Ao làng mấy cụm mây bay

Ở vùng Đồng bằng Bắc bộ, làng nào cũng có ao. Làng Chèm của tôi cũng không ngoài đặc trưng ấy.

Tôi không biết cụ thể các làng bên thế nào, chỉ biết làng tôi nhiều ao thật. Nói nhà nào cũng có ao thì hơi quá, nhưng xóm nào cũng có từ một đến hai, ba cái thì không sai. Các ao trong làng đều có tên gắn với chủ nhà như ao nhà bà Chắt Lựu, ao nhà ông cả Nhụn, ao nhà cụ vãi Cà… Chỉ có vài cái là mang tên của làng như ao Binh, ao Đình, ao Chùa và nhất là ao Sen. Ao Sen to nhất làng, chiều ngang đứng bờ nọ có thể thấy bờ kia, nhưng chiều dọc thì dài thăm thẳm. Từ dốc Thị - con dốc đầu ao nhìn xuống - vào những ngày ẩm trời, sương mờ giăng giăng thì không nhìn thấy bờ đuôi ao giáp liền đường cầu Bình.

Nói thêm một chút về dốc Thị, làng tôi từ đường cái quan, giáp bờ đê sông Cái muốn vào làng phải qua nhiều dốc. Hồi trước 1954, đầu dốc có cổng làng bằng gạch, ở cổng ngõ Chợ và cổng dốc Đá còn có câu đối, dốc thì chữ nôm, dốc thì chữ nho nhằm khuyến học cho dân làng. Sau cổng thì dốc nào cũng là con đường được lát bằng gạch chôn nghiêng - nghe các cụ bảo, đấy toàn là phần lễ sêu của trai thiên hạ khi làm rể làng Chèm. Riêng cổng Đông Trù - nơi nhà bố vợ tôi dẫn ra đồng, thì cổng có hai tầng. Tầng trên tựa như vòm nhỏ để tuần đinh gác. Sáng mở ra cho nông phu trong làng ra đồng. Chiều đánh trống thu không, sau đó đóng cổng làng, nội bất xuất ngoại bất nhập để chống cướp. Dốc Thị thì không có cổng, đường qua dốc vào làng là một lối đất nhỏ. Ngày nắng thì không sao, chớm mưa là mặt đường nhão nhoét, vài chỗ đọng những vũng bùn. Con đường lại ngoằn ngoèo, hai bên đường dầy chạt, xum xuê những bụi dứa dại, bụi móc diều, một cây bồ kết cổ thụ mọc um tùm cùng một cây thị già thân hình gầy guộc (không biết có phải vì thế nên dốc này mới tên là dốc Thị) mọc ngay bờ ao nhà ông hai Bắc.

Dân làng đồn là cây bồ kết và cây thị cỗi nhiều ma cạn và ma ao gọi là con nam vào những đêm mưa phùn, hay sáng giăng suông tụ tập, ngồi trên ngọn cây bồ kết và cành cây thị lả xuống mặt ao. Trong đám ma ấy có hồn cô gái người thiên hạ không rõ từ đâu đến. Hồi bé hầu hết lũ trẻ làng tôi đều bị mẹ dọa “không ngoan là cho lên dốc Thị đứng suốt đêm, cho con nam ao nhà hai Bắc rút chân”. Sợ là vậy nhưng dốc Thị vẫn là cái dốc hấp dẫn bọn trẻ nghịch ngợm trong làng, trong đó có tôi. Bởi vì cứ chớm mùa hè thì dốc Thị là nơi có nhiều bọ dừa, cánh cam, xén tóc nhất. Hôm nao đứa nào bắt được con cánh cam tre to gụ, bẻ chân cắm vào thanh tre vót nhọn để cho nó thả sức vỗ cánh bay thì thành một cái quạt tha hồ mát…

Trở lại ao Sen, rộng mênh mông và huyền bí nhất làng. Tôi cũng chả hiểu tại sao lại gọi là ao Sen, vì từ khi tôi biết ra ao tắm cho đến nay đã ngót bẩy chục năm chưa hề thấy một bông sen nào loe lên mặt ao khoe sắc. Riêng ao Binh, nối liền với ao Sen thì các cụ làng tôi kể: Thời giặc cờ đen nổi lên thì ao này thường có lính của tướng Lưu Vĩnh Phúc sau khi tập tành ở con đường liền với bãi Phân Nha rồi ào ra tắm. Đường cầu và ao vì thế thành tên và gắn chữ Binh vào. Còn sự huyền bí của ao Sen không chỉ vì sự mênh mông bát ngát của nó mà còn vì bên này ngay giáp bãi đất rộng ngày thường chúng tôi hay đá bóng bưởi, có một bệ thờ đã hoang phế. Cụ đội Kèn nhà ở góc bãi đất rộng, từng sang tận Ba lê nước Đại Pháp để thổi kèn la vây về vẫn bảo đám trẻ chúng tôi là chỗ thờ đó thiêng lắm, chúng mày đừng nghịch bậy bạ mà oan gia. Bệ thờ thì đã cũ lại sứt, lở không biết dựng lên để thờ ai, mà vài hôm lại thấy có bó hương cắm vào bát hương đại đã vỡ, ai đó đã gắn lại bằng xi măng cháy nghi ngút. Qua mặt ao sang bờ bên kia cách vài thửa ruộng nổi lên cái gò có tên là Văn Chỉ. Trên gò có một cái miếu. Thấy bảo thờ thầy Khổng, ngoài miếu có cây bàng chỉ lơ thơ dăm chiếc lá đỏ quạch. Nghe nói ngày xưa cứ vào đầu tháng năm ta chuẩn bị vào hội Chèm thì phe tư văn (những người có học) trong làng tụ tập để soạn văn tế. Bệ thờ, miếu Văn Chỉ đã xập xệ nhưng bọn trẻ chúng tôi dù nghịch như quỷ vẫn cảm thấy e dè trước hai chỗ ấy. Vào những trưa hè bỏng rát, sau khi lọ mọ bắt cua ngoi bờ ruộng chán, lũ trẻ chúng tôi lại để nguyên quần áo dính đầy bùn đất lao xuống mặt nước ao Sen lóng lánh ánh trưa hè, trên mặt nước nóng bỏng, lặn sâu xuống dưới mát lịm.

