Ảo thuật loay hoay tìm lối đi

Sau Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần 3 diễn ra tại TP Hồ Chí Minh giữa tháng 10, các ảo thuật gia lại trở về cuộc sống mưu sinh ở những buổi diễn trong nhà hàng, tiệc cưới, hè phố… Nhiều ảo thuật gia cho hay, nhờ danh hiệu và các giải thưởng đạt được trong liên hoan, họ đắt show hơn, được biết đến nhiều hơn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có được may mắn ấy. Nhiều người vẫn coi ảo thuật là nghề “tay trái”, lâu lâu mới có show diễn cho thỏa đam mê, còn kiếm cơm phải trông vào công việc khác.

Lý giải về điều này, ảo thuật gia KTay thú thật lâu nay, ảo thuật vẫn bị coi là tiết mục tạp kỹ mua vui và đóng vai phụ trong các chương trình nghệ thuật. Cát sê của ảo thuật thường thấp hơn ca nhạc, hài kịch... Tiền cát sê nhiều khi không đủ để mua trang phục, đạo cụ biểu diễn chứ đừng nói là đủ sống.

Ở Việt Nam, ảo thuật vẫn chưa được xem là một môn nghệ thuật huyền bí và sang trọng. Nhiều người mới biết diễn vài trò vặt vãnh thì đã vỗ ngực tự xưng là ảo thuật gia. Trong khi những trò vặt này dễ dàng học được trên mạng. Đáng buồn là ngay tại Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần 3, những trò khéo “xưa như Trái Đất” như biến ra chim bồ câu, chiếc khăn, đóa hoa, tiểu xảo với lá bài… chiếm số lượng áp đảo so với các tiết mục có tính sáng tạo cao, bố cục bài bản. Nhiều khán giả cho rằng nó không xứng tầm để thi thố ở một sân chơi toàn quốc.

Ảo thuật gia Nguyễn Anh Tú, CLB Ảo thuật TP Hồ Chí Minh, cho hay ảo thuật Việt từng phát triển mạnh mẽ và thịnh hành vào thập niên 60, 70 của thế kỷ trước. Nhiều ảo thuật gia lừng danh đã để lại vô số tiết mục ấn tượng trong giai đoạn này. Thế nhưng bây giờ bộ môn ảo thuật lại có vẻ chững lại và loay hoay tìm hướng tiếp cận khán giả.

Tiết mục “Một thoáng hương Chăm” kỳ bí đoạt giải vàng tại Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần 3.

Đi giao lưu với các nước trong khu vực, anh vô cùng kinh ngạc. Các tiết mục ảo thuật của họ không khác gì một tác phẩm nghệ thuật công phu, tuyệt vời từ nội dung kịch bản, trang phục, bố cục, âm nhạc, vũ đạo, diễn xuất…

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thẳng thắn: “Khó khăn nhất của ảo thuật Việt Nam hiện nay là việc đầu tư cho những tiết mục mới, có tính sáng tạo cao. Chúng ta đang lặp đi lặp lại cái cũ và chỉ làm được những trò khéo chứ chưa đủ kinh phí, chưa đủ tầm để đầu tư những show diễn lớn như trên quảng trường, nhà hát... Đạo cụ của chúng ta còn khá lạc hậu trong thời đại công nghệ.

Khó khăn thứ hai là sự điêu luyện của nghệ sĩ và độ hoành tráng, thu hút của tiết mục. Ảo thuật gia như một nhà phù thủy, họ biến hóa, tạo ra những cái siêu phàm khiến công chúng phải trầm trồ. Những màn ảo thuật đường phố với lá bài thì chúng ta khá điêu luyện nhưng show ảo thuật lớn thì chúng ta chưa đạt tầm để mang tới hiệu quả thị giác cao”.

Ảo thuật gia Nguyễn Anh Tú cho rằng các ảo thuật gia Việt không hề kém tài so với đồng nghiệp các nước trong khu vực. Qua YouTube, họ học hỏi, cập nhật các xu hướng ảo thuật trên thế giới rất nhanh nhạy. Thậm chí dựa trên bản gốc, họ cải tiến, mày mò thành chiêu trò mới có sức hấp dẫn vượt bậc.

Tại liên hoan lần này, có những tiết mục cho thấy trình độ điêu luyện của giới ảo thuật Việt như màn thôi miên người bay trên cột nước, trói chặt mình và tự giải thoát trước khi bàn chông rơi xuống trong vòng mấy chục giây… Tuy nhiên, nó vẫn mang dáng dấp quen thuộc khi nghệ sĩ học hỏi siêu phẩm của thế giới mà chưa có dấu ấn riêng biệt.

Riêng tiết mục “Một thoáng hương Chăm” của ảo thuật gia Lê Tuấn Anh, Quảng Trị được đánh giá cao vì khéo lồng ghép màn ảo thuật ly kỳ vào những điệu múa Chăm huyền bí. Đây là tiết mục hiếm hoi mang bản sắc Việt đậm nét. Tuy nhiên, vì không được đào tạo bài bản chính quy mà chủ yếu là nghề truyền nghề và mày mò tự học nên giới ảo thuật Việt bao năm qua vẫn chỉ theo sau người ta, học đòi bắt chước khiến tính sáng tạo chưa nhiều.

Ngoài ra, điều kiện làm nghề ở nước ta còn khá khó khăn. Các nghệ sĩ không có môi trường làm nghề thường xuyên để biểu diễn phục vụ công chúng, nhất là sân khấu chuyên nghiệp có thể dựng trò lớn.

Mấy năm gần đây, đài truyền hình bắt đầu dành nhiều “đất” cho ảo thuật như chương trình “Kỳ tài lộ diện”, “Ảo thuật siêu phàm”, “Tìm kiếm tài năng Việt Nam”… Các chương trình này phần nào giúp nghệ sĩ quảng bá tài năng nhưng nó vẫn nặng tính giải trí, giật gân chứ không hướng nhiều về chuyên môn. Riêng Liên hoan Ảo thuật toàn quốc vẫn là sân chơi duy nhất để nghệ sĩ giao lưu, trau dồi chuyên môn.

Đáng tiếc, liên hoan lại không có kế hoạch tổ chức định kỳ thường xuyên mà khoảng 5, 6 năm mới trở lại một lần khi có điều kiện. Để khắc phục, thời gian tới, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sẽ cố gắng đưa liên hoan thành một hoạt động định kỳ hai năm một lần.

NSND Lê Tiến Thọ đề xuất ngoài liên hoan do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, cần phải có nhiều cuộc liên hoan, hội diễn khác để nghệ sĩ ảo thuật có nhiều cơ hội cọ xát, rèn luyện tài năng. Từ đó chúng ta mới có thể tiến tới các cuộc liên hoan ảo thuật ở khu vực và thế giới, thúc đẩy ảo thuật nước nhà phát triển.

Quỳnh Nga

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/ao-thuat-loay-hoay-tim-loi-di-518284/