Áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất: Nền tảng giúp doanh nghiệp phát triển bền vững

Cách mạng công nghiệp 4.0 buộc doanh nghiệp phải thay đổi mô hình kinh doanh, tổ chức, quản trị và văn hóa kinh doanh; giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa trong các khâu sản xuất là lựa chọn của các doanh nghiệp trong việc tiếp cận cách mạng 4.0. Trong đó, tự động hóa là xu thế tất yếu trong sản xuất, nền tảng công nghệ 4.0 đã và đang mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp có thể kết nối, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Điển hình, như tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đức Quân, ngay từ khi CMCN 4.0 nổi lên với công nghệ tự động hóa, ứng dụng Big Data trong quản lý sản xuất, điều hành doanh nghiệp, Công ty đã nhanh tay tự động hóa sản xuất và đồng bộ hóa các thiết bị. Nhờ đó, công suất 3 nhà máy sản xuất sợi của doanh nghiệp đã tăng gấp 2 lần, đạt sản lượng 17.000 tấn/năm.

 Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Viên Châu tự động hóa khâu bốc xếp gạch, nâng cao năng suất lao động

Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Viên Châu tự động hóa khâu bốc xếp gạch, nâng cao năng suất lao động

Còn theo Tổng Giám đốc Vinatex - Lê Tiến Trường cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra những cơ hội mới cho ngành dệt may Việt Nam. Nếu như từ trước đến nay, các quốc gia đang phát triển, các quốc gia có đông lực lượng lao động đều coi các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, thủy sản,… là những ngành để tạo việc làm nhưng cũng luôn luôn cho rằng đây là những ngành tạo ra giá trị thấp, thu nhập thấp. Nhưng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu được áp dụng một cách sâu rộng, nhanh chóng thì năng suất lao động trên đầu người sẽ có sự cải thiện rất nhanh. Việc này khác với việc tăng năng suất thông thường qua sự chuyển đổi đời máy, nâng tốc độ như đã diễn ra trong suốt hơn 2 thập niên qua.

Tại Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đã đầu tư dây chuyền tự động hóa một số khâu trong quá trình sản xuất. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, trong 2 - 3 năm trở lại đây, đơn vị đã đầu tư hệ thống cân đóng bao; thiết bị điều khiển ép; máy ly tâm tự động; hệ thống điều khiển lò hơi; hệ thống điện tại nhà máy điện sinh khối… Việc tự động hóa đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Theo báo cáo của đơn vị, trong tổng số 48.416 tấn đường kính trắng niên vụ 2017 - 2018, đường chất lượng cao đạt 21.144 tấn; đường loại 1 đạt 25.602 tấn… Bên cạnh việc đầu tư cho dây chuyền sản xuất, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cũng đang tập trung nghiên cứu xây dựng quy trình cơ giới hóa đồng bộ phù hợp với từng địa bàn để giảm nhanh lao động thủ công; xây dựng các mô hình tưới tiên tiến, tưới chủ động tại các vùng trọng điểm ở Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên và Chiêm Hóa…

Hay tại Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Viên Châu - một trong những doanh nghiệp sản xuất gạch lớn và lâu năm của tỉnh, vốn có truyền thống về sử dụng lao động thủ công cũng đã bắt nhịp với tự động hóa trong một số khâu sản xuất. Bà Phạm Thị An, Phó Giám đốc Công ty cho biết, để giảm bớt số lượng lao động làm việc, nâng cao năng suất lao động, Công ty đã đầu tư máy nâng, đầu kéo palet hỗ trợ tạo hình, vận chuyển gạch mộc, bốc xếp sản phẩm… Từ khi đầu tư máy nâng xếp tự động, năng suất lao động tăng lên trên 30%, số lượng lao động trong khâu này giảm hơn 20 người. Tuy nhiên, theo bà An, việc tiếp cận các công nghệ hiện đại tại đơn vị hiện vẫn còn hạn chế do tiềm lực kinh tế của doanh nghiệp chưa đủ mạnh.

Hòa Lê

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/ap-dung-cong-nghe-40-vao-san-xuat-nen-tang-giup-doanh-nghiep-phat-trien-ben-vung-d167107.html