Ao Sen mênh mông, huyền ảo là thế giờ bị co thắt lại vì vài ba gia đình nhân thời nhộm nhoạm đổ đất lấn chiếm, kế đến một dự án nghe nói cấp huyện xây tường bao quanh khiến ao ngày càng co hẹp. Ao Sen kỳ diệu của làng tôi giờ hệt như chậu cây cảnh của hòn non bộ cứng đờ trong sân một gã trọc phú, giầu nổi. Nghĩ mà nhớ, tiếc và buồn về một cái ao huyền thoại của làng...

Ngày xưa làng tôi có lệ, xuất đinh trong làng đến tuổi 50 thì được làng gọi đến thưởng cho con cá mang về ăn mừng thọ. Cá chép mừng người vào tuổi 50 ở làng được đánh lên từ ao Sen vào dịp cuối năm giáp Tết…

Hai tháng cuối năm ta là vào mùa tát ao bắt cá ăn Tết. Chả biết người lớn vào những ngày ấy vui thế nào chứ bọn trẻ chúng tôi coi mùa tát cá trong làng cùng với hội Chèm tháng 5, mùa gặt lúa tháng 10, mùa ra bãi giữa sông Cái gỡ dây khoai lang, hái kê, trẩy đỗ tháng 9 là một trong những mùa vui thú nhất trong năm. Lũ trẻ chúng tôi nghe tin nhà nào hôm nào tát cá là nhấm nháy nhau kéo đến. Đứa nào đứa nấy ngang lưng buộc giỏ, ngồi chầu hẫu quanh bờ ao, nghe tiếng thì thùng của gầu giai, gầu sòng tát nước lên rồi nôn nóng nhìn nước ao cạn dần, lưng cá nổi lên uốn éo hay trườn, rạch le te trên mặt bùn đặc sệt. Thêm một quãng lao xao nữa đợi nhà chủ bắt hết cá để chờ một vị trong nhà chủ ao đứng thẳng người lên, trong tay ngoe nguẩy con rô náng vừa bắt được hô to “giờ tháo khoán cho chúng mày xuống hôi”. Thế là đám trẻ chúng tôi ùa xuống, vừa bắt cá vừa trêu trọc nhau. Những khuôn mặt nghịch ngợm, những thân mình cởi trần hoặc choàng cái áo rách chẳng mấy chốc đã loang, hoen những vệt bùn đen, ướt. Thỉnh thoảng lại có đứa mỏi vì còng lưng mò cá đứng lên, mặt đầy bùn nhệch một nụ cười hỉ hả nhìn xuống bàn tay đen bùn đang nắm chắc con trê vàng óng ngoe nguẩy.

Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ, lần ấy đi hôi cả ao nhà ông Trường xe bò kéo. Khi tôi thục tay xuống bùn thì giật mình chạm phải thân hình con cá xộp khôn ngoan giả chết nằm im dưới bùn. Không tin con cá to như vậy còn sót lại, tôi bèn lấy móng tay gại vào vẩy nó. Con cá không rõ do đau hay buồn bèn cong đuôi đập mạnh rồi nhô lên mặt bùn chuồi đi. Thằng Mẫn con nhà bán giò chả đứng cách tôi vài bước nhanh tay chộp được con cá. Khi về, chị nó lấy cân làm hàng của nhà nó cân lên, con cá nặng một kí sáu…

Bây giờ, ao Sen đã bị thu hẹp, còn hầu hết ao trong làng kể cả ao của nhà bố vợ tôi - một cái ao đẹp như trong thơ Tam Nguyên Yên Đổ - cũng bị lấp hết để lấy đất làm nhà và chia cho con cháu. Trẻ con làng Chèm dấu yêu làng tôi vĩnh viễn không biết, không còn niềm vui chờ đợi và cả niềm vui trong mùa hôi cá cuối năm và những đụn mây cũng không còn duyên dáng soi bóng mình xuống mặt ao rập rờn bóng tre nữa.

Thiu thiu buồn mỗi đận cuối năm Tết đến là vậy.

Làng Chèm 17/12/2018

Tản văn của Hiếu Nguyễn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ao-lang-may-cum-may-bay-115393.html