Áp dụng cơ chế thưởng, phạt tiến độ tại dự án đường cao tốc Bắc - Nam

Việc có được mặt bằng sạch trước khi khởi công sẽ giúp Bộ GTVT triển khai cơ chế thưởng, phạt tiến độ tại các gói thầu xây lắp cao tốc Bắc - Nam sử dụng vốn đầu tư công.

Việc kiểm soát chất lượng, tiến độ các gói thầu tại Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông luôn được lãnh đạo Bộ GTVT đặc biệt quan tâm. (Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và lãnh đạo Bộ GTVT kiểm tra tiến độ Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn).

Đây là thông tin được ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT đưa ra tại cuộc họp báo về công tác triển khai Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 được tổ chức tại Hà Nội vào sáng nay.

Theo thông tin của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ này về việc khởi công xây dựng 3 dự án thành phần gồm đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45; Vĩnh Hảo – Phan Thiết; Phan Thiết – Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 -2020 vào ngày 30/9.

Đây là các dự án được Quốc hội cho phép chuyển đổi đầu tư từ phương thức PPP sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn NSNN.

Theo kế hoạch, Dự án Mai Sơn - QL45 sẽ được tổ chức khởi công tại Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa; Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết sẽ được tổ chức khởi công tại địa bàn Xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận; Dự án Phan Thiết - Dầu Giây sẽ được tổ chức tại Xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Ông Đông cho biết, ngay sau khi Quốc hội, Chính phủ có Nghị quyết chuyển đổi hình thức đầu tư 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT đã kịp thời thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thiết kế kỹ thuật, dự toán, hồ sơ mời thầu các gói thầu thuộc dự án đảm bảo tuân thủ trình tự và quy định pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng, pháp luật về đấu thầu.

“Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA 7, ngay sau khi mở thầu, tập trung đánh giá Hồ sơ dự thầu để lựa chọn được Nhà thầu đáp ứng được yêu cầu theo đúng quy định của pháp luật và của hồ sơ mời thầu. Đến thời điểm hiện nay, cả 3 dự án đã đủ điều kiện để khởi công xây dựng theo đúng quy định của pháp luật’, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Trước đó, để đảm bảo tiến độ, ngay thời điểm Chính phủ đề xuất Quốc hội chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư đối với 3 dự án (tháng 5/2020), Bộ GTVT đã chủ động lên kế hoạch, huy động đội ngũ cán bộ chủ chốt, có kinh nghiệm của các cơ quan đơn vị tham mưu, các Ban QLDA tập trung thời gian kể cả ngày nghỉ và ngoài giờ, khẩn trương tiến hành rà soát, chuẩn bị điều chỉnh các hồ sơ, thủ tục liên quan; hoạt động này được thực hiện song song, đồng thời với công tác chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với 3 dự án đó theo hình thức PPP đã được xác định tại NQ52/2017/QH14.

Được biết, 3 dự án chuyển đổi sang đầu tư công là các đoạn: Mai Sơn - Quốc lộ 45; Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây gồm 13 gói thầu xây lắp. Từ ngày 6/8/2020 đến ngày 14/9/2020, Bộ GTVT đã phát hành 360 bộ HSMT xây lắp cho 13 gói thầu cho 157 nhà thầu; tổng số có 88 nhà thầu xây lắp tham gia nộp hồ sơ dự thầu.

Đến ngày 30/9/2020, Bộ GTVT sẽ hoàn tất đủ thủ tục, điều kiện để khởi công 3 dự án với việc mỗi dự án có một gói thầu xây lắp có nhà thầu thi công. Đối với các gói thầu xây lắp còn lại, Bộ GTVT sẽ phấn đấu lựa chọn xong nhà thầu để có thể triển khai thi công đồng loạt trên toàn tuyến vào cuối tháng 10/2020.

Một điểm rất thuận lợi tại 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam được phép chuyển đổi hình thức đầu tư là công tác GPMB đang được các địa phương thực hiện rất tốt. Tính đến ngày 20/9, Dự án Mai Sơn – Quốc lộ 45 đạt 90,2%, Vĩnh Hảo – Phan Thiết đạt 97,5%, Phan Thiết – Dầu Giây đạt 89% và Bộ GTVT đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương để sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng, đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1244/CĐ – TTg ngày 15/9/2020.

