Áp CAATSA vào Thổ nếu mua S-400: Mỹ có dám?

Một khi Mỹ áp CAATSA vào Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến nội bộ NATO trở nên mâu thuẫn. Thậm chí, NATO có thể mất đi một thành viên quan trọng.

Ngày 19/6, Bloomberg dẫn nguồn tin giấu tên cho hay, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cùng các ban ngành thuộc Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ vẫn chưa thảo luận về phương án áp đặt lệnh trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, hiện nay, ý định áp đặt lệnh cấm vận với Ankara chiểu theo Đạo luật Chống lại các đối thủ của Mỹ bằng lệnh trừng phạt (CAATSA) do hợp tác làm ăn với Nga đang nhận được sự ủng hộ nhiều nhất từ giới chính trị gia Mỹ.

Lệnh trừng phạt mà Washington áp đặt với Ankara sẽ cấm các công ty quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ mua linh kiện của Mỹ cũng như bán các sản phẩm quân sự sang thị trường Mỹ.

Tổ hợp tên lửa S-400 của Nga. Ảnh: Bloomberg

Tổ hợp tên lửa S-400 của Nga. Ảnh: Bloomberg

Theo Bloomberg, lệnh trừng phạt mới của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ có thể được thi hành ngay từ đầu tháng Bảy, thời điểm Ankara tiếp nhận tổ hợp tên lửa đất đối không S-400 đầu tiên từ Nga.

Mỹ đã nhiều lần lên tiếng phản đối Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga. Theo Washington, S-400 không tương thích hoạt động với các hệ thống vũ khí mà NATO đang sử dụng mà Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của khối quân sự này.

Nếu như Mỹ áp CAATSA đối với Thổ Nhĩ Kỳ thì đây được xem là động thái quyết liệt của Washington nhằm vào Ankara. Nó sẽ đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ áp CAATSA vào một nước thành viên trong NATO.

Một khi Mỹ áp CAATSA vào Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến nội bộ NATO trở nên mâu thuẫn. Thậm chí, NATO có thể mất đi một thành viên quan trọng, còn Nga sẽ có thêm một đồng minh chiến lược.

Đầu tháng 6, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cảnh báo với Thổ Nhĩ Kỳ rằng, hoạt động chuyển giao 100 tiêm kích F-35 cho Ankara có thể bị Washington hủy bỏ và chương trình huấn luyện các phi công Thổ Nhĩ Kỳ điều khiển F-35 cũng sẽ bị hủy nếu Ankara không dừng mua S-400.

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước tham gia chương trình quốc tế F-35 của Mỹ và dự định sẽ mua tới hơn 100 chiếc máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 tối tân này.

Chính quyền của ông Erdogan nhiều lần tuyên bố rằng, S-400 không gây ra mối đe dọa cho F-35, thậm chí Ankara đã cam kết là sẽ không tích hợp S-400 vào hệ thống phòng không NATO.

Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định, mua S-400 là quyền chủ quyền của nước này. Ankara sẽ không từ bỏ kế hoạch mua S-400, những hệ thống phòng không đầu tiên của Nga sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7 năm nay.

"Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia có chủ quyền và chúng tôi được quyền mua bất kỳ loại vũ khí nào phù hợp với nhu cầu an ninh của mình, thay vì phải nghe các yêu cầu từ quốc gia khác", Tổng thống Erdogan nhấn mạnh.

Trung Kiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/ap-caatsa-vao-tho-neu-mua-s-400-my-co-dam-3382259/