Áp dụng mô hình bác sĩ gia đình cho tuyến nào?

Tại hội thảo xây dựng Thông tư hướng dẫn thí điểm về bác sĩ gia đình (BSGĐ) và cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) y học gia đình do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội sáng 8-11, nhiều đại biểu đã bày tỏ băn khoăn về việc nếu coi BSGĐ là tuyến KCB đầu tiên, nơi theo dõi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, thì có nên đưa mô hình này vào bệnh viện tuyến 2 - bệnh viện của trường đại học?

Đây là lần thứ 31 Bộ Y tế lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 16 Hướng dẫn thí điểm về BSGĐ và phòng khám BSGĐ sau ba năm ban hành, đồng thời, đã triển khai thí điểm tại tám tỉnh/thành. Việc lấy ý kiến là nhằm khắc phục những hạn chế và bổ sung cơ chế thuận lợi hơn cho phát triển mô hình BSGĐ.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, thế giới đánh giá 80% hoạt động trạm y tế tại Việt Nam đã là hoạt động của mô hình BSGĐ, do đó Việt Nam có rất nhiều thuận lợi trong triển khai mô hình này. “70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn dân là nằm ở tuyến dưới và y tế cơ sở hoàn toàn làm tốt điều này.

Tuy nhiên, phần quản lý bệnh mãn tính chưa chú trọng, phần y tế dự phòng cũng chưa thật sự được người dân quan tâm, nên khi mắc bệnh, người dân lại dồn lên tuyến trên, gây ra tình trạng quá tải. Do đó, triển khai mạnh mô hình BSGĐ, sẽ giúp cả hai công việc, khám, chữa bệnh và triển khai công tác dự phòng tại y tế cơ sở.”-Thứ trưởng nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến đóng góp cho mô hình BSGĐ

BSGĐ là bác sĩ đa khoa được đào tạo về y học gia đình, là người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu toàn diện, liên tục cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng. Sau ba năm triển khai thí điểm mô hình BSGĐ, Sóc Sơn (Hà Nội) đã làm tốt việc quản lý các bệnh mãn tính như huyết áp, tiểu đường, tim mạch và phát triển thêm mảng châm cứu, lão khoa tại cơ sở. Đến nay, 26 trạm y tế xã đã có doanh thu tăng từ 15 tỷ đồng lên 90 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mô hình BSGĐ được triển khai tại cơ sở y tế nào vẫn là vấn đề được nhiều đại biểu thảo luận. Dự thảo Thông tư xây dựng mô hình này ở cả tuyến 2, 3 và 4 - khác với mô hình BSGĐ ở các nước chỉ tập trung làm ở tuyến cơ sở gần dân nhất là tuyến 4 và mỗi BSGĐ, phòng khám BSGĐ chỉ quản lý sức khỏe một bộ phận dân cư nhất định.

Do đó, Th.S Trần Thị Trang- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, nếu áp dụng mô hình phòng khám BSGĐ tại bệnh viện huyện (tuyến 3) và các bệnh viện của trường đại học (tuyến 2) thì sẽ có khó phát triển BSGĐ tại trạm y tế xã, vì người dân vẫn lên KCB tại tuyến 2, 3 do danh mục kỹ thuật, thuốc và phạm vi được hưởng nếu có BHYT sẽ cao hơn. Vì thế, nên đầu tư mô hình BSGĐ cho tuyến xã.

Mô hình BSGĐ giúp người dân được chăm sóc sức khỏe sớm hơn

Đại diện Vụ Pháp chế cũng cho rằng nên nhất quán quan điểm về cấp văn bằng, chứng chỉ. Theo đó, cần cấp chứng chỉ hành nghề riêng với phạm vi là BSGĐ. Cần phải có quy định cụ thể về phạm vi được chỉ định kỹ thuật, kết luận chẩn đoán, kê đơn của BSGĐ theo phạm vi đa khoa để thuận tiện cho thanh toán BHYT. Bên cạnh đó, nếu chỉ quy định chứng chỉ trong tuyến 4 với trạm y tế xã và phòng khám BSGĐ thì không phát triển được kỹ thuật. Do đó, nên quy định theo hướng cơ sở được thực hiện kỹ thuật tuyến trên nhưng phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn trong giấy phép.

BSCK II Khúc Minh Cảnh -Phó Trưởng bộ môn Y học gia đình (Đại học Y Dược Cần thơ) nêu quan điểm: Nếu để mô hình tại tại bệnh viện của các trường đại học sẽ không hợp lý. Bộ Y tế nên tận dụng lực lượng có sẵn để đào tạo BSGĐ khi mà bác sĩ y học cổ truyền lại có nhiều phạm vi hoạt động chuyên môn là của BSGĐ.

GS Lê Ngọc Trọng – Chủ tịch Hội BSGĐ Việt Nam cho biết, cần liên tục mở các lớp đào tạo liên tục BSGĐ vì lực lượng này đang rất thiếu. Do đó, sẽ lấy nguồn nhân lực chính là bác sĩ đa khoa, sau đó sẽ mở rộng dần đối tượng đào tạo. Theo GS Trọng, vướng mắc nhất hiện nay để triển khai mô hình này chính là cơ chế thanh toán tài chính của phòng khám BSGĐ. BHYT Việt Nam chưa mặn mà kết hợp để hướng về cộng đồng chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết, về mô hình tổ chức, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết Mỹ cũng đang triển khai mô hình BSGĐ ở tuyến trên. Khi các bác sĩ ở tuyến dưới không đủ năng lực xử lý, sẽ có sẵn mô hình BSGĐ ở tuyến trên đón nhận để người bệnh yên tâm.

Thứ trưởng đề xuất, về hình thức đào tạo có thể sẽ triển khai đào tạo nhiều đợt, phù hợp cho điều kiện từng trạm y tế xã vì mỗi trạm y tế chỉ có một bác sĩ không thể đi học dài ngày được. Sau khi đào tạo, lúc đó sẽ cấp chứng chỉ cho bác sĩ về BSGĐ.

Qua 31 lần lấy ý kiến để xây dựng Thông tư, ngành y tế hy vọng sẽ sớm triển khai mô hình BSGĐ cho 11.000 trạm y tế, để tiết kiệm cả về kinh phí, thời gian đi lại cho người dân khi không phải lên tuyến trên để điều trị.

Thanh Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/ap-dung-mo-hinh-bac-si-gia-dinh-cho-tuyen-nao-465645/