Áo xanh biên phòng chiến đấu với 'giặc' Covid - Bài 4: Thắm tình dân - quân 15 ngày cách ly

Vui mừng, rưng rưng, là cảm xúc của các công dân nhập cảnh trái phép sau 15 ngày cách ly khi được các chiến sĩ quân y biên phòng đưa về trạm y tế.

Những "Từ Mẫu" mang quân hàm

Từ đầu đại dịch đến nay, đồn Biên phòng cửa khẩu Xín Mần (huyện Xín Mần, Hà Giang), đã tiếp nhận hơn 400 công dân nhập cảnh trái phép, trong đó có cả các trường hợp bị phía Trung Quốc bắt nhốt sau đó được trả tự do về nước.

5 công dân hoàn thành thời gian cách ly.

5 công dân hoàn thành thời gian cách ly.

Sau khi được bàn giao, Đại úy Nguyễn Đăng Chiến - quân y Đồn Biên phòng cửa khẩu Xín Mần - phối hợp cùng trung tâm Y tế huyện, và trạm Y tế các xã biên giới tiến hành đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe ngay tại các chốt và cửa khẩu, sau đó những người này được đón về, cách ly, theo dõi, chăm sóc trước khi đưa họ về địa phương.

Xin phép được xuống khu cách ly của đồn, hiện còn 6 trường hợp đang thực hiện thời gian cách ly tại đây, trong ngày (12/8) sau khi kiểm tra thân nhiệt, dặn dò sẽ có 5 người được trở về với gia đình, 1 người thì sau hôm nay sẽ hoàn thành thời gian.

Hầu hết những người nhập cảnh trái phép sang nước bạn bị bắt đều bị đối xử không tốt.

Tâm sự với chúng tôi, Đại úy Chiến chia sẻ: “Để có được tình cảm của bà con đối với các cán bộ quân y sau 15 ngày ăn cùng, ở cùng không dễ, vì hầu hết những người này là người lao động tự do, trốn sang Trung Quốc làm việc đã lâu, còn có những người mới sang được 1 - 2 tháng đã bị bắt nhốt. Có người quên tiếng mẹ đẻ, nhiều khi mình nói không hiểu, phải nhờ người đi cùng dịch hộ”.

Có những người còn không hợp tác, để thuyết phục họ, các chiến sĩ quân y phải còn làm nhà tâm lý học để hiểu được họ đang nghĩ gì, từ đó thấu cảm, chia sẻ những khó khăn mà họ đang mắc phải.

Bé Giá 30 ngày tuổi được Đại úy Nguyễn Đăng Chiến chăm sóc cẩn thận.

“Ví dụ như khi đưa họ về đồn, mình phải tìm hiểu hoàn cảnh của từng người, trao đổi, hỏi han ân cần về gia đình, quê quán, nếu có khó khăn thì giúp đỡ. Nhiều trường hợp chúng tôi phải tìm quê quán, rồi liên hệ người thân. Có nhiều trường hợp chúng tôi rất vất vả để có thể tìm được địa chỉ do họ sang Trung Quốc đã lâu nên quên quê quán. Nhiều người hết thời gian cách ly vẫn phải ở lại thêm tại trạm để chúng tôi liên hệ với chính quyền địa phương mới có địa chỉ”, Đại úy Chiến cho hay.

Hoàn cảnh bi đát của những người nhập cảnh trái phép

Hàng ngày, đội ngũ y sĩ tại khu cách ly stiến hành kiểm tra thân nhiệt, sức khỏe những người cách ly 3 lần. Sau đó, dặn dò, tâm sự mọi chuyện, tình cảm quân – dân thắm thiết từ lúc nào không hay.

“Ban đầu nhiều người e dè không muốn tiếp xúc, cũng có thể do họ bị nhốt và đối xử không tốt ở bên Trung Quốc thời gian quá dài, nên họ sợ. Phải mất 1 - 2 ngày đầu chúng tôi mới có thể giao tiếp với những người như thế”, quân y Chiến bộc bạch.

Trong hơn 400 trường hợp được Đại úy Chiến chăm sóc, ấn tượng nhất là trường hợp 3 mẹ con chị Giàng Thị Mấy (sinh năm 1992) người Mường tại Thanh Hóa. Hai vợ chồng họ sang Trung Quốc được 1 tháng thì bị bắt cùng con gái, và tháng Năm vừa qua mới sinh em bé gái được 30 ngày ngay trong khu tạm giam của Trung Quốc thì bị trả về.

