Áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền để kiểm soát các giao dịch mua, bán vàng

Chiều 18/6, Bộ Tài chính tổ chức họp báo thường kỳ Quý II/2024 để cung cấp thông tin về tình hình thực hiện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước nửa đầu năm và định hướng triển khai cuối năm 2024. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì họp báo.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì họp báo. Ảnh: N.N

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì họp báo. Ảnh: N.N

Hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân

Theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2024, dù tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới có nhiều biến động khó lường. Tuy vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã vượt khó, chủ động, linh hoạt, kịp thời trong điều hành chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thu ngân sách Nhà nước đạt khá so với dự toán và tăng trưởng so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước đến ngày 15/6/2024 đạt khoảng 946,1 nghìn tỷ đồng, bằng 55,6% dự toán, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Chi ngân sách Nhà nước ước đạt 719,7 nghìn tỷ đồng, bằng 34% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 23,4% dự toán, chi trả nợ lãi ước đạt 46,9% dự toán, chi thường xuyên ước đạt 40,4% dự toán. Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ trình cấp thẩm quyền ban hành các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, người dân có quy mô khoảng 68 nghìn tỷ đồng.

Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kéo dài thời gian thực hiện giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024. Để hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành thông tư theo trình tự thủ tục rút gọn, dự kiến sẽ giảm 36 loại phí, lệ phí.

Công tác quản lý nợ công được kiểm soát chặt chẽ. Các chỉ tiêu nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách nhà nước, nợ chính quyền địa phương, đảm bảo các chỉ tiêu trong giới hạn an toàn nợ. Cùng với đó, Bộ Tài chính đã kịp thời tham mưu đề xuất và tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp về quản lý, điều hành giá, nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

"Nóng" câu hỏi về thị trường vàng

Tại cuộc họp báo, đại diện các cơ quan liên quan đã trả lời câu hỏi của phóng viên xoay quanh việc quản lý thị trường vàng, cũng như các đề xuất "đánh thuế" mặt hàng này. Về câu hỏi, nhiều chuyên gia đề xuất để bình ổn thị trường thì cần quản chặt về thuế, thêm vào đó là “đánh thuế” giao dịch vàng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, đề xuất đánh thuế với giao dịch vàng để giảm bớt nhu cầu của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt mục đích đầu cơ, thao túng giá, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, nghiên cứu và đánh giá tác động với đề xuất này.

Khi đưa thêm sắc thuế mới, Bộ Tài chính phải có đánh giá toàn diện về tác động, tính khả thi, chứ không chỉ tác động trực tiếp của giao dịch vàng. Bộ Tài chính sẽ tiếp thu đề xuất, nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

Liên quan đến thị trường vàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho hay, như nhiều ngành nghề khác, hoạt động kinh doanh vàng luôn chịu sự quản lý của cơ quan Nhà nước, trong đó có cơ quan thuế. Ngành Thuế thời gian qua đã đẩy mạnh quản lý trong lĩnh vực này.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát việc xuất hóa đơn trong thực hiện các giao dịch mua, bán vàng, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền để kiểm soát các giao dịch mua, bán vàng. Bên cạnh tăng cường quản lý về thuế, Bộ Tài chính đề xuất thanh toán không dùng tiền mặt đối với hoạt động mua bán vàng.

"Hiện nay, người dân mang nhiều tiền mặt đến các cửa hàng đều có thể mua được vàng, tới đây chúng tôi kiến nghị hoạt động mua bán vàng không dùng tiền mặt, cần thanh toán qua tài khoản. Vừa qua, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các chi cục thuế trên địa bàn cả nước giám sát chặt các cửa hàng kinh doanh vàng để tránh các vi phạm" - lời ông Đặng Ngọc Minh.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh trả lời tại họp báo.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh trả lời tại họp báo.

- PV Báo Kinh tế & Đô thị: Xin Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, chia sẻ về kết quả thanh tra, kiểm tra việc giao dịch, kinh doanh vàng?

- Ông Đặng Ngọc Minh: Vừa qua, cơ quan thuế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức thanh tra thị trường vàng. Hiện nay, cả nước có 38 doanh nghiệp, tổ chức được cấp phép kinh doanh vàng SJC.

Cơ quan thuế đã cử cán bộ tham gia thanh tra, khai thác số liệu nộp thuế, áp dụng hóa đơn điện tử của 16 đơn vị kinh doanh vàng SJC. Cả nước có 12.500 doanh nghiệp, cá nhân và hơn 5.500 hộ cá nhân mua bán, chế tác, gia công vàng bạc, đá quý và vẫn đang trong quá trình tiếp tục kiểm tra.

Nhật Nam

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ap-dung-hoa-don-dien-tu-tu-may-tinh-tien-de-kiem-soat-cac-giao-dich-mua-ban-vang-384842.html