Áp dụng chính sách thuế nhằm hạn chế các sản phẩm gây nguy hại môi trường

Ngày 11/3, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức lễ công bố kết quả nghiên cứu sử dụng công cụ chính sách thuế nhằm điều tiết nền kinh tế, hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam.

Tại hội thảo, TS Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội, CIEM cho biết, các hoạt động kinh tế thường gây ra các ảnh hưởng ngoại ứng (tích cực- tiêu cực), theo đó cần có sự can thiệp của Nhà nước nhằm thúc đẩy ngoại ứng tích cực, hạn chế ngoại ứng tiêu cực.

“Chính sách thuế, phí là công cụ điều tiết vĩ mô của Chính phủ, có thể được sử dụng nhằm tác động tới hành vi sản xuất, tiêu dùng của các chủ thể trong nền kinh tế thông qua việc ưu đãi đối với các hoạt động kinh tế thân thiện với môi trường, đồng thời đánh thuế đối với hoạt động kinh tế làm tổn hại đến môi trường” – TS Hải nhấn mạnh.

Chia sẻ về kinh nghiệm của một số nước về sử dụng công cụ chính sách thuế thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, TS Hải cho biết, cách tiếp cận để thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở các quốc gia có thể khác nhau, nhưng đều hướng tới sản xuất và tiêu dùng xanh, giảm thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu; áp dụng các công cụ kinh tế nhằm buộc các nhà sản xuất chuyển chi phí bảo vệ môi trường vào giá thành sản phẩm (nội hóa các chi phí ngoại ứng); khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư bảo vệ môi trường.

“Các quốc gia Thái Lan, Malaysia, Nam Phi, Trung Quốc… miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ chuyển nhượng chính chỉ giảm phát thải. Hoặc Nhật Bản, Ba Lan, Hàn Quốc… ưu đãi thuế cho doanh nghiệp có hoạt động khoa học và công nghệ. Tại Mexico, Campuchia… áp dụng phí môi trường đánh vào người sử dụng và những sản phẩm gây ô nhiễm…” – ông Hải nói.

Tại Việt Nam đã ban hành và áp dụng một số chính sách thuế liên quan đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững phù hợp với thông lệ quốc tế. Chính sách thuế liên quan đến mục tiêu tăng trưởng xanh ở Việt Nam bao gồm cả chính sách ưu đãi về thuế nhằm khuyến khích sản xuất, tiêu dùng xanh; chính sách thuế nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm gây nguy hại đến môi trường.

“Nhằm khuyến khích sản xuất tiêu dùng xanh thông qua chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, Chính phủ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải; áp dụng thuế suất 10% đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường…” – ông Hải cho biết.

 Khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư bảo vệ môi trường

Khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư bảo vệ môi trường

Tuy nhiên nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra những bất cập trong việc áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường tại Việt Nam hiện nay. Cụ thể, từ 1/1/2019, thông qua chính sách thuế bảo vệ môi trường, các đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường gồm xăng, dầu, mỡ nhờn; than đá; túi ni long; thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng; thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng… Nhưng hiện nay mức thuế đối với những đối tượng này còn khá thấp.

“Thông tin khảo sát cho thấy với túi nilon thuộc diện chịu thuế, mỗi kg chỉ phải đóng mức 50.000 đồng; thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng chỉ có mức chịu thuế là 500 đồng/kg; thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế là 1.000 đồng/kg…” – ông Hải chỉ ra.

Chính vì mức thuế áp dụng quá thấp như vậy đã khiến các doanh nghiệp không đề cao tác động đến yếu tố nguy hại tới môi trường. Và theo ông Hải, nếu không có giải pháp quyết liệt hơn thì sẽ gây ra nhiều vấn đề nhức nhối. Cụ thể tại Hà Nội và TP.HCM, vấn nạn rác thải nguy hại hiện ngày càng nhiều.

Theo ông Hải, thuế có 2 chiều tác động là làm giảm tác động môi trường và tăng chi phí của doanh nghiệp. “Quan điểm của chúng tôi là phải minh bạch, bên cạnh những đánh giá về tác động môi trường thì cũng phải có những điều chỉnh sách thuế nhằm đánh giá tác động lên nền kinh tế. Nếu không chi phí xử lý môi trường còn lớn hơn phát triển kinh tế. Ví dụ hiện nay giá điện đang được nhắc đến rất nhiều. Giá điện tăng sẽ khiến nhiều chi phí tăng. Nhưng nếu không đánh thuế cao thì các doanh nghiệp sẽ vẫn sử dụng công nghệ tác động đến môi trường…” – ông Hải cho biết.

Tại hội thảo, TS Lê Quang Thuận, Viện Chiến lược chính sách, Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh: “Sử dụng công cụ chính sách thuế là để điều tiết nền kinh tế thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần xây dựng Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2021-2030 và Chiến lược tài chính 2021-2030”.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/ap-dung-chinh-sach-thue-nham-han-che-cac-san-pham-gay-nguy-hai-moi-truong-159465.html