Ðào tạo nhân lực cho các làng nghề truyền thống (Kỳ 1)

Làng nghề truyền thống vốn là nét đẹp văn hóa của nhiều vùng quê, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, để làng nghề truyền thống phát triển bền vững, ngoài việc khơi thông thị trường tiêu thụ thì công tác dạy nghề cần được coi là vai trò then chốt, không chỉ đơn thuần là trao - truyền giữa các nghệ nhân và thế hệ sau như hiện nay.

Sản xuất các sản phẩm sơn mài tại Làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội). Ảnh: ÐĂNG KHOA

Bài 1: Thiếu hụt nhân lực có chất lượng

Theo Hiệp hội làng nghề Việt Nam, các làng nghề truyền thống hiện thu hút khoảng 20 triệu lao động, bằng 24% tổng số lao động nông thôn. Trong đó, 30% số lao động có việc làm thường xuyên, còn lại là lao động thời vụ. Song, số lao động đã qua đào tạo (có chứng chỉ sơ cấp trở lên) bình quân tại các làng nghề chỉ chiếm 12,3%, còn lại là không qua đào tạo, dẫn đến tình trạng nhiều làng nghề đối mặt nguy cơ thiếu lao động, nhất là lao động trẻ có tay nghề.

Làng nghề thiếu... tay nghề

Cả nước hiện có 4.575 làng nghề, trong đó có 3.251 làng có nghề và 1.324 làng nghề được công nhận theo tiêu chí của Thông tư số 116/2006/TT - BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số nội dung, của Nghị định 66/2006/NЖCP về phát triển ngành nghề nông thôn. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần, việc thiếu nhân lực có kỹ thuật của các làng nghề đang ngày càng trở nên trầm trọng, do lao động có tay nghề đang chuyển dịch sang làm việc ở các lĩnh vực khác hoặc thoát ly khỏi địa phương. Hầu hết chủ hộ sản xuất chưa được đào tạo về quản trị kinh doanh và thiếu kiến thức về kinh tế thị trường. Nhiều làng nghề truyền thống hiện nay không có thợ tạo mẫu và thợ có tay nghề tinh xảo đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của người tiêu dùng, cho nên sản phẩm của các làng nghề truyền thống chưa đa dạng về mẫu mã, thiếu sức cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trong nước và quốc tế. Với thực trạng như hiện nay, các làng nghề có thể duy trì nhưng không thể phát triển mạnh mẽ.

Ông Ðặng Cao Năm, chủ doanh nghiệp Năm Lan (huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) chia sẻ: "Cơ sở chủ yếu sản xuất thép tròn, thép vuông, thép tấm với quy mô 10.000 m2 và sử dụng thường xuyên hơn 60 lao động với mức lương dao động từ 4 đến 12 triệu đồng/người/tháng. Tuy mức lương ổn định nhưng việc tìm lao động có tay nghề không dễ dàng. Phần lớn lao động làm việc cho cơ sở chỉ mới học hết cấp 2, cấp 3 (THCS, THPT) và ở độ tuổi trung niên, cho nên việc nâng cao tay nghề, cập nhật những mẫu mới cũng gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi nhiều lần đăng tin tuyển dụng lao động trẻ nhưng rất ít người đến ứng tuyển".

Ðem những trăn trở của chủ doanh nghiệp về nguồn lao động trẻ có tay nghề trao đổi với ông Ðào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên (Tổng cục Dạy nghề, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) chúng tôi được biết: có tới 90,4% số làng nghề thiếu lao động, chỉ 9% số làng nghề đủ lao động và 0,6% số làng nghề thừa lao động. Nguyên nhân là do số con em lao động trong các làng nghề học hết THPT đều có xu hướng thi vào các trường đại học, cao đẳng, chứ không lựa chọn các trường dạy nghề, kể cả trường cao đẳng nghề. Bên cạnh đó, quá trình truyền nghề cho lớp trẻ chưa được coi trọng đúng mức, việc dạy nghề tại các làng nghề phần lớn theo lối truyền nghề trong các gia đình, cầm tay chỉ việc (78,21%) hoặc tổ chức những lớp học ngắn ngày cho con em trong địa phương (21,4%). Do quy mô dạy nghề truyền thống chưa được chú trọng, lại không có giáo trình biên soạn cụ thể (chủ yếu truyền dạy theo kinh nghiệm) cho nên nhu cầu học nghề và số lượng người học theo được với nghề rất thấp.

Hiện, lao động làng nghề nói chung chia thành hai nhóm rõ rệt: Nhóm lao động không thường xuyên, thiếu kỹ năng làm những công việc đơn giản, không hoặc ít có đào tạo bài bản; nhóm thứ hai là lao động thường xuyên, kỹ năng cao, thường làm việc ở những cơ sở hoặc doanh nghiệp làm hàng mỹ nghệ cao cấp.

