Áo mới cho em vui tới trường

Hòa chung không khí háo hức đón chờ năm học mới của học sinh trên khắp mọi miền đất nước, các em hiện là con nuôi được ăn ở, sinh hoạt tại các đồn Biên phòng ở 18 tỉnh, thành biên giới cũng hân hoan, đầy tự tin bước vào năm học mới. Ngoài những trang thiết bị, dụng cụ đáp ứng nhu cầu học tập, những bộ đồng phục mới được chính tay những người lính mang quân hàm xanh may cho chính là hành trang giúp các em vững bước trên con đường học tập.

Các con nuôi của đồn Biên phòng được cán bộ Đồn Biên phòng Thu Lũm, BĐBP Lai Châu đưa đến trường dự lễ khai giảng trong bộ đồng phục mới. Ảnh: Bảo An

Các con nuôi của đồn Biên phòng được cán bộ Đồn Biên phòng Thu Lũm, BĐBP Lai Châu đưa đến trường dự lễ khai giảng trong bộ đồng phục mới. Ảnh: Bảo An

Trong ngày khai giảng, không khó để nhận ra những em là con nuôi của những người lính Biên phòng, khi các em được chính tay những người “bố nuôi” đưa đến trường trong ngày đầu tiên của năm học mới. Và, điều đặc biệt hơn khi năm học mới này, các em đã được mặc bộ đồng phục mới do Bộ Tư lệnh BĐBP và các đơn vị chức năng trong lực lượng may tặng. Những bộ đồng phục mới này vẫn giữ nguyên màu trắng tinh khôi, nhưng có thêm những đường viền màu xanh, đặc trưng của những người lính Biên phòng nơi cổ áo, cổ tay, chạy dọc ở ngang hai bờ vai, còn bên trái tay áo của bộ đồng phục lại có phù hiệu của lực lượng BĐBP.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Đỗ Hiệp Thắng, Phó Cục trưởng Cục Hậu cần BĐBP cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của thủ trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP về việc may đồng phục cho các cháu con nuôi đồn Biên phòng, ngay sau khi nhận được báo cáo danh sách các “con nuôi” tại 10 đơn vị BĐBP tỉnh, thành trên cả nước (45 em), Cục Hậu cần BĐBP đã triển khai may đo và cấp phát cho các đơn vị để đảm bảo cho các em kịp mang mặc nhân dịp khai giảng năm học mới, mỗi em có 2 bộ quần áo, 1 bộ đồng phục ngắn tay và 1 bộ đồng phục dài tay”.

Tại Đồn Biên phòng Thu Lũm, BĐBP Lai Châu, đơn vị nhận nuôi 3 em người dân tộc có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn do đồn quản lý, trong đó có 2 em người dân tộc Hà Nhì và 1 em người dân tộc La Hủ, cả 3 em đều trong độ tuổi cắp sách đến trường. Mặc trên người bộ đồng phục mới đến trường dự buổi lễ khai giảng năm học mới, Chang Mỏ Hừ, sinh năm 2006, người dân tộc Hà Nhì, con nuôi của đồn phấn khởi nói: “Em được các chú, các bác ở đồn Biên phòng nhận nuôi và đưa về đồn chăm sóc, kèm cặp, dạy dỗ, em rất vui và xúc động. Bước vào năm học mới, em còn được mặc những bộ đồng phục mới rất đẹp để đến trường. Em xin hứa sẽ luôn ngoan ngoãn, cố gắng chăm chỉ học tập để trở thành người có ích cho xã hội”.

Vừa chỉnh trang lại quần áo mới cho các em, Trung úy Nguyễn Duy Khánh, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Thu Lũm nói: “Được sự chỉ đạo của cấp trên về việc thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” và gần đây nhất là thực hiện mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, từ năm 2017 đến nay, đơn vị đã nhận nuôi 3 em, các em đều sinh hoạt ăn, ở tại đơn vị. Gần đây nhất, vào đầu tháng 9-2019, đơn vị nhận nuôi em Vàng A Hừ, sinh năm 2007, người dân tộc La Hủ. Hừ có hoàn cảnh rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo tại địa bàn. Được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Tư lệnh BĐBP, nhất là việc các em được cấp đồng phục mới đúng vào dịp khai giảng năm học mới này, các em là con nuôi tại đơn vị vô cùng phấn khởi và có thêm tinh thần, động lực để phấn đấu, cố gắng nhiều hơn nữa trong học tập”.

Trước đó, những ngày cuối tháng 8, khi năm học mới đang đến gần, ở khắp các tỉnh, thành Biên phòng trên cả nước, các đồn Biên phòng trực thuộc đều triển khai lễ ra mắt mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”. Đây là chủ trương của Bộ Tư lệnh BĐBP nhằm giúp đỡ học sinh hiếu học có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha mẹ, không nơi nương tựa, con em gia đình có công với cách mạng trên địa bàn biên giới, qua đó tạo điều kiện cho các em được ăn ở, học tập, phát triển toàn diện, sau này trở thành những công dân có ích cho gia đình, xã hội.

Theo đó, các đơn vị sẽ nhận nuôi các em từ 6 đến 15 tuổi, là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó, ưu tiên con em đồng bào dân tộc đặc biệt ít người, như: Chứt, Rục, Đan Lai, La Hủ; các em mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc mồ côi cha (mẹ), hiện cư trú trên khu vực biên giới thuộc địa bàn đồn Biên phòng phụ trách; các em là con thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Địa điểm nhận nuôi tại các đồn Biên phòng hoặc các tổ, đội công tác Biên phòng gần các điểm trường.

Về số lượng, phấn đấu mỗi đồn Biên phòng tuyến biên giới đất liền nhận nuôi từ 1 đến 2 em. Các đồn Biên phòng tuyến biển, đảo tùy tình hình thực tế ở địa phương để tiến hành nhận nuôi. Thời gian nhận nuôi bắt đầu từ tháng 9-2019 đến khi các em học xong lớp 9. Sau đó thì thực hiện theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Hiện nay, các đơn vị đang tích cực phối hợp với địa phương, gia đình và nhà trường tổ chức khảo sát, nhận nuôi theo chỉ tiêu được phân bổ.

Quang Long

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ao-moi-cho-em-vui-toi-truong/