Áp dụng nhiều giải pháp tích cực để nâng cao hiệu quả thu ngân sách nhà nước

Những năm gần đây, ngành thuế đã tích cực coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra thuế, thể hiện qua số thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, thời gian qua, ngành thuế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng phương pháp phân tích rủi ro trong công tác này.

Những năm gần đây, ngành thuế đã tích cực coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra thuế, thể hiện qua số thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, thời gian qua, ngành thuế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng phương pháp phân tích rủi ro trong công tác này.

Cụ thể, năm 2016, tổng số tiền nộp NSNN qua công tác thanh tra, kiểm tra thuế là 17,28 nghìn tỷ đồng; năm 2017 là 19 nghìn tỷ đồng; năm 2018 là 19 nghìn tỷ đồng; năm 2019 là 18,87 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, tại Báo cáo Quyết toán NSNN năm 2018 đang được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, kết quả công tác thanh tra, kiểm tra thuế đã có những đóng góp đáng kể. Theo đó, thông qua gần 96 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra đã thực hiện trong năm, ngành thuế đã kiến nghị xử lý hơn 62 nghìn tỷ đồng, riêng số thuế truy thu NSNN đạt gần 19 nghìn tỷ đồng. Nỗ lực này đã góp phần đưa tổng thu NSNN cả năm 2018 đạt hơn 1,43 triệu tỷ đồng, tăng 8,5%, tương đương 112,46 nghìn tỷ đồng so dự toán được giao; trong đó, thu do cơ quan thuế quản lý đạt hơn 1,15 triệu tỷ đồng, vượt 8% dự toán (tương ứng vượt 85,97 nghìn tỷ đồng, trong đó, số thuế truy thu vào NSNN cũng ở mức gần 19 nghìn tỷ đồng; giảm lỗ gần 43 nghìn tỷ đồng).

Phân tích về kết quả này, ngành thuế cho biết, quá trình thực hiện nhiệm vụ đã áp dụng các quy trình quản lý khoa học, chặt chẽ. Theo đó, toàn ngành lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo phương pháp quản lý rủi ro để bảo đảm những đối tượng được đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra đều thuộc diện có rủi ro cao về thuế. Quá trình thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế vừa thực hiện những cuộc thanh tra toàn diện theo đối tượng để đánh giá việc chấp hành pháp luật về thuế, vừa tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên sâu theo từng ngành, từng lĩnh vực trọng điểm, tập trung kiểm tra, thanh tra các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu rủi ro cao về thuế và thu hồi kịp thời các khoản thu được phát hiện qua công tác kiểm tra, thanh tra. Đặc biệt, với một số lĩnh vực mà các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp như hoàn thuế giá trị gia tăng, các doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết, DN có dấu hiệu vi phạm về hóa đơn..., ngành thuế đã nghiên cứu sau để tìm ra các giải pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các hành vi vi phạm, gây thất thoát tiền NSNN.

Trong công tác phối hợp, ngành thuế đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc chỉ đạo điều hành quản lý thu NSNN; duy trì thường xuyên, liên tục hoạt động của hệ thống Ban chỉ đạo chống thất thu và đôn đốc, thu hồi nợ thuế các cấp, tạo sức mạnh chính trị tổng hợp trong công tác quản lý thu NSNN. Ngành thuế cũng chủ động phối hợp các cấp, các ngành, đơn vị liên quan trên địa bàn quản lý chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát kê khai thuế; đôn đốc thu hồi nợ đọng, cưỡng chế nợ thuế và khai thác tăng thu NSNN; nhất là đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các chính sách, thủ tục quản lý thuế mới đến người nộp thuế, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN.

Với những giải pháp đồng bộ, vì mục tiêu cao nhất là thiết lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng về thuế cho các DN, cho nên hơn cả kết quả xử lý truy thu về NSNN, công tác thanh tra, kiểm tra thuế đã phát hiện, kiến nghị các giải pháp quản lý thuế đối với một bộ phận DN có sự hiểu biết về pháp luật hạn chế dẫn đến tình trạng khai sai, khai thiếu số thuế phải nộp. Đặc biệt là với một số đối tượng chạy theo lợi nhuận, tư tưởng tối đa hóa lợi ích cá nhân, đã cố tình có hành vi vi phạm pháp luật, trốn lậu, chiếm đoạt tiền thuế. Từ đây, một số hành vi vi phạm pháp luật đã được ngành thuế phát hiện, tổng hợp để xử lý và kiến nghị hoàn thiện công tác quản lý thuế - tài chính nói riêng và công tác quản lý nhà nước nói chung, như: vi phạm các thủ tục thuế; chậm nộp tiền thuế; khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn (điển hình là các hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng, chuyển giá); hành vi cố tình trốn thuế, gian lận thuế... Quan trọng hơn là trên cơ sở các giải pháp đã phát huy hiệu quả và những yêu cầu quản lý thực tế đặt ra, ngành thuế đã có kế hoạch để tiếp tục đổi mới, hoàn thiện các quy trình, phương pháp thanh tra, kiểm tra, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ thu NSNN và thiết lập môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng.

THANH MAI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/44712502-ap-dung-nhieu-giai-phap-tich-cuc-de-nang-cao-hieu-qua-thu-ngan-sach-nha-nuoc.html