Áp dụng công cụ cải tiến năng suất doanh nghiệp ngành công nghiệp gặt hái được thành công

Nhờ áp dụng những công cụ nâng cao năng suất mà nhiều doanh nghiệp ngành công nghiệp đã gặt hái được những quả ngọt. Chất lượng sản phẩm được nâng tầm và sẵn sàng hội nhập với quốc tế.

Khi tiếp cận các công cụ nâng cao năng suất, doanh nghiệp được đào tạo các hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế (ISO 9.000, ISO 14.000) và hệ thống công cụ cải tiến cơ bản như 5S, Lean hoặc Lean 6 Sixma…

Trong lĩnh vực cơ khí thời gian qua có thể kể đến những mô hình điểm đã thành công khi áp dụng các công cụ nâng cao năng suất như Công ty TNHH cơ khí chính xác Seikico tham gia chương trình hỗ trợ triển khai áp dụng công cụ duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể (TPM) công ty đã khởi động các nhóm cải tiến trọng điểm nhằm giảm chi phí công cụ và nâng cao năng suất sản xuất đối với sản phẩm mỏ kẹp – một trong những sản phẩm truyền thống của công ty.

 Áp dụng công cụ cải tiến năng suất doanh nghiệp ngành công nghiệp gặt hái được thành công.

Áp dụng công cụ cải tiến năng suất doanh nghiệp ngành công nghiệp gặt hái được thành công.

Trong lĩnh vực dệt may, để nâng cao năng suất chất lượng, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn quản lý như: hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2000, hệ thống quản lý môi trường ISO 14000, hệ thống trách nhiệm xã hội SA 8000, hệ thống quản lý phòng thí nghiệm ISO/IEC 17025… Bên cạnh đó, một số DN đã tích hợp thành công cả 3 hệ thống: ISO 9001-2000, ISO 14000, SA 8000 như: Công ty May Đức Giang, May Hưng Yên...

Với ngành nhựa, có thể kể đến Công ty cổ phần nhựa Thái Bình Dương đã lựa chọn áp dụng ISO 9001 và mô hình 5S để nâng cao năng suất chất lượng. Qua hơn một năm áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến, lãnh đạo Công ty nhận thấy, DN mình đã thay đổi rất nhiều. Từ chỗ nhà xưởng, nơi sản xuất còn chưa được gọn gàng, đẹp mắt thì đến nay, việc sắp xếp các khu làm việc đã được sạch, đẹp hơn; Khách hàng cũng đánh giá cao DN, dù non trẻ nhưng rất chuyên nghiệp.

Hay một điển hình khác là tại Công ty Cổ phần Cơ khí Phổ Yên (FOMECO) chuyên cung cấp các loại vòng bi, phụ tùng xe máy - ô tô, con lăn băng tải… cho nhiều khách hàng lớn tại Việt Nam và các nước trên thế giới.

Từ khi áp dụng các công cụ nâng cao năng suất chất lượng, doanh số bán hàng của Công ty có mức tăng trưởng bình quân đạt 14%/năm. Có được kết quả này là nhờ Công ty liên tục đẩy mạnh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm đảm bảo tiến độ giao hàng và giảm giá thành, từ đó nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Công ty đã thành lập 4.050 nhóm cải tiến và áp dụng đồng thời các công cụ cải tiến và tiêu chuẩn quốc tế như 5S, Kaizen, TPM, ISO 9001, ISO 140001, ISO 50001…

Không chỉ vậy, Công ty đã chú trọng công tác tổ chức, huấn luyện, đào tạo về áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng. Cụ thể, trong 3 năm trở lại đây, Công ty đã tổ chức đào tạo báo cáo phân tích cho 33 học viên; đào tạo quy trình quản lý chất lượng dây chuyền cho 486 học viên; đào tạo duy trì năng suất toàn diện TPM cho 73 học viên; phổ biến tuyên truyền mô hình Kaizen, 5S đến 855 học viên…

Đặc biệt gia đoạn đầu khi triển khai áp dụng, FOMECO đã bắt tay triển khai thực hiện Nhóm cải tiến Nâng cao năng suất, chất lượng nhóm sản phẩm bi phốt. Theo Nhóm cải tiến, trước đây tại mỗi máy sản xuất là một công nhân đứng máy, cấp phôi thủ công bằng tay, chất lượng sản phẩm phụ thuộc vào thao tác của người thợ, mức độ an toàn lao động trong công việc thấp, rất thấp.

Năng suất chất lượng chính là chìa khóa để các doanh nghiệp hội nhập.

Do vậy, để cải thiện, khắc phục những nhược điểm trên, Nhóm đã nghiên cứu, cải tiến, nâng cao năng suất chất lượng nhóm sản phẩm bi phốt. Nhóm được thực hiện với 3 mục tiêu chính: Giảm nhân lực trên các dây chuyền; Giảm chi phí phát sinh khi thêm giờ làm; Giảm lỗi phát sinh chất lượng; thỏa mãn yêu cầu giảm chi phí từ khách hàng và cải thiện điều kiện làm việc.

Sau thời gian triển khai Nhóm cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng nhóm sản phẩm bi phốt, Công ty Cổ phần Cơ khí Phổ Yên đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực

Cụ thể, số nhân công trên dây chuyền giảm từ 16 người xuống còn 10 người (giảm 6 người tương ứng 37,5%). Số nhân viên dư ra được điều động sang bộ phận sản xuất hàng xuất khẩu phụ trách gia công hàng kết cấu, xây dựng vốn có số đơn hàng cao; Chi phí tiền lương giảm từ 2,304 tỷ/năm xuống còn 1,440 tỷ/năm (giảm 864 triệu tương ứng 37,5%).

Ngoài ra, kể từ khi triển khai Nhóm cải tiến, lỗi sản phẩm trong các công đoạn sản xuất giảm mạnh từ 3.212 sản phẩm/năm xuống chỉ còn 84 sản phẩm/năm (giảm 97,3%); số giờ làm thêm cũng giảm 100%, từ 2.688 giờ/năm xuống mức không phát sinh. Số giờ làm thêm giảm kéo theo thời gian gia công sản phẩm cũng giảm từ 38,5 giây/sản phẩm xuống còn (830 – 850 sản phẩm)/ca 08 tiếng.

Việc áp dụng triển khai Nhóm cải tiến nâng cao năng suất chất lượng nhóm sản phẩm bi phốt còn giúp đảm bảo an toàn lao động trong quá trình vận hành, sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao hình ảnh, thương hiệu của Công ty.

Nam Dương

Nguồn VietQ: https://vietq.vn/ap-dung-cong-cu-cai-tien-nang-suat-doanh-nghiep-nganh-cong-nghiep-gat-hai-duoc-thanh-cong-d202001.html