Ảo thuật nuốt kiếm, lưỡi cưa suýt chết vì thủng thực quản: Đổ 'máu' vì mưu sinh

Để có thêm tiền 'boa', nhiều ảo thuật gia đường phố đã căng mình biểu diễn những trò rùng rợn và cũng lắm nguy hiểm. Mới đây, 2 ảo thuật gia ở Vĩnh Long vì cuộc sống mưu sinh đã bị thủng thực quản, suýt mất mạng bởi màn thể hiện nuốt kiếm và nuốt lưỡi cưa cực nguy hiểm.

Lưỡi cưa mà ông Phú nuốt làm thủng thực quản.

Mưu sinh mạo hiểm

Hơn 2 tuần qua, căn nhà của anh Nguyễn Thanh Hiếu (thường được gọi là Nhã, 31 tuổi, ngụ ấp Bằng Tăng, xã Mỹ Thạnh Trung, H.Tam Bình, Vĩnh Long) phải đóng cửa. Những người xung quanh ai cũng cảm thương cho hoàn cảnh của gia đình trẻ hiền lành tốt bụng này.

“Nhã biết ảo thuật khoảng 10 năm nay, không hề có chuyện gì xảy ra. Cứ như thường lệ, khi nhận điện thoại của các chủ trại hòm ở Vĩnh Long thì Nhã đến biểu diễn đúng giờ. Hôm đó khoảng 19 giờ 10 phút ngày 7.11, Nhã đã nhập viện vì diễn trò nuốt kiếm, ói ra rất nhiều máu. Gia đình lo lắng nên đã chuyển Nhã qua Cần Thơ rồi lên TP.HCM điều trị. Đến nay, sức khỏe của Nhã ổn định, nhưng ăn uống thì vẫn chưa được phải truyền dịch.

Căn nhà của anh Nhã thuê ở quê sinh sống nuôi 3 đứa con nhỏ

"3 đứa con thơ dại của vợ chồng Nhã ở dưới quê phải sang ở nhà ngoại. Riêng đứa lớn, tôi đứng ra giữ để đưa rước đi học. Nghề ảo thuật của Nhã đầy sự hiểm nguy, gia đình đã nhiều lần khuyên ngăn nên tìm việc khác mà làm nhưng Nhã vẫn nhất quyết bám nghề vì đấy là đam mê, khó từ bỏ được”, anh Nguyễn Văn Phương, anh hai của Nhã, xót thương kể.

Thấy anh Phương tiếp chúng tôi, nhiều người dân địa phương kéo đến hỏi thăm sức khỏe của Nhã.

Ông Bùi Văn Tho (57 tuổi, ngụ cùng xóm, cùng chung đội mai táng với Nhã) nói: “Thằng Nhã rất siêng năng, hiền lành, diễn xiếc rất hay được nhiều người quý mến. Mỗi tháng, thằng Nhã kiếm được khoảng 4-5 triệu đồng, nhưng phải lo cho 3 đứa con đang tuổi học, vợ ở nhà bán quán nước gần chợ kiếm tiền gạo qua ngày. Mấy năm qua nó diễn cả trăm cả ngàn lần rồi nhưng có lần nào bị gì đâu, lần này có lẽ bị sự cố ngoài ý muốn. Thương cho nó, vì nghèo khó mà nó phải mưu sinh nghề nguy hiểm này”.

Bà Phạm Thị Bạch (chủ nhà cho Nhã thuê) xúc động kể: “Thấy hoàn cảnh gia đình nó tội nghiệp, vừa hiền lành vừa giỏi giang nhưng lại không có nhà cửa gì nên tôi cho nó thuê cả căn nhà sát chợ thế này chỉ có 400.000 đồng/tháng. Gia đình nó thuộc dạng hộ nghèo của xã nên có bảo hiểm y tế, nếu không thì sẽ tốn kém nhiều lắm. Ý là có bảo hiểm mà 2 tuần qua, gia đình nó tốn hơn 20 triệu rồi. Mong rằng các nhà hảo tâm thấy được hoàn cảnh thương tâm mà ủng hộ cho Nhã qua cơn khó khăn này”.

Bất chấp hiểm nguy vì đam mê

Cách đây đúng 4 tháng, sau màn biểu diễn nuốt lưỡi cưa tại một đám tang ở địa phương, ông Trần Thanh Phú (53 tuổi, ngụ ấp Hiệp Thuận, xã Hòa Bình, H.Trà Ôn, Vĩnh Long) cũng không may gặp tai nạn đáng tiếc nên phải nhập viện cấp cứu.

Ông Phú chỉ tay vào vết thương vừa được phẫu thuật

Ông Phú cho biết, sự cố ngoài ý muốn đã khiến ông phải nằm viện suốt 21 ngày để điều trị, chi phí gần 50 triệu đồng.

