Áp dụng quy chuẩn vật liệu nổi trong NTTS: Phát sinh nhiều điểm khó

Theo con số báo cáo của Sở NN&PTNT, hiện toàn tỉnh có khoảng 20 triệu quả phao xốp sử dụng trong nuôi cá biển, 10 triệu khối phao xốp sử dụng nuôi nhuyễn thể. Do độ bền của phao xốp thấp, nên chỉ sau 1-2 năm sẽ tan rã, trở thành khối phế liệu khổng lồ trôi nổi trên mặt biển. Giải quyết tình trạng này, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước đưa ra quy chuẩn địa phương về vật liệu nổi trong NTTS. Mục tiêu toàn tỉnh thay thế phao xốp trong NTTS bằng vật liệu nổi bền vững trong năm 2021. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, việc triển khai quy chuẩn vật liệu nổi trong NTTS còn gặp nhiều khó khăn.

Mô hình lồng nuôi cá sử dụng vật liệu HDPE mẫu của Công ty CP Nhựa SUPER Trường Phát tại vùng biển Vân Đồn.

Mô hình lồng nuôi cá sử dụng vật liệu HDPE mẫu của Công ty CP Nhựa SUPER Trường Phát tại vùng biển Vân Đồn.

Sự chuyển biến rõ nét được ghi nhận trước hết tại các cơ sở sản xuất vật liệu nổi bền vững. Toàn tỉnh đã có 3 đơn vị công bố hợp quy cho sản phẩm, đã đặt nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, xây dựng mô hình mẫu cũng như đặt đại lý giới thiệu sản phẩm, đại lý bán hàng trên địa bàn.

Công ty CP Nhựa SUPEP Trường Phát (trụ sở tại Gia Lâm, Hà Nội), một trong 3 đơn vị nói trên được đánh giá đầu tư quy mô sản xuất nhựa HDPE để thay thế phao xốp lớn nhất hiện nay. Năng lực sản xuất của đơn vị theo cam kết với tỉnh là 20 triệu quả phao trong năm 2021, chất lượng sản phẩm đạt thông số chuẩn HDPE của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO).

Cũng tương tự, sản phẩm nhựa của Công ty TNHH Vĩ Tuyến (địa chỉ xã Quảng Minh, huyện Hải Hà) và sản phẩm phủ sơn LINEX của Công ty TNHH SHQ Quảng Ninh (địa chỉ phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả) cũng được đánh giá có ưu thế cạnh tranh khi tập trung sản xuất tại chỗ.

Mặc dù có nhiều ưu điểm như kể trên, tuy nhiên các loại vật liệu bền vững thay thế vật liệu phao xốp trong NTTS hiện nay đều có mức giá khá cao, kéo theo suất đầu tư lớn. So với giá bán hiện hành của phao xốp, giá của sản phẩm nhựa HDPE cao gấp 3 lần; giá của sản phẩm phủ sơn LINEX cao hơn khoảng 2 lần; giá của sản phẩm nhựa Vĩ Tuyến cao hơn khoảng 1,5 lần. Như vậy, để NTTS 1ha nhuyễn thể, hoặc 1 ô lồng cá bằng vật liệu nổi bền vững, giá trị đầu tư ban đầu bị đội lên ít nhất 1,5 lần, cao hơn thì có thể lên đến gấp 3 lần. Đây là nguyên nhân chính khiến cho người dân lúng túng, khó khăn trong việc sử dụng vật liệu bền vững thay thế phao xốp trong NTTS.

Người dân Vân Đồn thí điểm sử dụng quả phao HDPE của Công ty CP Nhựa SUPER Trường Phát.

Một khó khăn khác trong việc thực hiện Bộ quy chuẩn về vật liệu nổi trong NTTS hiện nay của Quảng Ninh là vấn nạn NTTS không phép hoặc trái phép. Theo báo cáo độc lập của đơn vị tư vấn cho tỉnh về phát triển NTTS, diện tích NTTS trên biển thực tế lớn hơn rất nhiều con số báo cáo của ngành nông nghiệp. Đồng nghĩa với số lượng phao xốp đang sử dụng thực tế cũng lớn hơn rất nhiều so với con số 20 triệu quả phao và 10 triệu khối phao như đã biết, ước tính mức độ lớn hơn khoảng 5 lần.

Đơn cử như tại TX Quảng Yên, vốn là địa phương không nằm trong vùng quy hoạch NTTS của tỉnh, tuy nhiên hiện có cả ngàn ha mặt nước biển ở đây đang diễn ra các hoạt động nuôi hầu, hà, cá biển. Năm 2020, sản lượng nhuyễn thể của Quảng Yên đạt trên 20.000 tấn, tăng gấp 4 lần so với năm 2019. Tại huyện Vân Đồn, diện tích NTTS thực tế qua khảo sát ước gấp khoảng 5 lần con số quy hoạch, tương đương với gần 20.000ha. Năm 2020, sản lượng nhuyễn thể của huyện đạt 45.000 tấn, cao hơn 30.000 tấn so với năm 2019.

Với số lượng diện tích NTTS lớn như trên, lại trong tình trạng nuôi tự phát, việc vận động người dân chuyển đổi từ vật liệu phao xốp sang vật liệu nổi bền vững là không hề đơn giản. Ông Từ Tú Dương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn thừa nhận, ngay chính đơn vị chuyên môn của huyện cũng chưa nắm bắt hết được số diện tích nuôi, số hộ nuôi; chưa thể rà soát, phân định rõ ràng vị trí nuôi trong hay ngoài quy hoạch, vì vậy việc quản lý rất khó khăn; việc triển khai bộ quy chuẩn càng không hề dễ.

Công ty Taiheiyo Shinji Việt Nam sử dụng phao nhựa HDPE nhập khẩu từ Nhật trong nuôi cấy ngọc trai tại Vân Đồn.

Có thể thấy, đến thời điểm này, khi chính sách liên quan đến quy chuẩn vật liệu nổi trong NTTS của Quảng Ninh đã được phổ biến, khung pháp lý đã được đưa ra, các đơn vị sản xuất, cung cấp vật liệu nổi bền vững trong NTTS cũng đã sẵn sàng vào cuộc... thì vấn đề chính là ở chỗ đơn vị chức năng cần phải tháo gỡ những điểm khó để quy chuẩn này đi vào cuộc sống.

Theo giới chuyên môn, giải pháp phù hợp để hiện thực hóa quy chuẩn địa phương về vật liệu nổi trong NTTS thời điểm này đó chính là thực hiện một cách có lộ trình, có chọn lọc. Trước hết, áp dụng đối với các hộ NTTS phù hợp với quy hoạch, với các vùng trọng điểm NTTS của tỉnh, bên cạnh đó cũng cần sớm rà soát, xây dựng và đề xuất các giải pháp khả thi cho người nuôi thực hiện. Đơn vị chức năng cũng cần cập nhật bổ sung quy hoạch NTTS. Có như vậy, bộ quy chuẩn vật liệu nổi NTTS của Quảng Ninh mới nhanh chóng đi vào thực tiễn. Mục tiêu phát triển NTTS bền vững, giá trị cao, kết hợp hoạt động thủy sản và du lịch, bảo vệ môi trường biển mới đạt được như mong muốn.

Việt Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202103/ap-dung-quy-chuan-vat-lieu-noi-trong-ntts-phat-sinh-nhieu-diem-kho-2526668/