“Lúc tiếp nhận trường hợp này, bé gái bị nhiễm trùng rốn, tôi đã phải trực tiếp xử lý cho cháu, cũng may không ảnh hưởng đến tính mạng. Cả hai vợ chồng bị bắt nên lúc về không có một đồng trong người, anh em lại phải quyên góp tiền mua đồ thiết yếu cho 3 mẹ con. Người chồng là Sùng Seo Phong (sinh năm 1998) có tiền sử tự kỷ, khi vào khu cách ly được mấy ngày thì trốn, đến nay liên lạc với gia đình cũng chưa tìm thấy”, Đại úy Chiến chia sẻ.

May mắn cho chúng tôi được chứng kiến cảnh quân và dân bịn rịn chia tay sau 15 ngày cách ly tại trạm y tế quân y tại đồn, người khóc người cười, nhưng nhìn cách nói chuyện giữa các chiến sĩ và người dân, chúng tôi cảm thấy ấm lòng nơi rừng già biên giới, địa đầu của Tổ quốc.

Kể về hành trình khổ ải trong 1 năm bị bắt nhốt bên kia, Cháng Thị Pả (sinh năm 1996, tại xã Cốc Rế, Xín Mần, , người dân tộc Mông) thành thật, hai vợ chồng cưới nhau được 1 tháng thì có người rủ sang Trung Quốc làm ăn thì mới nhiều tiền. Nghe vậy hai vợ chồng khăn gói lên đường, vừa qua biên giới Việt Nam, khi sang nước bạn đã bị bắt nhốt từ đó đến nay đã hơn 1 năm.

“Bên ấy khổ lắm, chúng tôi bị đối xử không tốt bằng bộ đội ta, đến cả đi vệ sinh còn bị canh gác. Đồ đạc sang bên ấy bị thu hết, không có điện thoại liên lạc với gia đình, quả thật nghĩ lại thời gian ấy thật đáng sợ”, Pả rùng mình nói.

Pả nói tiếp: “Lúc nhìn thấy bộ đội Việt Nam em rưng rưng muốn khóc, cuối cùng cũng được tự do, về với đất mẹ. Chồng em thì vẫn chưa được thả về, em lo lắm, nhưng trước hết em về quê gặp lại mẹ đã, rồi tính mọi chuyện tiếp. Em cũng cảm ơn các chiến sĩ biên phòng Xín Mần đã quan tâm em trong 15 ngày em ở khu cách ly này”.

9h sáng, người nhà của 5 trường hợp đã đến khu cách ly để đón những người con xa xứ trở về. Rưng rưng nước mắt khi nhìn thấy con sau 1 năm mất liên lạc. Bà Ly Thị Ọt (mẹ Pả) trải lòng, một năm về trước hai vợ chồng rủ nhau sang bên kia làm ăn, đi được 2 - 3 ngày không thấy 2 vợ chồng gọi về. Đợi đến 3 - 4 tháng gia đình có nghe ngóng tin tức nhưng cũng baặt vô âm tín, cứ nghĩ rằng hai đứa bị làm sao hay thiệt mạng nơi nào rồi. Giờ nhìn thấy con thật sự rất hạnh phúc.

10h sáng, sau khi làm thủ tục mọi thứ, 5 công dân nhập cảnh trái phép mừng mừng tủi tủi ôm ấp người thân sau đó chào cán bộ quân y về nhà, nhiều người còn bảo sẽ lên thăm bộ đội sớm ngay sau khi hết dịch.

Nâng bước em tới trường

Theo Thiếu tá Đỗ Xuân Hùng, hiện tại Đồn Biên phòng cửa khẩu Xín Mần đang hỗ trợ cho 15 em thuộc 4 xã biên giới, trong đó nhận nuôi 2 em hiện đang học lớp 6 và lớp 11 có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Giúp các em có điều kiện tiếp cận với cái chữ, để nên người.

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.nguoiduatin.vn/ao-xanh-bien-phong-chien-dau-voi-giac-covid-bai-4-tham-tinh-dan-quan-15-ngay-cach-ly-71834.html