Áp dụng giao dịch điện tử trong bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh

Luật hóa việc cấp thị thực điện tử và áp dụng giao dịch điện tử trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là thông tin đáng chú ý trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, vừa được trình UBTVQH cho ý kiến.

Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi 18 Điều, bổ sung 3 Điều, nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, bổ sung các quy định để giải quyết những vướng mắc phát sinh trong thực tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài vào Việt Nam.

Dự thảo quy định luật hóa việc cấp thị thực điện tử và áp dụng giao dịch điện tử trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, bổ sung các quy định về: Khái niệm, giá trị sử dụng, ký hiệu, thời hạn, đối tượng cấp thị thực điện tử; trình tự, thủ tục cấp thị thực điện tử; cấp thị thực qua giao dịch điện tử; điều kiện, thẩm quyền quyết định danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử, các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử.

Theo báo cáo thẩm tra, có ý kiến còn băn khoăn về hiệu quả của việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; ý kiến khác cho rằng, các đối tượng xấu sẽ lợi dụng chủ trương này để nhập cảnh Việt Nam tiến hành các hoạt động xâm phạm, đe dọa xâm phạm an ninh quốc gia, gây mất trật tự, toàn xã hội.

 Việc sửa đổi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong công tác này . Ảnh tư liệu

Việc sửa đổi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong công tác này . Ảnh tư liệu

Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh thấy rằng, cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là chính sách mới, thể hiện quyết tâm cải cách hành chính triệt để của Chính phủ, phù hợp chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Qua tổng kết việc thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đã khẳng định là cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước, phục vụ công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện.

Việc Việt Nam áp dụng thí điểm cấp thị thực điện tử đã được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao, tạo hiệu ứng tích cực vì thủ tục thông thoáng, thuận lợi, công khai, minh bạch, giúp người nước ngoài có nhiều lựa chọn khi có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự được đảm bảo, qua công tác xét duyệt nhân sự cấp thị thực điện tử, đã phát hiện, từ chối 5 trường hợp thuộc diện chưa cho nhập cảnh Việt Nam, 13 trường hợp khai sai sự thật khi đề nghị cấp thị thực điện tử.

Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, chưa phát hiện trường hợp nào nhập cảnh bằng thị thực điện tử có hoạt động phức tạp về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Do đó, việc luật hóa cấp thị thực điện tử là cần thiết, hiệu quả đã được kiểm nghiệm qua thực tế, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, phù hợp với xu thế chung của thời đại.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh tán thành với quy trình tự, thủ tục cấp thị thực điện tử và giao Chính phủ quyết định danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử, danh sách các cửa khẩu cho phép người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử nhập cảnh, xuất cảnh.

Dự luật bổ sung quy định miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển và giao Chính phủ quyết định khu kinh tế ven biển được miễn thị thực nếu đáp ứng đủ các điều kiện: Có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, được cách biệt với lãnh thổ bên ngoài; có sân bay quốc tế; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh cho rằng, nước ta có rất nhiều khu kinh tế ven biển trong đất liền, có diện tích rộng, trải dài theo chiều dọc của đất nước, cách xa sân bay và nhiều nơi có vị trí địa chính trị, địa quốc phòng an ninh, nếu tất cả đều miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh sẽ tiềm ẩn các nguy cơ về quốc phòng, an ninh, khó khăn trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự và quản lý hoạt động người nước ngoài.

Còn đối với các khu kinh tế cửa khẩu, do có vị trí giáp biên giới, gần cửa khẩu nên sẽ thuận lợi hơn trong việc quản lý người nước ngoài nhập cảnh vào khu vực này. Vì vậy, việc bổ sung quy định miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào các khu kinh tế ven biển kèm theo các điều kiện chặt chẽ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể. Do đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh tán thành với dự thảo Luật về việc bổ sung trường hợp được miễn thị thực có điều kiện đối với các khu kinh tế ven biển và giao Chính phủ quyết định.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Quốc hội, UBTVQH xem xét bổ sung dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2019) theo quy trình một kỳ họp.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ap-dung-giao-dich-dien-tu-trong-bao-lanh-nguoi-nuoc-ngoai-nhap-canh-163536.html