“Hôm đó, tôi cũng biểu diễn như thường ngày, nhưng không hiểu sao lại gặp phải “sự cố” đáng tiếc. Lúc gặp nạn, lưỡi cưa tôi cũng đã kịp thời rút ra ngoài, nhưng vùng cổ bị tổn thương và có hiện tượng trào dịch, khó thở, đau ở vùng ngực”, ông Phú nhớ lại.

Bà Chuyện, vợ ông Phú chỉ tủ đồ nghề ông Phú trình diễn.

Theo ông Phú, nghề ảo thuật và diễn xiếc vốn được ông đam mê ngay từ khi mới hơn 10 tuổi nên ông quyết theo đuổi. Khoảng năm 1985, ông may mắn có dịp được tận mắt xem một ảo thuật gia lưu diễn ở quê nhà nên đã tìm gặp nhà ảo thuật này xin được học nghề.

Ông Phú kể: “Để có tiền mưu sinh và học ảo thuật, diễn xiếc, những ngày đầu đặt chân lên TP.HCM, tôi phải đi làm thuê khắp nơi. Mặc dù vất vả, nhưng tôi vẫn không chút nản lòng. Tất cả những trò ảo thuật như: Lá bài biến thành gói thuốc lá, và từ gói thuốc lá biến thành hộp quẹt diêm; ảo thuật với bồ câu, rắn, bông, dây, dù…; hay xiếc công phu, kéo tạ bằng mắt, nuốt kiếm và nuốt lưỡi cưa, tôi đều được thầy truyền lại và dày công tập luyện. Đến năm 2005, sau khi có chút nghề, tôi xin vào một nhà hàng ở tỉnh Bình Dương để phục vụ giải trí cho thực khách”.

“Khi màn trình diễn kết thúc, thấy mọi người có mặt vỗ tay thì đấy được xem là phần thưởng vô giá mà khán giả dành tặng cho mình. Nghề này cũng bạc lắm, mình diễn bằng cả sự tâm huyết, có khi đánh đổi cả sinh mạng, thế nhưng có nhiều người lại nghĩ không đúng về bản chất của nghề. Tuy nhiên, do đam mê và vì cuộc sống nên tôi mới chấp nhận diễn những trò nguy hiểm, bất chấp đến bản thân. Bởi diễn những trò càng nguy hiểm, thì người xem mới hứng khởi, khi đó họ mới “boa” tiền cho mình. Mỗi lần được mời diễn thì tiền bồi dưỡng chỉ từ khoảng 500.000 đồng ở trong tỉnh và 1 triệu đồng diễn ngoài tỉnh. Nếu có pha vào những trò mạo hiểm như nuốt kiếm hay lưỡi cưa thì được khách “boa” thêm, cảm thấy rất vui và hứng thú”, ông Phú chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Chuyện (50 tuổi, vợ ông Phú), cho biết vì nhà nghèo nên cả vợ chồng phải mưu sinh. "Mỗi buổi sáng tôi bán bắp ngoài chợ xã, chồng tôi ở nhà chờ có ai kêu đi đâu diễn thì đi đó, chủ yếu diễn đám tang nên cũng thất thường. Hai vợ chồng làm chỉ đủ sống qua ngày. Sau lần gặp sự cố này, gia đình chúng tôi phải vay mượn mấy chục triệu để lo chữa bệnh cho ổng. Sau lần này, tôi khuyên ổng bỏ trò nuốt lưỡi cưa này luôn”, bà Chuyện nói.

Theo tìm hiểu, cả anh Nhã và ông Phú đều là diễn viên xiếc, ảo thuật tự do, chuyên phục vụ tại các đám tang trên địa bàn tỉnh. Hiện anh Nhã vẫn đang điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, chờ phẫu thuật. Còn ông Phú thì sau phẫu thuật, vẫn còn cảm giác vướng ở cổ, khó chịu nên ông đã làm thủ tục để lên TP.HCM tái khám, kiểm tra, phẫu thuật lại.

Theo các ảo thuật gia, môn xiếc công phu như nuốt kiếm, nuốt lưỡi cưa là phải có người hướng dẫn và cần có thời gian dài khổ luyện thì mới có thể làm được. Việc đam mê nghề là điều rất trân trọng, tuy nhiên không nên vì đồng tiền mà mạo hiểm, bởi đã có không ít trường hợp xảy ra tai nạn phải nhập viện cấp cứu.

Theo ông Nguyễn Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Vĩnh Long, ở Vĩnh Long có 1 đoàn xiếc ảo thuật được cấp phép biểu diễn. Những người tham gia ảo thuật ở các đám tang thì Sở không nắm, do họ tự phát nên không quản lý được. Tuy nhiên nên khuyên mọi người khi biểu diễn phải chọn những trò an toàn, đảm bảo tính mạng.

Thang Đức

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/ao-thuat-nuot-kiem-luoi-cua-suyt-chet-vi-thung-thuc-quan-do-mau-vi-muu-sinh-900695.html