“Việc bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà thầu tiếp cận công trường ngay khi khởi công là một đột phá rất lớn, giúp Bộ GTVT triển khai cơ chế thưởng, phạt tiến độ hợp đồng. Trong trường hợp bị chậm tiến độ do lỗi chủ quan, nhà thầu có thể bị phạt tới 12% giá trị hợp đồng”, ông Nguyễn Duy Lâm, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng công trình giao thông khẳng định.

Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng công trình giao thông cho biết là Bộ GTVT đặc biệt quan tâm tới việc kiểm soát tiến độ, chất lượng công trình ngay từ bước lựa chọn nhà thầu.

Để có thể lựa chọn được các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm thi công các dự án trọng điểm quốc gia, có yêu cầu khắt khe về chất lượng, tiến độ, Bộ GTVT đã phê duyệt hồ sơ mời thầu với các yêu cầu tối thiểu mà các nhà thầu phải đáp ứng. Các tiêu chí này được xây dựng dựa trên Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, Nghị định số 100/2018/NĐ-CP, Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT và các quy định có liên quan cũng như từ thực hiện tại các Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2.

Theo đó, để được đánh giá là đạt điểm kỹ thuật, các nhà thầu/liên danh nhà thầu phải đáp ứng yêu cầu về thời gian hoạt động xây dựng công trình giao thông lớn hơn hoặc bằng 5 năm; phải đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự được đánh giá trong vòng 5 năm gần đây, trong đó nhà thầu độc lập hoặc thành viên liên danh phải đáp ứng kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự có giá trị do nhà thầu đảm nhận lớn hơn hoặc bằng 70% phần công việc thực hiện tại gói thầu đang xét. Đối với nhà thầu liên danh, việc đánh giá tính đáp ứng về kinh nghiệm căn cứ vào phạm vi công việc, tỷ lệ tham gia của từng thành viên trong liên danh…

Về nguồn lực tài chính, các nhà thầu được yêu cầu phải có xác nhận của tổ chức tín dụng xác nhận có số dư tiền gửi với hạn mức tối thiểu (được xác định theo quy mô gói thầu) và cam kết phong tỏa số tiền này để thực hiện gói thầu đang xét (không xác nhận chung cho gói thầu khác).

Về số lượng thành viên liên danh, hồ sơ mời thầu quy định không quá 3 thành viên trong 1 gói thầu, nhà thầu đứng đầu liên danh phải đảm nhận công việc nhiều nhất và từng thành viên phải đảm nhận lớn hơn hoặc bằng 25% giá trị gói thầu. Các nhà thầu chính được quyền thuê nhà thầu phụ nhưng tỷ lệ giao thầu phụ không quá 30% giá trị hợp đồng và nhà thầu chính phải thực hiện các công việc quan trọng chính yếu của gói thầu (tùy theo tính chất gói thầu để quy định cụ thể trong hồ sơ mời thầu.

“Chắc chắn sẽ không có chuyện đưa nhà thầu kém năng lực; bán chuyển nhượng trái phép các khối lượng hợp đồng tại dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông”, ông Lâm khẳng định và thông tin Bộ GTVT đã chủ động phối hợp, cung cấp thông tin cho Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước để cùng tham gia giám sát các dự án ngay từ bước khởi đầu nhằm đưa tuyến cao tốc Bắc – Nam trở thành các dự án kiểu mẫu về chất lượng, tiến độ.

Việc triển khai đúng tiến độ Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, đặc biệt là việc khởi công đúng kế hoạch 03 dự án thành phần được phép chuyển đổi đầu tư từ phương thức PPP sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn NSNN, ngoài việc thực hiện đúng các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông còn là quyết tâm cao độ của Bộ GTVT để thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ap-dung-co-che-thuong-phat-tien-do-tai-du-an-duong-cao-toc-bac---nam-d130248.html