Chỉ còn… làng có nghề

Nếu những năm 80 của thế kỷ trước được coi là thời kỳ hoàng kim của làng nghề truyền thống do có thị trường tiêu thụ được mở rộng đến hàng chục quốc gia trên thế giới, thì nay lại được coi là thời kỳ khó khăn nhất của làng nghề do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, sản phẩm chịu sự cạnh tranh khốc liệt của hàng ngoại nhập và một phần không nhỏ là sự thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động trẻ gắn bó với nghề. Ở Hà Nội, Phú Xuyên được mệnh danh là cái nôi của các làng nghề truyền thống với 124 làng nghề trong tổng số 138 làng của toàn huyện (chiếm 89%), 40 làng nghề đạt tiêu chuẩn làng nghề truyền thống theo đúng chỉ tiêu của thành phố. Song, dù sở hữu những nghề truyền thống lâu đời như khảm trai (Chuyên Mỹ) có từ thế kỷ XI, nặn tò he (Phượng Dực) cách đây ngót nghét 300 năm, đan cỏ tế (Phú Túc)… thì nay Phú Xuyên vẫn đứng trước nguy cơ mai một nghề truyền thống.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Trần Công Thành, do cơ sở hạ tầng của các làng nghề truyền thống chưa được đầu tư đúng mức dẫn đến khó khăn trong lưu thông hàng hóa. Bên cạnh đó thị trường tiêu thụ ngày càng bị thu hẹp do suy thoái kinh tế thế giới, cho nên đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ trong lực lượng lao động làng nghề, một số nghệ nhân thoát ly, dẫn đến nhiều làng nghề… chỉ còn có nghề.

Tình trạng làng chỉ còn có nghề không chỉ xảy ra ở huyện Phú Xuyên (TP Hà Nội) mà tại tỉnh Thái Bình, hàng loạt làng nghề bị sụt giảm sản xuất, một số làng nghề đã chính thức bị "xóa sổ", nhiều làng nghề khác cũng đang lâm vào cảnh "thoi thóp" như: làng nghề thảm cói Văn Hải (Ðông Phong - Tiền Hải) hiện tỷ lệ lao động có nghề và giá trị sản xuất từ nghề chỉ còn chiếm chưa đầy 2%; làng nghề thêu ren Trung Ðức (Ðông Trung - Tiền Hải) số lao động có nghề chỉ còn 4% và giá trị sản xuất từ nghề chỉ chiếm 1%; làng nghề đan mây tre xuất khẩu Tiên Bá (Quỳnh Thọ - Quỳnh Phụ) số lao động có nghề giảm còn 14% và giá trị sản xuất từ nghề giảm chỉ còn 2%.

Cái khó của làng nghề truyền thống không chỉ đối với các tỉnh khu vực phía bắc mà tại các tỉnh phía nam như An Giang cũng có chung cảnh ngộ. Làng nghề làm lưỡi câu ở phường Mỹ Hòa (TP Long Xuyên), làng nghề lợp tre bắt cá xã Vĩnh Hội Ðông (huyện An Phú), làng lợp Cồn Cóc (xã Phước Hưng, huyện An Phú) cũng chấm dứt hoạt động cách đây hai năm. Ông Nguyễn Minh Trí, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hưng cho hay: "Hơn 70% số lao động thuộc lứa tuổi thanh niên trước làm nghề lợp đã bỏ địa phương đi làm ăn xa. Phần lớn lên các khu cụm công nghiệp. Ðịa phương đã cố gắng giữ làng nghề nhằm thu hút lao động nhưng vì khả năng phát triển gần như không có cho nên đành chịu".

Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thị xã Tân Châu (An Giang) Nguyễn Văn Hợp cho biết: Hiện trạng thanh niên các làng nghề, vùng nông thôn khu vực đồng bằng sông Cửu Long chuyển tới làm việc tại các khu, cụm công nghiệp đã và đang là thực trạng vô cùng nhức nhối ở các địa phương, gây khó khăn trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, quản lý lao động và phát triển làng nghề.

Với chính quyền là vậy, còn các nghệ nhân - những người đau đáu với nghề cũng không đành lòng buông xuôi nhìn làng nghề từng ngày mai một. Khi khảo sát các làng nghề, chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với những nghệ nhân hết sức tâm huyết với nghề, như: Nghệ nhân Triệu Văn Mão, người không cam lòng chấp nhận lụa Vạn Phúc thất truyền, cho nên đã đi khắp các miền, tìm xin, thậm chí bỏ tiền mua lại từng mẫu vải lụa của Vạn Phúc, rồi tìm đến nghệ nhân thiết kế mẫu có tay nghề nhất trong làng nhờ thiết kế lại và dệt thử. Nghệ nhân Nguyễn Ðăng Chế của làng tranh Ðông Hồ, nghệ nhân Nguyên Văn Thành của làng nghề nặn tò he; và còn biết bao những nghệ nhân thầm lặng khác đã và đang đau đáu với quyết tâm trao truyền để giữ gìn tổ nghiệp.

Hiện, cả nước có hơn 100 trường cao đẳng nghề, hơn 300 trường trung cấp nghề và hơn 1.000 cơ sở khác có dạy nghề, hầu hết các huyện đều có trung tâm dạy nghề. Ngoài ra nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp có hệ dạy nghề nhưng có rất ít trường và trung tâm đào tạo nghề truyền thống, quy mô đào tạo cũng rất nhỏ và chất lượng chưa cao. Việc dạy nghề truyền thống ở các trường này thường chưa gắn với nhu cầu thực tế sản xuất, kinh doanh, do đó nhiều người học xong vẫn không tìm được việc làm.

(Còn nữa)

NGỌC SƠN, MINH HUỆ và BẢO TRỊ

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/31542502-%c3%b0ao-tao-nhan-luc-cho-cac-lang-nghe-truyen-thong.html