thực sự chuẩn mực nên khi được kiểm tra thì cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, hoặc tìm cách chống chế, thậm chí có hành động, lời nói khiếm nhã, xúc phạm người thi hành công vụ. Một bộ phận người tham gia giao thông còn hùa theo, phản đối gây khó khăn cho công tác kiểm tra xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Về xử lí vi phạm nồng độ cồn, lực lượng chức năng đã xử lí vi phạm theo phương pháp mới, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo nhanh, chính xác, hiệu quả cao. Theo đó, tổ công tác gồm 5 người đã phân loại phương tiện, hướng dẫn vị trí dừng đỗ, cho lái xe thổi vào thiết bị đo nồng độ cồn để phát hiện vi phạm.

Với cách làm này, việc kiểm tra nồng độ cồn diễn ra rất nhanh gọn chỉ trong vòng 1-2 phút, lái xe được ngồi trên buồng lái để kiểm tra, nếu không vi phạm thì được tiếp tục hành trình ngay. Trong trường hợp thiết bị đo phát hiện lái xe có nồng độ cồn, CSGT mới yêu cầu lái xe xuống để kiểm tra, đồng thời đưa xe vào vị trí quy định.

Anh Nguyễn Tiến Vĩnh, trú ở phường Thanh Trì, Hoàng Mai, Hà Nội – người được kiểm tra cho biết: “Tôi rất sợ những người uống rượu bia xong lái xe. Nhất là trên đường nguy hiểm như QL 5 này vì giao thông hỗn hợp, xe container nhiều, xe máy đi ngược chiều thường xuyên. Nếu lái xe uống rượu thì rất khó xử lí tình huống, dễ gây tai nạn giao thông. CSGT kiểm tra nồng độ cồn nhanh thế này thì càng nên kiểm tra liên tục, vì chúng tôi mất chưa đến 2 phút, không ảnh hưởng gì đến hành trình”.

Bị phát hiện có nồng độ cồn, anh Vũ Đức Thư ở phường Ái Quốc, TP Hải Dương cho biết, mình vừa đi đám cưới đứa cháu về nên có uống cốc bia. Không ngờ, chỉ đi một đoạn đường ngắn mà bị CSGT kiểm tra. Dù mức phạt khá cao, lại tạm giữ phương tiện đến 7 ngày nhưng anh Thư chấp nhận và cho rằng “Tôi vi phạm nên CSGT xử lí là đúng. Tôi mong, việc xử lí sẽ thực hiện thường xuyên. Bản thân tôi sẽ rút kinh nghiệm, lần sau nếu uống rượu bia rồi thì không lái xe nữa”.

Anh Nguyễn Văn Tuân, trú ở xã Quyết Thắng, huyện Thanh Hà, Hải Dương, lái xe ôtô bị phát hiện có nồng độ cồn trong khí thở nên bị tổ công tác lập biên bản để xử lý. Suốt từ 19h đến gần 20h, anh Tuân loanh quanh đề nghị chưa lập biên bản để “gọi điện cho người thân”. Cuối cùng, khi lực lượng chức năng kiên quyết lập biên bản với 3 lỗi: hơi thở có nồng độ cồn, không có đăng ký xe và không có kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Không còn cách nào khác, anh Tuân đành chấp nhận ký biên bản.

Đại úy Lê Quang Phương, Phó trưởng Phòng 10, Cục CSGT cho biết, Cục CSGT tăng cường CBCS, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật cho Công an Hải Dương 30 ngày, lập biên bản xử lí rất nhiều trường hợp quá tải, tốc độ, nhấn mạnh 4 chuyên đề là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn là vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, chở quá tải, xe khách chở quá số người quy định. Sau 20 ngày triển khai kế hoạch, số vụ tai nạn giao thông đã được kiểm soát, trên tuyến QL5 chỉ xảy ra 1 vụ TNGT, không có người chết.

Được biết, thực hiện kế hoạch kiểm tra, từ ngày 9-7 đến 30-7, Cục CSGT và Công an Hải Dương đã kiểm tra, phát hiện 183 trường hợp vi phạm, lập biên bản 78 trường hợp (40 xe khách, 10 xe tải, 16 xe con, 2 xe container), tước giấy phép lái xe 16 trường hợp, tạm giữ 10 phương tiện. Trong đó, có 18 trường hợp dừng đỗ không đúng nơi quy định, có nồng độ cồn 10 trường hợp, chở hàng quá khổ, quá tải 10 trường hợp…

Trung tá Nguyễn Văn Khánh, Trạm trưởng Trạm CSGT Hải Dương cho biết, kiểm tra nồng độ cồn theo phương pháp mới tạo cảm giác thoải mái cho lái xe vì được ngồi trên xe để kiểm tra định tính, nếu phát hiện có nồng độ cồn thì CSGT mới yêu cầu xuống xe để kiểm tra định lượng, phân loại các phương tiện, tập trung kiểm tra theo trọng điểm, ví dụ nồng độ cồn thì thường kiểm tra xe con vì xe khách, taxi thường chấp hành nghiêm rất ít vi phạm; dừng đỗ sai quy định, chở quá số người; xe tải, xe container thì kiểm tra lỗi tải trọng… Từ đó, xử lí nghiêm vi phạm.

Phương Thủy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-thong/ap-dung-tieu-chuan-moi-do-nong-do-con-tai-xe-ngay-tren-buong-lai-506019/