'Áo vàng' lan tới Đông Âu: Vạn người xuống đường ở Hungary

Những cuộc biểu tình mang dấu hiệu 'áo vàng' tiếp tục lan khắp châu Âu, Hungary là quốc gia ghi nhận những cuộc đụng độ mới nhất.

Ngày 5/1, tại Thủ đô Budapest của Hungary, khoảng 10.000 người dân đã biểu tình phong tỏa nhiều tuyến đường dẫn vào trung tâm.

Các khẩu hiệu yêu cầu một cơ chế tự do ngôn luận cho các cơ quan truyền thông, rút bỏ điều luật về số giờ làm ngoài giờ và một cuộc cải tổ bộ máy tư pháp được những người biểu tình hô vàng.

Những người biểu tình được tổ chức do các các liên đoàn lao động và sinh viên, ngoài ra còn có thành viên của các đảng đối lập với Thủ tướng Viktor Orban. Dù số lượng người không đạt được như kỳ vọng trong các cuộc kêu gọi trước đó, nhưng số lượng người tham gia lần này là chưa từng có ở Budapest.

Trước đó, từ giữa tháng 12/2018, các cuộc biểu tình đã diễn ra nhưng không vượt quá vài nghìn người. Lần này, đã thấy những người mặc áo ghile phản quang màu vàng và các khẩu hiệu được đưa ra nặng nề hơn.

Dòng người biểu tình tại Budapest, Hungary.

Dòng người biểu tình tại Budapest, Hungary.

Đáng chú ý, đối tượng được nhắm đến là luật lao động cải cách mà Thủ tướng Orban thông qua hồi giữa tháng 12 vừa qua. Những người biểu tình đã gọi bộ luật này là "luật nô lệ" cũng như ghi nhận đã có xảy ra xô xát với lực lượng cảnh sát.

Luật lao động của Thủ tướng Orban cho phép các công ty có thể yêu cầu thời gian làm thêm ngoài giờ lên tới 400 giờ mỗi năm, nhưng lại cho phép doanh nghiệp trì hoãn thanh toán khoản thu nhập này trong 3 năm.

Chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban cho rằng luật lao động cải cách vừa mang lại lợi ích cho người lao động, vừa giúp các doanh nghiệp giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân sự. Song chính sách này lại không được lòng dư luận và người lao động Hungary.

Các nghiệp đoàn tuyên bố họ sẽ tổ chức đình công toàn quốc nếu chính phủ không hủy bỏ luật lao động mới. Phe đối lập đồng thời khẳng định những điều luật vừa được thông qua là "sự thỏa hiệp ma quỷ" của chính phủ với các doanh nghiệp nhằm bóc lột người lao động như nô lệ.

Ngoài ra, ông Viktor Orban còn thông qua các điều luật gây ức chế cho người nghèo khác như phạt tạm giam hay phạt tiền với những người ngủ ngoài đường. Điều này đã làm nổi giận những nhà hoạt động xã hội bênh vực quyền lợi cho người vô gia cư.

Tình hình đang căng thẳng khi ghi nhận đây là lần biểu tình lớn nhất và đột biến nhất trong 8 năm cầm quyền của Thủ tướng Orban

Ngày 5/1 cũng đánh dấu những tình huống leo thang mới trong phong trào "áo vàng" tại nước Pháp khi những người biểu tình đã quá khích, tấn công trực tiếp vào Văn phòng Chính phủ Pháp.

Người phát ngôn Chính phủ Pháp, ông Benjamin Griveaux và đồng nghiệp phải bỏ chạy qua lối cổng sau và lánh nạn trong một khách sạn gần đó.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner cho biết có khoảng 50.000 người đã tham gia biểu tình khắp nước Pháp trong lần xuống đường thứ 8 này, cao gấp đôi cuối tuần trước.

Các phong trào ở Pháp đã diễn biến rất phức tạp và họ cho thấy chưa có dấu hiệu lắng dịu khi Tổng thống Pháp Macron chưa từ chức theo yêu sách. Cảnh sát tiếp tục phải sử dụng đến hơi cay và vòi rồng để trấn áp.

Như vậy, phong trào "áo vàng" của Pháp đã lan rộng từ Paris đến khắp châu Âu. Từ tháng 12/2018 đến nay, các cuộc biểu tình mang hơi hướng "áo vàng" đã lan rộng tới Bỉ, Serbia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Áo, Hungary.

Thậm chí, quốc gia được đánh giá giàu có và ổn định nhất EU là Đức cũng đã có những dấu hiệu đầu tiên khi vài trăm người đã xuống đường ở Berlin, Munich hồi giữa tháng 12.

Theo nhận định của nhà xã hội học Dieter Rucht trên đài Deutsche Welle của Đức: "Phong trào chống đối ở châu Âu gia tăng khi tồn tại nhiều mối lo về sinh nhai. Phân nửa châu Âu lúc này sự oán giận và nỗi lo lắng dâng trào".

Minh Hoàng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/ao-vang-lan-toi-dong-au-van-nguoi-xuong-duong-o-hungary-3372387/