Áo vợ, cơm nhà, lo việc nghĩa

Những ngày sau bão, chuông điện thoại của anh Nguyễn Văn Thuận (sinh năm 1983, trú tại phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) reo không ngớt. Người nhờ anh sửa mái hiên, người hớt hải báo: 'Nhà em bay hết nóc rồi, anh đến giúp em với!'...

Mỗi lần kết thúc cuộc gọi, anh Thuận lại ghi chép thông tin cẩn thận, rồi cố gắng hoàn thành việc sửa chữa cho người dân thật sớm, để tranh thủ sang giúp nhà khác bằng cả tấm lòng tương thân tương ái.

Bão số 9 đi qua, khu xóm trọ của chị Võ Thị Ngọc Diễm (tổ 63, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) trở nên hoang tàn, đổ nát. Trước bão, chị và nhiều người dân trong xóm được lệnh đi sơ tán vì khu vực này chủ yếu là phòng trọ, nhà ở của công nhân; đa phần đều là nhà cấp 4, lợp tôn tạm bợ. Bão tan, người an toàn trở về, nhưng nhà cửa không chịu được sức gió quá lớn, tôn trên mái bay sạch, để lại khung tường trơ trọi giữa gió mưa. Mọi người ai cũng lo lắng, xót ruột như ngồi trên đống lửa bởi dự báo còn vài cơn bão nữa có thể xuất hiện, quần thảo. Chị Diễm bùi ngùi: “Nhà không nóc, gió xuyên, mưa tạt. Gọi người tới sửa ai cũng bảo giờ phải thay mới, chứ không sửa. Mà thay mới thì nay tôn một tấm gần 200 ngàn đồng, tốn bao nhiêu là tiền. Vợ chồng tôi đều làm thuê, vừa trải qua hai đợt dịch, tằn tiện lắm vẫn thiếu trước hụt sau, giờ lắp tôn mới thật sự không biết lấy tiền đâu ra”. Đang lo âu, đau đầu tìm cách vay tiền sửa nhà, chị Diễm vô tình thấy bài viết trên trang cá nhân của anh Nguyễn Văn Thuận về việc sửa nhà miễn phí cho người dân. Chị mừng rỡ, phấn khởi vô cùng, nhưng lại lo đó chỉ là chiêu trò “câu like” trên mạng xã hội. Không ngờ, chỉ 15 phút sau khi để lại số điện thoại dưới bài viết, chị Diễm đã nhận được cuộc gọi đồng ý giúp đỡ của anh Thuận. Đúng như lời hứa, anh Thuận cùng một số thợ cơ khí đã đến sửa lại những tấm tôn bị gió bẻ cong, chỉnh lại phần khung và nhanh chóng lợp lại mái nhà cho chị hoàn toàn miễn phí. Những nhà dân xung quanh cần hỗ trợ, anh cũng sẵn lòng giúp đỡ mà không lấy một đồng nào.

 Anh Nguyễn Văn Thuận (áo xanh) giúp người dân nghèo sửa nhà sau bão.

Anh Nguyễn Văn Thuận (áo xanh) giúp người dân nghèo sửa nhà sau bão.

Cũng như chị Ngọc Diễm và bà con xóm lao động nghèo, nhiều người dân trên địa bàn TP Đà Nẵng bị mưa bão làm ngã đổ biển, bảng cửa hàng, tốc mái nhà… đều vô cùng trân trọng hành động cao đẹp của anh Thuận. Ngày nắng cũng như ngày mưa, ngay sau khi bão tan, anh Thuận lại tất bật ngược xuôi để giúp những người khó khăn sửa lại nhà cửa, hàng quán. Sẵn có nghề cơ khí trong tay, anh kêu gọi anh em trong xưởng cơ khí của mình cùng tham gia giúp dân khắc phục hậu quả sau bão. Anh Thuận cho biết: “Tôi là người gốc Huế, từ nhỏ đã trải qua cảnh lụt lội, chứng kiến nhiều cảnh tượng đau thương do mưa bão gây ra nên thấu hiểu nỗi cơ cực, nhọc nhằn của người dân khúc ruột miền Trung. Do đó, khi nhiều người dân Đà Nẵng bị tốc mái, hư hại bảng, biển hàng quán, tôi muốn giúp đỡ bà con, để họ bớt khổ. Mình không có nhiều tiền, dư giả vật chất thì ủng hộ đồng bào bằng hành động, việc làm thiết thực vậy!”.

Anh Thuận tranh thủ thời gian giúp dân sửa chữa nhà sau bão.

Nhiều người cho rằng anh Thuận… dại. Bởi sau bão, nhà tốc mái, cửa hàng, quán xá bị gió quật trơ khung… chính là thời điểm xưởng cơ khí của anh hái ra tiền bằng việc sửa chữa, đóng mới. Tuy nhiên, bằng tình cảm, tinh thần sẻ chia với cộng đồng, anh Thuận và đồng nghiệp đã chọn cách cho đi hoàn toàn miễn phí. Không chỉ sửa nhà, anh còn giúp những người thu nhập thấp tại khu vực chung cư đường Kinh Dương Vương (quận Thanh Khê) sửa chữa lại bạt di động, biển quảng cáo để họ tiếp tục bán hàng rong kiếm sống. Đồng hành cùng anh Thuận khắp các con đường, kiệt hẻm giúp dân, anh Phạm Hoàng Hải (sinh năm 1995, quê Quảng Nam, thợ cơ khí) chia sẻ: “Khối lượng công việc lớn nên chúng tôi đều cố gắng tập trung sửa chữa bất kể nắng mưa vì rất nhiều người đang chờ chúng tôi giúp. Làm miễn phí nhưng chúng tôi luôn tâm niệm phải bảo đảm chất lượng tốt, bền, an toàn cho người dân. Nhìn nụ cười phấn khởi của bà con, anh em chúng tôi rất ấm lòng”.

Trước đó, trong đợt lũ lụt lịch sử ở các tỉnh miền Trung, anh Thuận tham gia các đoàn thiện nguyện để hỗ trợ, trao nhu yếu phẩm cho bà con, giúp người dân chằng chống nhà cửa hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra. Trong quá trình sửa chữa, gặp hoàn cảnh quá khó khăn, anh Thuận vận động mọi người cùng đóng góp, hỗ trợ tôn, sắt thép… để sửa nhà, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Gần một tuần sau khi bão số 9 đi qua, người đàn ông có dáng người nhỏ, nước da ngăm đen và các đồng nghiệp vẫn miệt mài “bám trụ” trên những mái nhà xơ xác, trơ khung, cần mẫn sửa chữa, lợp lại từng tấm tôn, tấm ngói cho bà con nghèo. Đưa tay quệt những mồ hôi đầm đìa trên trán, anh Thuận cười hiền lành: “Nếu sắp tới, miền Trung lại đón cơn bão mới, tôi và đồng nghiệp sẽ tiếp tục đi sửa nhà miễn phí giúp dân. Dân mình còn nhiều người khổ lắm, giúp được phần nào, quý phần ấy!”.

Bài và ảnh: THANH THÚY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-12/ao-vo-com-nha-lo-viec-nghia-642989