Áp dụng PGS, người tiêu dùng tin, giá trị sản xuất rau tăng 20%

Nông sản của nông dân Thủ đô được tiêu thụ qua hợp đồng vẫn còn rất khiêm tốn, phần lớn bà con phải phụ thuộc vào thương lái hoặc các chợ đầu mối. Thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết có sự giám sát của các bên.

Chỉ 10% được tiêu thụ qua hợp đồng

Nhiều năm nay, nhờ ngành chức năng, chính quyền địa phương đẩy mạnh tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nên trình độ canh tác của người dân Đặng Xá (huyện Gia Lâm) ngày càng nâng cao.

Ông Nguyễn Tuấn Khanh - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp xã Đặng Xá cho biết, diện tích rau của HTX đạt 130ha, trong đó có khoảng 10ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tổng sản lượng rau cung cấp cho thị trường khoảng 15.000 tấn/năm. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX chủ trương thành lập các nhóm sản xuất nhằm đẩy mạnh việc thanh tra, giám sát chéo giữa các thành viên với nhau.

“Mỗi tổ nhóm cũng lên kế hoạch sản xuất chi tiết, dựa trên cơ cấu rau và mùa vụ sao cho lượng rau cung cấp ra thị trường không quá nhiều ở cùng một thời điểm, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân” - ông Khanh nói.

Sản xuất rau an toàn ở Đặng Xá, Gia Lâm (Hà Nội). ảnh: Anh Thơ

Sản xuất rau an toàn ở Đặng Xá, Gia Lâm (Hà Nội). ảnh: Anh Thơ

Ông Nguyễn Văn Mạnh - Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đặng Xá, đồng thời quản lý liên nhóm sản xuất cho biết, cái được lớn nhất khi tham gia các nhóm sản xuất là bà con kiểm soát được sản lượng rau cung cấp ra thị trường, tránh dư thừa.

“Nhiều năm nay, trên địa bàn xã Đặng Xá không xảy ra vụ việc quá nghiêm trọng về an toàn thực phẩm, rau luôn được bán cao hơn giá thị trường nhờ uy tín chất lượng sản phẩm, giá trị thu nhập từ trồng rau đạt 450 - 500 triệu đồng/ha” - ông Mạnh cho biết.

Tuy nhiên, ông Khanh thừa nhận, hiện nay, chỉ có khoảng 10 - 15% sản lượng rau của người dân làm ra được tiêu thụ qua hợp đồng, còn lại chủ yếu do bà con tự tìm mối tiêu thụ tại các chợ đầu mối. Chính vì vậy, khi sản lượng rau tăng đột biến, áp lực tiêu thụ không hề nhỏ.

Đẩy mạnh liên kết theo chuỗi

Để giúp nông dân tiêu thụ nông sản bền vững, những năm qua, ngành nông nghiệp TP.Hà Nội đã chủ động xây

Hệ thống PGS dựa trên sự tham gia tích cực của các bên liên quan: Người tiêu dùng, công ty phân phối, cơ quan quản lý nhà nước và các đối tượng quan tâm khác. Quá trình này nhằm nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, niềm tin của người tiêu dùng đối với rau an toàn tại 20 xã, phường, thị trấn thuộc 16 quận, huyện, thị xã với tổng diện tích 1.432,7ha.

dựng và phát triển được 38 chuỗi có nguồn gốc thực vật bao gồm các chuỗi gạo, chè, rau an toàn, chuỗi trái cây (bưởi, chuối tiêu hồng, nhãn chín muộn…). Trong đó, triển khai 25 mô hình chuỗi rau an toàn thực phẩm áp dụng Hệ thống đảm bảo cùng tham gia (PGS: Participatory Guarantee system) là hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP.Hà Nội, nhờ áp dụng PGS, lòng tin của người tiêu dùng tăng lên gắn liền với truy xuất nguồn gốc sản phẩm đến hộ. Số doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm tăng từ 112 lên 208 doanh nghiệp, số lượng tiêu thụ qua hợp đồng từ 15 tấn/ngày tăng lên 42 tấn/ngày.

Giá bán ra ổn định và cao hơn so với ngoài thị trường 1.000 - 2.000 đồng/kg, tránh được hiện tượng “được mùa rớt giá. Giá trị sản xuất rau an toàn tại các vùng cao hơn 10 - 20%.

Tuy vậy, việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất trên địa bàn còn nhiều khó khăn do thiếu chính sách khuyến khích phát triển, đặc biệt trong khâu hỗ trợ tiêu thụ, bảo quản sản phẩm. Thành phố chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản về ứng dụng truy xuất nguồn gốc điện tử. Công tác dự báo thị trường còn chưa thực sự được quan tâm, giá cả các sản phẩm nông sản không ổn định.

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục mở rộng các chuỗi mô hình PGS, lựa chọn được doanh nghiệp làm đầu tàu cho các chuỗi, đồng thời tham mưu cho UBND, HĐND thành phố có cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ xây dựng chuỗi.

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu, định hướng tiêu dùng… để tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm của các chuỗi; phát triển việc hỗ trợ ứng dụng phần mềm hệ thống thông tin điện tử sử dụng công nghệ 4.0 truy xuất nguồn gốc đảm bảo an toàn thực phẩm tập trung tại các cơ sở sản xuất, hợp tác xã...

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cũng sẽ tăng cường các hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm để tạo môi trường cạnh tranh công bằng.

Anh Thơ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dia-chi-xanh/ap-dung-pgs-nguoi-tieu-dung-tin-gia-tri-san-xuat-rau-tang-20-964407.html