Áp chuẩn Basel II tại Sacombank, hồ sơ khách hàng không đúng thẩm quyền sẽ bị bác bỏ

Theo tiêu chuẩn quốc tế mới tại Sacomabnk, các tờ trình, biểu mẫu sẽ được hệ thống xuất tự động và luân chuyển hồ sơ qua từng cấp phê duyệt, bác bỏ hồ sơ phê duyệt không đúng thẩm quyền.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tạo niềm tin cho khách hàng gửi tiền và nâng cao biện pháp phòng ngừa rủi ro tín dụng là những tiêu chí hàng đầu mà ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đang làm để mở rộng thị trường, tăng uy tín, vị thế, hình ảnh, thị phần cho ngân hàng.

Chuẩn mực ngân hàng quốc tế đang được các ngân hàng TMCP rốt ráo hoàn chỉnh và thực hiện theo chuẩn an toàn vốn Basel II, tạo nền tảng hoạt động an toàn hơn, thúc đẩy cơ cấu lại theo các mục tiêu, định hướng đã đề ra.

Tại Sacombank, ngày 11/03/2019, ngân hàng đã chính thức triển khai hệ thống khởi tạo, phê duyệt và quản lý cấp tín dụng (LOS) sau hơn 1 năm nghiêm túc xây dựng.

Thông qua việc triển khai LOS, Sacombank sẽ quán lý tập trung và chuẩn hóa toàn bộ hồ sơ theo khách hàng, chuẩn hóa toàn bộ dữ liệu, tăng tính năng bảo mật an toàn, góp phần nâng cao năng lực quản trị rủi ro của Sacombank theo tiêu chuẩn Basel II.

Bên cạnh đó, các tờ trình, biểu mẫu sẽ được hệ thống xuất tự động và luân chuyển hồ sơ qua từng cấp phê duyệt, giúp giảm thiểu rủi ro phê duyệt không đúng thẩm quyền.

Công tác giao nhận hồ sơ sẽ được tự động hóa hướng đến mục tiêu giảm chứng từ giấy. Ngoài ra, bằng việc liên kết các hệ thống khác của Sacombank, LOS cho phép người dùng tra cứu thông tin lịch sử giao dịch của khách hàng (mức cấp, dư nợ, doanh số của tiền vay và các giao dịch Tiền gửi thanh toán) một cách dễ dàng và nhanh chóng, các thông tin được nhập liệu kỹ lưỡng từ đầu làm nền tảng tái sử dụng lại nhiều lần, từ đó giúp công tác xử lý hồ sơ ở giai đoạn triển khai phán quyết và ở các trình phê duyệt lần sau nhanh chóng hơn.

Áp chuẩn mới, công tác giao nhận hồ sơ sẽ được tự động hóa hướng đến mục tiêu giảm chứng từ giấy - Ảnh: PY.

Từ những tính năng ưu việt trên các cấp quản lý ở Hội sở/Khu vực/Chi nhánh/Phòng giao dịch sẽ vận dụng LOS như công cụ hỗ trợ công tác giám sát, quản trị rủi ro từ xa được tốt hơn đối với các hồ sơ tín dụng như: nắm rõ tình hình giao dịch cấp tín dụng của từng khách hàng /nhóm khách hàng, tình trạng xử lý hồ sơ, tình hình thực hiện bút phê, sử dụng các hạn mức … để có sự chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời.

Theo ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng giám đốc Sacombank: “Quá trình triển khai LOS được chia làm 4 giai đoạn tuần tự tại các Chi nhánh trọng điểm và dự kiến đến ngày 01/4/2019, Sacombank sẽ triển khai LOS trên toàn hệ thống và áp dụng hệ thống này như công cụ để quản lý một cách hiệu quả quá trình cấp tín dụng, giúp giảm thiểu rủi ro cũng như tiết kiệm thời gian tác nghiệp cho các đơn vị tham gia vào hoạt động này.”

Trước đó, vào ngày 19/2/2019, Sacombank và Công ty TNHH Tư vấn PwC Việt Nam cũng đã chính thức bắt tay khởi động dự án “Nâng cấp và hoàn thiện khung quản lý Tài sản Có – Tài sản Nợ (ALM)”. Dự án dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối quý 3/2019 với mục tiêu xây dựng và hoàn thiện khung quản lý rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng một cách toàn diện phù hợp với yêu cầu của Basel cũng như các quy định của Ngân hàng Nhà nước.

PHƯỚC YẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/nhip-cau-doanh-nghiep/ap-chuan-basel-ii-tai-sacombank-ho-so-khach-hang-khong-dung-tham-quyen-se-bi-bac-bo-3497604.html